Trong nghiên cứu do Bộ Ngoại giao Mỹ tài trợ, ASPI cho biết trong một số lĩnh vực, tất cả 10 tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới đều có trụ sở tại Trung Quốc. Trong khi đó, Mỹ xếp thứ hai mặc dù nước này dẫn đầu nghiên cứu toàn cầu về điện toán hiệu năng cao, điện toán lượng tử, vệ tinh nhỏ và vaccine.
Cũng theo nghiên cứu, trong 5 năm qua, Trung Quốc đã có tới 48,49% tài liệu nghiên cứu có tác động lớn trên thế giới về động cơ máy bay tiên tiến, trong đó có cả động cơ siêu thanh, và nước này có 7 trong số 10 tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới. Trung Quốc cũng đang tìm cách thu hút các nhà nghiên cứu tài năng và có khả năng nước này sẽ nổi lên với vị thế độc quyền trong 10 lĩnh vực, trong đó có sinh học tổng hợp - lĩnh vực nước này chiếm tới hơn 30% tổng số nghiên cứu, cũng như pin điện, mạng không dây 5G và sản xuất nano.
Viện Khoa học Trung Quốc, một cơ quan nghiên cứu của chính phủ, đứng thứ nhất hoặc thứ hai trong hầu hết 44 lĩnh vực công nghệ, trong đó có quốc phòng, không gian, người máy, năng lượng, môi trường, công nghệ sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), vật liệu tiên tiến và công nghệ lượng tử… Trung Quốc đang củng cố lĩnh vực nghiên cứu của nước này thông qua việc thu thập kiến thức từ nước ngoài. Dữ liệu cho thấy 20% các nhà nghiên cứu hàng đầu của Trung Quốc được đào tạo tại một quốc gia trong nhóm 5 nước Anh, Mỹ, Australia, Canada và New Zealand.
Nghiên cứu của ASPI cho rằng các chính phủ cần đầu tư nghiên cứu nhiều hơn, đồng thời kêu gọi các quốc gia hợp tác thường xuyên hơn để tạo ra chuỗi cung ứng an toàn và nhanh chóng theo đuổi một bước phát triển công nghệ quan trọng chiến lược. ASPI cũng khuyến nghị thực hiện các chương trình sàng lọc thị thực để hạn chế chuyển giao công nghệ bất hợp pháp.