Các địa phương đã ban hành 36 cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và 8 chính sách liên quan đến hoạt động đổi mới công nghệ để hỗ trợ doanh nghiệp.
Từ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Tại hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc 2022 mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Trong bảng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) 2021, Việt Nam xếp thứ 44 trên 132 quốc gia/nền kinh tế, so với thứ hạng 42 năm 2020 (mặc dù giảm 2 bậc nhưng theo cập nhật và tính toán mới của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới – WIPO thì GII 2021 của Việt Nam tăng khoảng 36% so với năm 2020). Việt Nam giữ vị trí xếp hạng về đầu ra đổi mới sáng tạo thứ 38 và tiếp tục có sự cải thiện thứ hạng đầu vào đổi mới sáng tạo tăng 2 bậc (từ 62 lên 60) so với năm 2020. Trong sự phát triển chung, vượt qua dịch COVID-19 có sự đóng góp của khoa học và công nghệ nói chung, hoạt động khoa học và công nghệ ở các địa phương nói riêng cùng với sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Nhằm tiếp tục thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các bộ, ngành, địa phương đã chủ động ban hành các văn bản để cụ thể hóa và tạo lập hành lang pháp lý thuận lợi cho hoạt động khoa học và công nghệ; các cơ chế, chính sách được triển khai, vận dụng hết sức linh hoạt, sáng tạo, đồng hành cùng doanh nghiệp, xác định doanh nghiệp là trung tâm của hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo; tập trung hỗ trợ đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển các sản phẩm chủ lực, sản phẩm có lợi thế của địa phương; tổ chức thực hiện nhiều nhiệm vụ khoa học và công nghệ phục vụ tốt các chương trình mục tiêu quốc gia.
Năm 2021, nhiều hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo được tổ chức đạt chất lượng cao, thu hút sự quan tâm của xã hội như: Ngày hội Cố đô khởi nghiệp tỉnh Thừa Thiên - Huế; cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên - Huế; ngày hội Khởi nghiệp quốc gia - Techfest 2021 và Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh - WHISE 2021; hội thảo “Thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành phố kết nối quốc tế”; Tuần lễ Đổi mới sáng tạo và Ngày hội khởi nghiệp sáng tạo Hải Phòng 2021; sự kiện Kết nối đầu tư và kết nối kinh doanh cho doanh nghiệp khởi nghiệp; cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp - CiC 2021; cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp thanh niên tỉnh Hòa Bình lần thứ III năm 2021...
Theo số liệu thống kê, năm 2021 có 105 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hình thành; 194 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất kinh doanh liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ; 73 doanh nghiệp được hỗ trợ hình thành phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ; 18 cơ sở ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ được thành lập. Nhiều địa phương đã quan tâm tư vấn, hỗ trợ các tổ chức khởi nghiệp đổi mới công nghệ, tháo gỡ khó khăn về thuế thu nhập doanh nghiệp, ưu đãi về đất đai, tín dụng. Cũng trong năm 2021, có 82 nhiệm vụ hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho doanh nghệp với tổng kinh phí hỗ trợ trên 14,5 tỷ đồng; 57 công nghệ được chuyển giao, ứng dụng; 29 hợp đồng chuyển giao công nghệ được thực hiện; đào tạo, bồi dưỡng 127 đối tượng để thành lập doanh nghiệp khoa học và công nghệ.
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được quan tâm hỗ trợ, với 97 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đã hỗ trợ cho 295 doanh nghiệp. Số lượng tổ chức ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là 112 tổ chức; 13 nhiệm vụ khoa học và công nghệ được địa phương hỗ trợ thông qua để tuyên truyền khởi nghiệp, đào tạo khởi nghiệp... với tổng kinh phí trên 13,7 tỷ đồng.
... đến thị trường khoa học và công nghệ
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Cùng với việc phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, một số địa phương đã tổ chức, triển khai có hiệu quả hoạt động xúc tiến để phát triển thị trường khoa học và công nghệ như: hội thảo, chương trình trình diễn, giới thiệu công nghệ và thiết bị, ứng dụng công nghệ số trong các lĩnh vực; ứng dụng công nghệ thông tin và tự động hóa trong trồng trọt và tiêu thụ nông sản; ứng dụng các giải pháp công nghệ trong nuôi thủy hải sản công nghệ cao; ứng dụng công nghệ số trong quản lý và vận hành logistics.
Ngoài ra, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng tổ chức các phiên kết nối cung cầu công nghệ giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp của Hàn quốc, Nhật Bản và Hà Lan; tổ chức cuộc triển lãm và kết nối cung cầu tại Nam Định; sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến Hatex.vn; Sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến Hatex.vn thu hút 598.725 lượt truy cập, 303 nhà cung cấp mới, trong đó có trên 40 viện, trường, cơ quan nghiên cứu, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, 25 nhà cung cấp nước ngoài... Điểm kết nối cung cầu vùng đồng bằng sông Hồng thu hút 398 cuộc gặp gỡ kết nối, trong đó có khoảng gần 41 cuộc kết nối trực tiếp và 357 cuộc gián tiếp.
Đáng chú ý, Thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng lớn bởi dịch COVID-19 song đã triển khai nhiều hoạt động có hiệu quả. Thông qua 2 kỳ Techmart trên nền tảng triển lãm trực tuyến tại địa chỉ techmart.techport.vn đã trưng bày giới thiệu 371 công nghệ và thiết bị của 111 đơn vị, thu hút 5.958 người tham quan với 25.183 lượt truy cập, hiệu quả lan tỏa của Techmart trực tuyến tăng gấp 10 lần Techmart truyền thống; Tổ chức 40 hội thảo/sự kiện để tư vấn, kết nối cung - cầu và xúc tiến chuyển giao công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh Hội thảo/sự kiện để tư vấn, kết nối cung - cầu và xúc tiến chuyển giao công nghệ tại TP. Hồ Chí Minh thu hút hơn 14.000 lượt tiếp cận và hơn 8.300 lượt xem...
Để thị trường khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ, các địa phương cần thúc đẩy mạnh mẽ mạng lưới các tổ chức trung gian, giúp các địa phương kết nối, khai thác hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về chuyên gia, các công nghệ mới thúc đẩy hoạt động ứng dụng chuyển giao công nghệ thúc đẩy phát triển thị trường khoa học và công nghệ.
Bài cuối: Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng vào phát triển kinh tế - xã hội địa phương