Một hình ảnh mới từ Kính thiên văn Chân trời Sự kiện (EHT) lần đầu tiên đã cho thấy trong ánh sáng phân cực có một vòng từ trường bao quanh hố đen Nhân Mã A* (Sagittarius A*). (Hình ảnh ánh sáng phân cực cho phép các nhà thiên văn học tách biệt các đường từ trường). Các từ trường này tương tự như những gì quan sát được xung quanh hố đen M87* ở trung tâm của Dải Ngân hà M87. Theo ESO, điều này cho thấy các từ trường mạnh có thể là hiện tượng phổ biến đối với tất cả các hố đen. Bà Sara Issaoun, thuộc Trung tâm Thiên văn học Harvard, nhận định: "Những gì chúng ta đang thấy là có những từ trường mạnh, xoắn và có tổ chức gần hố đen ở trung tâm của Dải Ngân hà".
Các hố đen siêu khối lượng, nằm ở trung tâm các dải ngân hà, có khối lượng gấp hàng triệu, thậm chí hàng tỷ lần Mặt Trời. Người ta tin rằng các hố đen này đã xuất hiện rất sớm trong vũ trụ nhưng nguồn gốc của chúng vẫn là một bí ẩn. Không có gì có thể thoát khỏi lực hấp dẫn của chúng, kể cả ánh sáng, khiến con người không thể quan sát trực tiếp. Nhưng trong trường hợp của M87* vào năm 2019 và Sagittarius A* vào năm 2022, EHT đã ghi lại được hào quang ánh sáng được tạo ra bởi dòng chảy của vật chất và khí mà hố đen hút vào và phun ra. Angelo Ricarte, thành viên của Sáng kiến Hố Đen Harvard, cho hay: "Bằng cách chụp hình ảnh ánh sáng phân cực từ khí nóng phát sáng gần hố đen, chúng tôi đang trực tiếp suy luận cấu trúc và sức mạnh của các từ trường đi xuyên qua dòng chảy của khí và vật chất bị hố đen nuốt vào".
Mariafelicia De Laurentis, thành viên EHT và Đại học Naples Federico II ở Ý, nói rằng "vì cả hai (hố đen) đều chỉ ra cho chúng ta thấy các từ trường mạnh, điều này gợi ý rằng đây có thể là một đặc điểm phổ quát và có thể là cơ bản của những hệ thống như thế này".