Thị trường game di động Việt Nam ngày càng phát triển

Tại hội thảo quốc tế Mobile Game Asia 2015 diễn ra TP Hồ Chí Minh trong 2 ngày 9 và 10/7, Hiệp hội trò chơi di động toàn cầu (GMGC) cho biết thị trường game di động (mobile game) tại Việt Nam ngày càng phát triển mạnh. Có thể thấy, với 40 triệu người dùng Internet, trong đó phần lớn là người dùng trẻ và dành phần lớn thời gian sử dụng smartphone (169 phút), Việt Nam đang trở thành thị trường lớn của ứng dụng nội dung trên smartphone.


Tiềm năng mobile game


Theo đánh giá của GMGC, Internet là môi trường mở, dịch vụ nội dung trên Mobile Internet lại càng rộng mở hơn. Chính vì vậy, thị trường game di động Việt Nam đang rất nhiều tiềm năng.

Sự kiện này đã thu hút 2000 người đăng ký tham dự, tăng gấp 5 lần so với lần tổ chức tại Singapore vào năm ngoái.


Ông Vương Vũ Thắng, sáng lập viên kiêm Giám đốc Điều hành Soha Game, cho biết chỉ riêng năm 2014 đã có 77 tựa game được phát hành, đem về 83 triệu USD doanh thu. Riêng trong nửa đầu năm 2015, theo thống kê của Soha Game, đã có đến 64 tựa game mobile ra mắt các game thủ. Ngoài ra, với 134 triệu lượt đăng ký thuê bao di động trên dân số 92,5 triệu người, tính lý thuyết mỗi người dân Việt Nam sở hữu đến 2 thuê bao di động. Trong khi đó, tỷ lệ người sở hữu di động cũng đang ngày càng trẻ hóa, ước tính trong năm 2015, số lượng người dùng trong độ tuổi 16-24 chiếm đến 45%, một thị phần hết sức béo bở cho các nhà kinh doanh các dịch vụ giải trí trên di động.


Mobile Game Asia là hội thảo – triển lãm quốc tế về trò chơi di động lớn nhất Đông Nam Á. Đây là sự kiện dành riêng cho các doanh nghiệp sản xuất và phát triển trò chơi di động trên toàn cầu. Việt Nam là nước thứ 3 ở Đông Nam Á được chọn làm địa điểm tổ chức, sau 2 lần được tổ chức tại Singapore và Thái Lan. Ngoài 16 bài diễn thuyết và 8 chủ đề thảo luận, “Mobile Game Asia 2015” tại Việt Nam lần này cũng có các 40 gian hàng của các doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu mình cùng các đối tác khác.

Thực tế cho thấy, chỉ tính năm 2014, tổng doanh thu game di động ở Việt Nam là 83 triệu USD và con số đó năm 2015 dự kiến sẽ là 104 triệu USD. Trong số đó, VNG đang được xem là nhà phát hành game online số 1 Việt Nam, bao gồm Platform Zalo với 30 triệu người dùng cùng hàng loạt các game online có số lượng người chơi lớn như Dota Truyền kỳ, Thiên Long Bát Bộ, Khu Vườn Trên Mây, Gunny, Dead Target… Ông Trần Vinh Quang, Giám đốc điều hành công ty Appota, cũng cho hay, bên cạnh việc phát hành game, Việt Nam cũng có nhiều studio game chất lượng, làm ra được những sản phẩm chất lượng cao phát hành ra cả thị trường quốc tế. Chính vì thế, đây là một môi trường mà các nhà đầu tư nên chú trọng.


Tuy nhiên, ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần VNG, cho rằng thị trường lớn này tại Việt Nam vẫn chưa được khai thác đúng mức và triệt để. Vì vậy các doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có VNG sẽ có cơ hội hợp tác, học hỏi từ các doanh nghiệp đến từ khắp nơi trên thế giới nhằm mục đích khai thác thị trường tốt hơn, hay nói cách khác có thể phục vụ người dùng tốt hơn.


Nhiều thách thức


Cũng theo ông Lê Hồng Minh, bên cạnh những tiềm năng thị trường Mobile game thì cũng có những thách thức không nhỏ cho các doanh nghiệp phát hành game khi phải cạnh tranh thị phần. Kinh nghiệm của VNG trong những năm qua cho thấy, giữa hằng hà sa số các game mobile thi nhau ra mắt liên tục, việc lựa chọn một sản phẩm hay có thể đem lại thành công giống như “mò kim đáy bể”. Trong bối cảnh cạnh tranh gắt gao hiện nay, bên cạnh chi phí ngày càng tăng, ưu thế cạnh tranh then chốt của các doanh nghiệp game (so sánh với thời kỳ kinh doanh game PC) sẽ ngày càng bớt lợi thế. Đó là chưa kể, đến những khó khăn khi làm việc với các nhà phát triển game cũng như cạnh tranh với những “ông lớn” game di động quốc tế, những thế lực chẳng cần đến những nhà phát hành địa phương để game của mình có thể đến được với game thủ.


Tuy nhiên, theo ông Vương Vũ Thắng và ông Trần Vinh Quang thì thách thức quan trọng đó chính là việc cơ quan chức năng tại Việt Nam quản lý game online một cách rất chặt chẽ, cho nên các doanh nghiệp muốn đầu tư vào game ở Việt Nam cần phải tìm hiểu rõ. Chẳng hạn, việc cấp phép phát hành game cũng được kiểm soát một cách kĩ lưỡng, sau 3 năm tại Việt Nam mới có 4 công ty được cấp phép là SohaGame, VNG, VTC và VE, thời gian cấp phép cũng mới được tiến hành từ tháng 6/2015 vừa qua.


Bên cạnh đó, Chính phủ cũng không cho phép các công ty nước ngoài phát hành game ở Việt Nam, muốn phát hành phải liên doanh với các công ty trong nước và công ty nước ngoài chỉ được chiếm cổ phần 49%. Hệ thống thanh toán trong nước cũng không được thanh toán cho game của doanh nghiệp nước ngoài. Và việc quảng bá game không phép trên các phương tiện truyền thông cũng không được phép. Ngoài ra, người Việt chủ yếu thanh toán bằng thẻ cào điện thoại trong khi tỉ lệ thanh toán bằng thẻ tín dụng là rất thấp (dưới 5%), điều này khiến cho việc phát hành game rất khó khăn.

Ông Lê Hồng Minh chia sẻ kinh nghiệm làm game di động tại Việt Nam.


Vì thế, theo ông Lê Hồng Minh, các nhà phát hành game mới nổi muốn trụ được trên thị trường cần có một mô hình hợp nhất 4 yếu tố: nội dung game hay, hệ thống thanh toán hoàn thiện và phù hợp với môi trường mobile, vận hành hệ thống game tốt, marketing game trên nhiều phương diện, kể cả trên mạng xã hội để thu hút game thủ. Nhưng để kết hợp được 4 yếu tố này, theo kinh nghiệm của nhà phát hành game VNG, các công ty lớn buộc phải tổng tiến công toàn lực vào tất cả các mảng để duy trì năng lực cạnh tranh. Với các các công ty nhỏ, khởi nghiệp thì nên khôn ngoan lựa chọn kỹ càng những lĩnh vực cụ thể, đặc thù mới có hy vọng phát triển.


Hải Yên (Tin Tức)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN