Tổng kết tập trận ACID 2015: Việt Nam dẫn đầu 4/6 pha

ACID 2015 là cuộc tập trận quốc tế về an toàn mạng có chủ đề “Điều tra, phân tích và ứng cứu sự cố mã độc gián điệp” với sự tham gia của 10 quốc gia trong khối ASEAN và 4 nước đối thoại (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) đã diễn ra vào ngày 28/10.


ACID 2015 là cuộc tập trận quốc tế về an toàn mạng có chủ đề “ Điều tra, phân tích và ứng cứu sự cố mã độc gián điệp” với sự tham gia của 10 quốc gia trong khối ASEAN và 4 nước đối thoại (gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) đã diễn ra vào ngày 28/10. Qua gần 8 tiếng, 100 đơn vị ứng cứu của Việt Nam đã trải qua 6 tình huống diễn tập hết sức căng thẳng.


Quang cảnh tổng kết diễn tập. Ảnh: MP

Theo đánh giá của Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VnCert) thông qua phần phản hồi của các đội tham gia diễn tập của 14 nước trên IRC (Internet Relay Chat), Việt Nam dẫn đầu 4/6 tình huống diễn tập về gửi đáp án trả lời nhanh nhất.


Đúng 8h30, phía điều phối tập trận quốc tế là Singapore bắt đầu gửi thông tin kết nối tới tất cả 14 quốc gia tham gia tập trận. Cuộc tập trận này thực hiện việc xử lý một tình huống bị tấn công mã độc thông qua 6 bước xử lý gọi là “Pha”. Trong quá trình tham gia diễn tập, tất cả các đội kỹ thuật đều hào hứng và tích cực tham gia xử lý mọi tình huống đặt ra.


Theo ông Tạ Ngọc Bích, cán bộ Sở Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Lào Cai, việc giải mã các mã độc là công việc rất khó, phải trình độ chuyên gia mới giải quyết được. Trong quá trình tập trận, đội diễn tập của Sở TT-TT Lào Cai đã gặp khó khăn trong việc giải mã các mã độc nhưng nhờ được mạng lưới ứng cứu hỗ trợ nên cuối cùng đã giải mã được. Qua đợt tập trận, kết quả lớn nhất mà đội diễn tập thu lượm được là kinh nghiệm phối hợp với các chuyên gia trong ứng cứu sự cố.


Trong vai trò một chuyên gia về mã độc, ông Trần Minh Quảng, đội Viettel đánh giá, các mã độc đưa vào tập trận hôm nay có độ phức tạp về hành vi và kỹ thuật tương đương các mã độc đang phân tán trên mội trường mạng, cho thấy một cuộc tập trận thực sự. Tuy nhiên, cũng qua buổi diễn tập cho thấy vai trò của lực lượng ứng cứu trong mỗi đơn vị. Ngay khi bị mã độc tấn công, nếu lực lượng ứng cứu có thể tự giải mã được một phần rồi chuyển cho chuyển gia xử lý phần còn lại sẽ giúp giảm rất nhiều thiệt hại cho tổ chức cũng như giảm tải cho đơn vị chỉ đạo cấp trên. Hơn nữa, chỉ có đơn vị mới chủ động đề xuất được những vướng mắc gắn với đặc thù của đơn vị mình.


Đánh giá về nội dung tập trận, ông Nguyễn Khắc Lịch, Trưởng Ban tổ chức ACID 2015 cho biết: Tất cả các tình huống đều không được biết trước mô phỏng các tình huống sự cố thực tế đã từng, đang cũng như hoàn toàn có khả năng xảy ra hàng ngày, hàng giờ mà mỗi cán bộ chịu trách nhiệm bảo vệ an toàn mạng của các hệ thống công nghệ thông tin phải đối mặt và xử lý. Trong quá trình thực hiện diễn tập, các đại diện từ đội chủ lực (core team) đã giải thích các bước tiến hành phân tích sự cố, các cách thức điều tra phát hiện mã độc mà tình huống tập trận đưa ra.


Ông Lịch cho biết thêm: Cuộc diễn tập này có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh vấn nạn tin tặc đang hoành hành trên thế giới. Qua sự kiện này, Việt Nam cần điều chỉnh để nâng cao trình độ mặt bằng chung về chuyên môn của các lực lượng ứng cứu trong nước. Để cải thiện mặt bằng chung của đội ngũ chuyên gia an ninh mạng, thứ nhất: Đầu tư cho công nghệ thông tin (CNTT) thường chú trọng theo thứ tự: phần cứng, phần mềm, con người. Thế nhưng đã đến lúc việc đầu tư cho CNTT nói chung và an toàn thông tin (ATTT) nói riêng nên theo chiều tháp ngược lại, trong đó, con người là quan trọng nhất. Cần tập trung nâng cao kỹ năng cho các chuyên gia thông qua các khóa đào tạo, các cơ hội cọ sát với thực tế để rèn luyện bản lĩnh, tích lũy kinh nghiệm.


Minh Phương
Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN