“Báo Độc lập” của Nga ngày 1/8 cho biết Bộ Quốc phòng Nga đã thông qua Chương trình khái niệm về phát triển các hệ thống robot quân sự giai đoạn tới năm 2025. Quyết định này được đưa ra trong cuộc họp của ban phụ trách lưu động Bộ Quốc phòng Nga ở St. Petersburg.
Trong vòng 10-12 năm tới, Bộ Quốc phòng Nga cùng đại diện các tổ hợp công nghiệp-quốc phòng sẽ chế tạo một loạt các robot quân sự khác nhau (trong đó có robot trinh sát và tấn công), có thể thay thế binh sĩ trên chiến trường, giống như cách làm của quân đội các quốc gia phát triển. Rõ ràng vào thời điểm hiện nay, lĩnh vực này của Nga chỉ ở giai đoạn phôi thai và nổi lên những vấn đề liên quan tới các nguyên nhân khách quan cũng như sự lạc hậu về công nghệ.
Ông Shoigu xem xét các hệ thống robot ở thao trường Rzhevka. Ảnh: 1tv.ru |
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tới thao trường số 19 “Rzhevka” nằm ở ngoại ô St. Petersburg xem xét các hệ thống robot quân sự do Nga chế tạo. Phần cho phép báo giới tới thăm giới thiệu nhiều phát triển của Trung tâm khoa học nhà nước “Viện nghiên cứu và phát triển robot và kỹ thuật điều khiển học trung ương”. Các phát triển ở đây không ít. Tuy nhiên giới chuyên gia cho rằng chúng vẫn chưa hoàn thiện và Nga vẫn tụt hậu trong vấn đề này.
Theo một trong những người tham gia cuộc họp, thành viên Ban phụ trách lưu động, Giám đốc Trung tâm Giáo dục-khoa học “Robototekhnica” của Đại học Tổng hợp Kỹ thuật Quốc gia Moskva mang tên Bauman, ông Alexei Maximov cho rằng “chừng nào chưa có nguồn tài chính, hoạt động chế tạo robot của Nga chỉ giống như một sở thích. Chủ yếu chỉ chế tạo các mẫu không phù hợp với nhiệm vụ đặt ra đối với binh sĩ Bộ Quốc phòng”.
Ông Maximov băn khoăn rằng nhiều chuyên gia được đào tạo cho mục đích này đã đi ra nước ngoài. Còn việc chế tạo robot tại Nga (kể cả các robot quân sự) phải nhập khẩu 90% nền tảng cơ bản. Và các nền tảng này (máy hiển thị hồng ngoại độ phân giải cao, máy tính tốc độ cao, bộ giảm tốc…) rất khó mua do qui định hạn chế xuất khẩu tại các nơi chế tạo ra chúng (Mỹ, Đài Loan, Pháp, Israel…).
Theo ông Maximov, chỉ còn cách thiết lập hệ thống sản xuất các sản phẩm này tại Nga. Tuy nhiên để thực hiện điều này đòi hỏi rất nhiều nguồn lực vật chất cũng như tài chính. Và điều quan trọng nhất là quan điểm của người lãnh đạo quân sự-chính trị. Theo ông Maximov, lãnh đạo trước đây của Bộ Quốc phòng Nga đã chậm chân khá xa trong vấn đề này. Kỹ thuật robot ở Mỹ phát triển rất năng động, nước này sở hữu một danh mục đầy đủ các máy bay không người lái (UAV). Còn ở Nga quá trình phát triển 20 năm vừa qua diễn ra một cách kém cỏi và cần phải tăng tốc trong những năm gần đây song điều này đã không diễn ra. Hy vọng, dưới quyền ông Shoigu, quân đội sẽ có những thay đổi tích cực.
Dựa trên thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga, những thay đổi tích cực trong việc chế tạo và ứng dụng các hệ thống robot quân sự cần diễn ra trong một vài năm tới. Mùa đông vừa rồi, ông Shoigu đã thông qua quyết định thành lập Trung tâm chính thử nghiệm và nghiên cứu robot nằm trong Hệ thống các nghiên cứu và phát triển quân sự tiềm tàng của Bộ Quốc phòng nằm dưới quyền điều hành trực tiếp của Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Oleg Ostapenko.
Người đứng đầu Trung tâm cũng đã được bổ nhiệm và hiện đang triển khai thành lập trung tâm trên cơ sở Học viện chế tạo không quân mang tên Zhukov trước đây, nằm ở Monino, ngoại ô Moscow. Dự kiến tại đây sẽ hình thành cơ sở thí nghiệm khoa học hiện đại dành cho các dự án sáng tạo đầy triển vọng, trong đó có dự án chế tạo các hệ thống robot.
Người đứng đầu Trung tâm chính thử nghiệm và nghiên cứu robot được bổ nhiệm, Đại tá Roman Klimov ngày 31/7 cũng cho biết Trung tâm này đã bắt tay vào phát triển các hệ thống robot nghiên cứu đầy hứa hẹn dành cho nhiều môi trường khác nhau: trên không, dưới nước và trên bộ. Ông Klimov tin tưởng trong thời gian không xa, việc chế tạo các hệ thống robot sẽ diễn ra với sự hợp tác của nhiều tổ chức nghiên cứu khoa học khác, và hình thành một “môi trường khoa học và công nghệ” để thực hiện các dự án sáng tạo phục vụ lợi ích khoa học và quốc phòng.
Duy Trinh (Theo báo Nezavicimaya Gazeta)