Phát triển khoa học và công nghệ tại các địa phương-Bài 1: Tập trung nguồn lực tài chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Năm 2022 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025 của các địa phương.

Tuy dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng nặng nề đến phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;  các bộ, ngành, địa phương đã chủ động, sáng tạo trong việc xây dựng cơ chế, chính sách, tạo lập hành lang pháp lý, tổ chức triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ, giải pháp khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Sự đóng góp của hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở các địa phương là nhân tố quyết định để nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, khẳng định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một trong những giải pháp đột phá phát triển triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước. 

Chú thích ảnh
Dây chuyền sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị thắp sáng trong xe ô tô, xe máy tại Công ty TNHH Điện Việt Nam Stanley (vốn đầu tư của Nhật Bản) tại Hà Nội. Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN

Bài 1: Tập trung nguồn lực tài chính, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Tại hội nghị Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ toàn quốc 2022 mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng nhấn mạnh: Năm 2022 có ý nghĩa hết sức quan trọng khi là năm tăng tốc triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã giai đoạn 2021 - 2025. Vì vậy, trong Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 8/1/2022 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2022; Nghị quyết số 02/NQ-CP về tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2022, nội hàm về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được đề cập nhiều, đặc biệt khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là giải pháp đột phá để đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa.

Tập trung nguồn lực tài chính

Ông Chu Thúc Đạt, Vụ trưởng Vụ Phát triển khoa học và công nghệ địa phương cho biết: Báo cáo của các địa phương cho thấy, tuy tình hình dịch vẫn diễn biến phức tạp, điều kiện kinh tế, ngân sách nhà nước còn khó khăn song nhiều địa phương vẫn dành sự quan tâm lớn cho hoạt động khoa học và công nghệ, điển hình nhiều địa phương đã cân đối, bố trí nguồn lực vượt mức cân đối từ Trung ương như: Hà Giang ở mức 174,9%, Lào Cai 272,0%, Phú Thọ 156,8%, Hà Nội 145,7%, Quảng Ninh 167,1%, Thanh Hóa 256,7%, Quảng Bình 138,6%, Thừa Thiên-Huế 123,7%, Quảng Nam 132,1%, Bình Định 164,5%, Đắk Lắk 133,6%, Gia Lai 144,1%, Hồ Chí Minh 180,5%, Tây Ninh 157,3%, Bà Rịa-Vũng Tàu 169,0%, Bến Tre 173,3%, Trà Vinh 129,5%...

Bên cạnh đó, một số địa phương chưa phân bố đủ kinh phí Trung ương thông báo như: Hòa Bình ở mức 93,3%, Bắc Ninh 78,6%, Phú Yên 91,7%, Lâm Đồng 92,2%, Đồng Nai 95,1%, Bình Dương 39,8%, Bình Phước 78,5%, Long An 87,2%, Vĩnh Long 97,6%, Sóc Trăng 67,7%, Kiên Giang 42,0%...

Năm 2021, do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án đầu tư phát triển nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ , các địa phương đã tập trung huy động nguồn lực xã hội hóa. Công tác xã hội hoá trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ngày càng được các doanh nghiệp và đơn vị sản xuất kinh doanh quan tâm thông qua việc ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, đối ứng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia do ngân sách nhà nước hỗ trợ...

Điển hình như Công ty cổ phần Phân bón Cà Mau đầu tư 110 tỷ đồng để đổi mới, cải tiến dây chuyền công nghệ nâng cao chất lượng sản phẩm phân bón và tạo sản phẩm mới chất lượng cao; Công ty cổ phần Mỹ Lan tỉnh Trà Vinh đầu tư nghiên cứu làm chủ và ứng dụng công nghệ cao trong nuôi tôm chất lượng cao với kinh phí gần 70 tỷ đồng; Tập đoàn Lộc Trời An Giang đầu tư trên 60 tỷ đồng nghiên cứu, phát triển các giống lúa đặc sản chất lượng cao và đổi mới công nghệ chế biến nông sản; Công ty Dược Hậu Giang dành hơn 30 tỷ đồng để cải tiến công nghệ sản xuất các loại dược phẩm; Công ty trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Thành phố Cần Thơ đầu tư khoảng 90 tỷ đồng đổi mới công nghệ sản xuất, chế biến lúa gạo chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, Công ty Vĩnh Hoàn Đồng Tháp đầu tư hơn 85 tỷ đồng để đổi mới công nghệ chế sản phẩm cá tra fillet chất lượng cao xuất khẩu sang thị trường châu Âu và Nhật Bản...

