Phát triển 50.000 doanh nghiệp ICT làm hạt nhân chuyển đổi số

Các doanh nghiệp công nghệ số chính là hạt nhân của quá trình chuyển đổi số Việt Nam.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại diễn đàn.

Ngày 8/8, tại Hà Nội, đã diễn ra Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam - Vietnam ICT Summit 2019 với chủ đề: “Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường”.

Phát biểu tại diễn đàn, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Chuyển đổi số mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam. Việt Nam sẽ phát triển thêm 50.000 doanh nghiệp ICT tại khắp các tỉnh thành và tập trung phát triển 4 loại doanh nghiệp công nghệ số.

Một là các doanh nghiệp công nghệ lớn, làm chủ nghiên cứu phát triển các công nghệ cốt lõi và đầu tư hạ tầng ICT, khoảng 10-20 doanh nghiệp, đó là các doanh nghiệp có tiềm lực về tài chính, thị trường và nhân lực. Hai là các doanh nghiệp công nghệ đã 10-20 năm kinh nghiệm, hiện chúng ta đang có hàng ngàn doanh nghiệp, nhưng lại đang chủ yếu làm gia công thì nay sẽ chuyển sang làm sản phẩm, tập trung làm các Platforms (công nghệ nền tảng) chuyển đổi số. Ba là các doanh nghiệp công nghệ mới khởi nghiệp, làm tư vấn công nghệ, chuyển giao công nghệ, mang công nghệ số áp dụng vào mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội. Việt Nam sẽ cần hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn doanh nghiệp loại này. Bốn là các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, phát triển các công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới đột phá. Việt Nam có được hàng trăm doanh nghiệp loại này thì đã là rất thành công.

“Việt Nam sẽ tuyên bố chiến lược về chuyển đổi số quốc gia, để tiến tới một nền kinh tế số, xã hội số. Các yếu tố nền tảng sẽ được nhấn mạnh, sẽ được đầu tư và nằm trong top 50 vào năm 2025 và top 30 vào năm 2030. Việt Nam nhấn mạnh 5 yếu tố nền tảng là: Thể chế, hạ tầng, an ninh mạng, Platform và đào tạo”, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.

Để chuyển đổi số, Việt Nam có thể chọn chiến lược 3 bước: Đẩy nhanh việc số hoá các lĩnh vực; Sử dụng chuyển đổi số như một lợi thế cạnh tranh trong từng lĩnh vực, từng tổ chức; Tiến tới nền kinh tế số toàn diện, hình thành các ngành công nghiệp số thế hệ mới, các ngành công nghiệp mới này sẽ là động lực tăng trưởng cho nền kinh tế.

“Chuyển đổi số cần sự dẫn dắt của Chính phủ. Không chỉ là kiến tạo môi trường cho chuyển đổi số thông qua thể chế, mà còn là đi đầu trong chuyển đổi số. Đầu tư cho chính phủ điện tử hướng tới chính phủ số, kinh tế số; đầu tư cho đô thị thông minh hướng tới xã hội số; thúc đẩy các bộ, ngành chuyển đổi số; thúc đẩy các doanh nghiệp nhà nước đi đầu trong chuyển đổi số doanh nghiệp… Nhà nước vừa đi đầu và cũng là kiến tạo thị trường chuyển đổi số cho các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam phát triển.

Trong khuôn khổ sự kiện, liên minh Chuyển đổi số Việt Nam ra mắt với sự tham gia của các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) với mục tiêu đồng hành cùng Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp để đẩy nhanh và thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Về phát triển hạ tầng số, Liên minh cam kết phát triển hạ tầng mạng băng rộng quốc gia bao gồm các mạng di động thế hệ mới (4G, 5G); triển khai cáp quang rộng khắp, phấn đấu đến từng hộ gia đình; phát triển mạng viễn thông ảo hoá, mạng điện toán đám mây; phát triển mạng kết nối IoT sâu rộng, phát triển các nền tảng mở (open platform) tạo sân chơi số bình đẳng cho người dân, doanh nghiệp và xã hội.

Còn FPT đặt mục tiêu giảm 30-50% thời gian triển khai dự án chuyển đổi số cho tổ chức/doanh nghiệp bằng nền tảng (Platforms) và sản phẩm số toàn diện của mình; đồng thời đào tạo 50.000 kỹ sư công nghệ chất lượng cao…

XM/Báo Tin tức
Doanh nghiệp ít quan tâm đến Giải thưởng Công nghệ thông tin - truyền thông
Doanh nghiệp ít quan tâm đến Giải thưởng Công nghệ thông tin - truyền thông

Doanh nghiệp công nghệ tham gia Giải thưởng Công nghệ thông tin - truyền thông TP Hồ Chí Minh không nhiều và chưa tương xứng với số lượng doanh nghiệp hiện có của TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN