Chia sẻ về ý nghĩa của việc ra mắt PayGov, ông Đinh Sỹ Nguyên, Phó Giám đốc Sở TT&TT tỉnh Quảng Ninh cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, Quảng Ninh thực hiện hơn 155.000 thủ tục hành chính công trực tuyến nhưng chỉ có 5% trong số này thanh toán trực tuyến, còn lại vẫn phải đến trụ sở giao dịch đóng phí. Đây là điểm nghẽn trong việc thực hiện dịch vụ công mức độ 4. Do đó, việc ra mắt PayGov sẽ là khởi đầu cho gỡ nút thắt này. Các đơn vị triển khai dịch vụ công sẽ không phải đi đến từng đơn vị thanh toán kết nối mà sẽ qua chung PayGov để thanh toán.
Phát biểu tại lễ ra mắt, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cho biết, việc Bộ TT&TT đưa vào sử dụng Cổng hỗ trợ thanh toán quốc gia (PayGov) và hỗ trợ các bộ, ngành, địa phương thực hiện kết nối, sử dụng PayGov, cũng là một trong các giải pháp chủ yếu để hoàn thành chỉ tiêu về dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020.
“Việc đưa vào sử dụng hệ thống PayGov là sự bắt đầu của một quá trình thúc đẩy thanh toán điện tử cho các dịch vụ công. Để hệ thống PayGov sớm mang nhiều tiện lợi, các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin (CNTT) các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Sở TT&TT các tỉnh, thành phố khẩn trương thực hiện kết nối Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của Bộ, địa phương với hệ thống PayGov để bảo đảm đa dạng hóa kênh thanh toán, bảo đảm sự tiện lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp” Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đề nghị.
“Đối với các trung gian thanh toán cần phối hợp chặt chẽ với Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) triển khai hiệu quả thỏa thuận hợp tác đã ký, nhằm cung cấp các dịch vụ hỗ trợ thanh toán trực tuyến chất lượng cao cho dịch vụ công tại Việt Nam. Cục Tin học hóa cần xây dựng, phát triển và vận hành hệ thống PayGov bảo đảm sự hoạt động ổn định, hiệu quả, qua đó thực hiện vai trò của Bộ TT&TT trong tạo lập nền tảng để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Cục Tin học hóa cũng cần chủ động nghiên cứu hoặc phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan thuộc Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước để nghiên cứu, tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định, chính sách về phí, giá sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến, cùng phối hợp để hướng dẫn, tháo gỡ các vướng mắc nếu có”, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng yêu cầu.
Cổng PayGov được phát triển không phải là chức năng thanh toán trực tuyến mà thực hiện chức năng tạo lập nền tảng hỗ trợ cho các Cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử của bộ, ngành, địa phương kết nối với các hệ thống trung gian thanh toán.
Bên cạnh đó, Cổng PayGov sẽ giúp hiện thực hóa mục tiêu đặt ra tại Quyết định số 749/QĐ-TTg là đến năm 2025, tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 50%. Đến năm 2030 tỷ lệ dân số có tài khoản thanh toán điện tử trên 80%.
Tính đến thời điểm hiện tại Cổng PayGov đã triển khai hợp tác và kết nối với 9 Trung gian thanh toán gồm: Công ty CP Thanh toán Quốc gia Việt Nam (NAPAS); Tổng Công ty Dịch vụ số Viettel; Công ty Cổ phần Giải pháp Thanh toán Việt Nam (VNPAY); Công ty Cổ phần Dịch vụ Di động trực tuyến (M_SERVICE JSC); Công ty Cổ phần dịch vụ trực tuyến Cộng đồng Việt (VIETUNION); Tổng công ty truyền thông đa phương tiện - Công ty TNHH MTV (VTC); Công ty Cổ phần Ngân lượng; Công ty Cổ phần Dịch vụ nền di động Việt Nam (VIMASS JSC); Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT TELECOM).
Cũng tại lễ ra mắt, 9 trung gian thanh toán đã thực hiện ký kết Thỏa thuận hợp tác với Cục Tin học hóa, Bộ TT&TT về việc triển khai Cổng thanh toán quốc gia (PayGov). Cổng PayGov sẽ tiếp tục mở rộng phạm vi kết nối, hướng đến sẽ kết nối với tất cả các trung gian thanh toán tại Việt Nam.
Phát biểu tại sự kiện, ông Nguyễn Quang Hưng, Tổng giám đốc NAPAS cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị quản lý, vận hành hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử quốc gia, NAPAS luôn nỗ lực đổi mới, sáng tạo, phát triển các giải pháp thanh toán hiện đại, thuận tiện, an toàn cho người dùng và phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị hành chính công phát triển các giải pháp hỗ trợ thanh toán dịch vụ công để góp phần triển khai hiệu quả các chủ trương, nghị quyết của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019 - 2020”.
Cổng PayGov hiện cũng đã hoàn thành kết nối thử nghiệm với Cổng dịch vụ công của Bộ TT&TT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Quảng Ninh và sẵn sàng để đưa vào sử dụng chính thức; đang thực hiện kết nối thử nghiệm với cổng dịch vụ công các tỉnh như: Sóc Trăng, Cà Mau, Long An, Thừa Thiên - Huế, Hà Giang, Hà Nội…