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại các địa phương vẫn tồn tại những hạn chế như: nguồn kinh phí cho khoa học và công nghệ còn thiếu, chưa có cơ chế khơi thông nguồn lực đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nguồn nhân lực địa phương chưa đáp ứng… Bởi vậy, nhằm đẩy mạnh hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo tại địa phương, năm 2022, Bộ Khoa học và Công nghệ và các Sở Khoa học và Công nghệ địa phương sẽ đổi mới mạnh mẽ cơ chế, chính sách; triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030. Đồng thời, đầu tư tiềm lực cho các đơn vị sự nghiệp khoa học và công nghệ công lập; tăng cường hợp tác với tổ chức khoa học và công nghệ trong nước và quốc tế; tìm kiếm và chuyển giao công nghệ tiên tiến, hợp tác trong công tác nghiên cứu giải quyết tốt các vấn đề bức xúc trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh của từng địa phương. Đặc biệt, chú trọng tăng cường phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ và các địa phương trong việc triển khai nghiên cứu, phát triển đồng bộ chuỗi giá trị đối với sản phẩm chủ lực, sản phẩm có tiềm năng có tính liên vùng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Bên cạnh đó, ngành khoa học và công nghệ sẽ tăng mức đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ để dần đảm bảo tỷ lệ đạt 2% tổng chi ngân sách nhà nước, tăng kinh phí đầu tư phát triển tiềm lực cho hoạt động khoa học và công nghệ của địa phương.

Chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp

Triển khai Nghị quyết số 01 và số 02/NQ-CP của Chính phủ, nhằm đưa ra các giải pháp cụ thể về khoa học và công nghệ thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng với các địa phương giải quyết những vấn về khoa học và công nghệ các địa phương; phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp; thúc đẩy hình thành tổ chức, doanh nghiệp khoa học và công nghệ; cơ chế khuyến khích thúc đẩy các doanh nghiệp chủ động đầu tư nghiên cứu  khoa học, ứng dụng  kết quả nghiên cứu vào hoạt động sản xuất kinh doanh; triển khai xây dựng bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương…

Khoa học và công nghệ đã tập trung vào một số lĩnh vực mũi nhọn, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp với nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có giá trị kinh tế lớn như: khảo nghiệm các giống cây; phục tráng và chuyển giao thành công quy trình kỹ thuật canh tác và giống lúa Khẩu Hốc siêu nguyên chủng; chọn tạo được bộ giống lúa chất lượng cao phục vụ gieo trồng; làm chủ công nghệ sản xuất giống tôm chất lượng cao có khả năng kháng 5 loại bệnh nguy hiểm; làm chủ được công nghệ nuôi cá tra tạo ra năng suất trung bình khoảng 300 tấn cá tra/ha… Lĩnh vực khoa học y - dược tập trung đầu tư nghiên cứu dược liệu, phát triển y học cổ truyền, đề xuất chuyển giao ứng dụng kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh y tế cộng đồng… Về hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phòng chống dịch COVID-19, khoa học và công nghệ đã thể hiện rõ vai trò trong phòng, chống dịch như: Xây dựng Bản đồ số tổng hợp số liệu về dịch COIVD-19; chuyển giao ứng dụng công nghệ GIS để quản lý dịch COVID-19; ứng dụng công nghệ sản xuất dung dịch nước rửa tay sát khuẩn nhanh hỗ trợ các khu cách ly và chốt kiểm dịch…

Do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây hậu quả nặng nề đến hoạt động của các địa phương nên việc huy động nguồn vốn để tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng khoa học và công nghệ gặp nhiều khó khăn hơn nhưng các địa phương vẫn tập trung vào các dự án đầu tư trang thiết bị đo lường, thử nghiệm trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng. Điển hình, tỉnh Hưng Yên đầu tư mua sắm thiết bị cho Trung tâm Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng 3.698 tỷ đồng; Gia Lai đầu tư 4 dự án đầu tư công với tổng số vốn đầu tư được phê duyệt là 105 tỷ đồng; Quảng Trị, Đắk Lắk, Gia Lai... đã phê duyệt dự án đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động Tiêu chuẩn, Đo lường, Chất lượng. Bên cạnh đó, các khu công nghệ cao tại các địa phương như: Nghệ An, Lâm Đồng, Thái Nguyên, Long An, Kon Tum, Bình Thuận... đã được phê duyệt, các dự án được hỗ trợ để hình thành khu công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết: Mạng lưới khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo phát triển mạnh mẽ tại các địa phương, điển hình là Đà Nẵng xây dựng đề án vận hành Khu Công viên phần mềm số 2, hình thành không gian đổi mới sáng tạo chung với tổng diện tích hơn 21.000 m2; Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư 542 tỷ đồng để tiếp tục triển khai thực hiện các dự án phát triển hạ tầng khoa học và công nghệ, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và đô thị thông minh, nông nghiệp công nghệ cao.

Một số địa phương cũng đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng công nghệ thông tin góp phần xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin, mô hình đô thị thông minh, xây dựng chính quyền điện tử. Tiếp nhận chuyển giao ứng dụng các phần mềm tin học trong quản lý nhà nước, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ công trực tuyến, công tác quản lý, điều hành và xây dựng đô thị thông minh của tỉnh. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, sở hữu trí tuệ và các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội bền vững trong các ngành, lĩnh vực để chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bài 2: Phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với thị trường khoa học và công nghệ

HL (TTXVN)
Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong dự báo thiên tai
Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ trong dự báo thiên tai

Ngày 25/4, tại Trụ sở Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai, Chủ tịch Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2022. Hội nghị được kết nối tới 63 điểm cầu UBND tỉnh, thành phố và 701 điểm cầu quận, huyện trên cả nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN