Theo tờ Business Insider, người dùng điện thoại iPhone ở Trung Quốc vừa có một cơn sốt mới - ứng dụng tên Zao – ghép mặt của mình vào người diễn viên nổi tiếng giống thật đến kinh ngạc.
Zao đã đứng đầu danh sách các ứng dụng iOS được tải nhiều nhất của Trung Quốc cuối tuần qua, sau khi được phát hành trên Apple Store ngày 30/8. Tính đến 2/9, Zao vẫn xếp đầu bảng. Hiện ứng dụng này chưa hỗ trợ người dùng không sở hữu thuê bao điện thoại của Trung Quốc và cũng chưa xuất hiện trên Apple Store hoặc Play Store ở thị trường khác.
Do nhà phát triển MoMo lập ra, ứng dụng này cho phép người dùng “sống ảo” bằng cách thay thế khuôn mặt của mình vào một loạt diễn viên, ca sĩ và thậm chí cả nhân vật trong trò chơi điện tử. Người dùng Zao chỉ cần tải lên một tấm ảnh cận mặt, sau đó ứng dụng sẽ tự động gắn nó vào đoạn video được chọn. Kết quả ghép mặt vô cùng giống thật.
Công nghệ “deepfake” sử dụng phần mềm trí tuệ nhân tạo để phân tích khuôn mặt của ai đó và sau đó gắn nó lên video của người khác. Gần đây, công nghệ giả mạo hoặc thay đổi khuôn mặt này đã trở nên tinh vi hơn và, như ứng dụng Zao cho thấy, dễ dàng tiếp cận hơn. (Xem video người dùng dễ dàng thay thế khuôn mặt mình vào cơ thể diễn viên Leonardo DiCaprio. Nguồn: B.I)
Mặc dù Zao chưa phổ biến với người dùng ngoài Trung Quốc, song nó vẫn gây ra những mối lo ngại về chính sách riêng tư cũng như mặt đạo đức của việc giả mạo người khác.
Đứng đằng sau Zao chính là MoMo – công ty truyền thông xã hội lớn ở Trung Quốc, sở hữu ứng dụng hẹn hò Tantan.
Bloomberg và The Guardian đưa tin sau khi Zao trở nên thịnh hành, những mối lo ngại về quyền riêng tư bắt đầu tăng lên khi người dùng phát hiện trong điều khoản sử dụng của ứng dụng này ghi là "miễn phí, không thể hủy ngang, vĩnh viễn, có thể chuyển nhượng và tái cấp phép" đối với nội dung mà người dùng tạo ra. Sau vấn đề này, WeChat - ứng dụng trò chuyện trực tuyến phổ biến nhất Trung Quốc – đã chặn Zao trên nền tảng của nó.
Theo Bloomberg, Zao đã nhanh chóng cập nhật lại điều khoản của mình, qua đó thông báo các clip dạng “ghép đầu” và “video ngắn” sẽ không bị sử dụng ngoài mục đích cải thiện ứng dụng hay bất kỳ hình thức nào không được người dùng phê duyệt trước. Rắc rối xoay quanh Zao đã gợi nhắc về vụ việc ứng dụng FaceApp của Nga, sử dụng trí tuệ nhân tạo để thêm các bộ lọc vào khuôn mặt người dùng khiến họ già đi hoặc đổi giới tính.
Đại diện của Zao phát biểu: “Chúng tôi hiểu rõ những lo ngại về vấn đề riêng tư. Chúng tôi đã nhận được phản hồi và sẽ khắc phục những vấn đề không lường trước này”.
Nếu Zao quyết định phát triển ứng dụng rộng rãi hơn, người dùng ở phương Tây sẽ vẫn cảm thấy không an toàn. Trung Quốc đã sử dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để mở rộng ồ ạt mạng lưới giám sát của mình nên người dùng có thể sẽ chùn bước trong việc bàn giao dữ liệu cá nhân cho một nhà phát triển ở nước ngoài.
Ứng dụng chụp ảnh tự sướng của Trung Quốc Meitu từng gây sốt ở phương Tây năm 2017 vì làm đẹp ảnh, song lại bị chỉ trích vì yêu cầu truy cập dữ liệu cá nhân quá mức như số điện thoại và tọa độ GPS.