Cơ quan Khoa học và Công nghệ Biển - Trái Đất của Nhật Bản (JAMSTEC) đã bắt tay cùng nhà sản xuất máy móc IHI để nghiên cứu và phát triển công nghệ này.
Họ lấy cảm hứng từ các khối đá nằm gần miệng phun thủy nhiệt ở đáy biển Thái Bình Dương, cách Toyko 400 km về phía Nam. Những khối đá này thường chứa lượng vàng lớn.
Vàng lỏng tồn tại trong magma nằm sâu dưới bề mặt Trái Đất. Có ý kiến cho rằng vàng lỏng đã thâm nhập vào nước thủy nhiệt siêu nóng và trồi lên bề mặt khiến chúng cứng lại và ẩn trong các khối đá.
Các nhà nghiên cứu cho rằng vàng cũng có thể xuất hiện trong nước ở suối nước nóng. Theo họ, vàng dễ tan hơn trong môi trường nhiệt độ cao và nhiều acid.
Họ cũng nắm được rằng tảo lam, còn có tên là vi khuẩn lam, có thể sử dụng để tách kim loại. Nó có thể giúp khai thác vàng từ nước, phân tách vàng với chlorine và nhiều chất khác.
Tảo lam được xử lý tạo thành các phiến mỏng, sau đó ngâm trong nước 7 tháng. Cuối cùng, đội nghiên cứu có thể tách 30 gram vàng từ một tấn phiến tảo lam này. Trong khi đó, các mỏ vàng thường cung cấp được 3-5 gram vàng từ một tấn quặng. Trong tương lai, các nhà nghiên cứu hy vọng họ có thể chiết xuất thêm nhiều vàng với công nghệ này.