Tàu vũ trụ Hằng Nga 4 – phóng lên vũ trụ ngày 7/12/2018 – đã làm nên lịch sử khi hạ cánh xuống miệng núi lửa Von Karman ở vùng bán cầu phía Nam của vùng tối trên Mặt Trăng ngày 1/3/2019. Với thành tích trên, Trung Quốc đã đi vào lịch sử ngành khoa học vũ trụ thế giới, trở thành quốc gia đầu tiên thám hiểm khu vực chưa từng được biết tới của Mặt Trăng.
Trong lúc làm sứ mệnh thăm dò vệ tinh tự nhiên của Trái Đất này, tàu Yutu-2 thuộc đội tàu Hằng Nga 4 đã phát hiện ra hai dạng vật chất mới. Theo tờ Daily Express, đội Hằng Nga 4 đang chuẩn bị tắt Yutu-2 vào ngày 28/7 trong một ngày Mặt Trăng dừng quay để bảo vệ thiết bị này khỏi bức xạ Mặt Trời.
Tuy nhiên, một trong số các nhà khoa học Trung Quốc đã nhận thấy những hình ảnh lạ thường do camera chính của Yutu-2 chụp lại, cho thấy một miệng hố núi lửa Mặt Trăng nhỏ bên trong chứa một vật chất khó lý giải. Thứ này có màu sắc và tỏa sáng khác biệt so với môi trường xung quanh.
Thiết bị vũ trụ Trung Quốc cẩn trọng tiếp cận vật thể lạ trong miệng núi lửa và sau khi tiếp xúc với vật chất này, nó mô tả đó là một thứ “giống như keo”. Yutu-2 sau đó đã kiểm tra khu vực này bằng Máy quang phổ kế cận hồng ngoại (VNIS) có khả năng phát hiện ánh sáng và định dạng được cấu trúc của vật thể.
Hiện các nhà khoa học Trung Quốc chưa đưa ra giải thích về bản chất của vật thể giống keo trên. Tuy nhiên, tờ Daily Express dẫn lời một số chuyên gia cho rằng chất keo lấp lánh này có khả năng là thủy tinh nóng chảy được tạo ra khi các thiên thạch va vào bề mặt của Mặt Trăng.
Các thí nghiệm sâu hơn mà các nhà khoa học Trung Quốc sắp sửa tiến hành cùng với sự hỗ trợ của tàu Yutu-2 có thể giúp xác minh được các lý thuyết khác nhau mô tả sự hình thành của Mặt Trăng.
Xem video cú hạ cánh lịch sử của tàu Hằng Nga 4 trên vùng tối của Mặt Trăng. Nguồn: SciNews