Theo những người theo trường phái siêu nhân học, các kỹ thuật cấy ghép não, kéo dài tuổi thọ, con người biến đổi gen hiện chỉ còn là vấn đề thời gian. Họ cho rằng không sớm thì muộn, những rào cản và hạn chế tự nhiên của con người bình thường sẽ bị phá vỡ.
Cuộc tranh cãi gần đây nhất là vào tháng 11, khi nhà khoa học Trung Quốc He Jianjui tuyên bố đã tạo ra những đứa trẻ được chỉnh sửa gen đầu tiên trên thế giới có khả năng kháng virus HIV.
Phản ứng dữ dội từ cộng đồng khoa học đã khiến công việc nghiên cứu khoa học của ông bị đình chỉ, bởi các câu hỏi được đặt ra không chỉ về tiến bộ khoa học, mà cả vấn đề đạo đức của công trình nghiên cứu.
Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu siêu nhân học của Pháp (AFT) Marc Roux cho rằng "giấc mơ siêu nhân" không phải là điều gì mới mẻ khi nói rằng: "Nó xuất hiện khi chúng tôi nhận ra có thể cân nhắc lựa chọn sử dụng các kỹ thuật để can thiệp vào quá trình tiến hóa sinh học của chúng ta".
Có thể thấy một số tập đoàn công nghệ ngày nay dường như có chung quan điểm tương tự. Google đã chiêu mộ nhà khoa học máy tính Ray Kurzweil, một "điểm sáng" hàng đầu trong phong trào thúc đẩy nghiên cứu và phát triển sự siêu phàm của con người. Tập đoàn này cũng đang "chống lưng" cho Calico, một công ty nghiên cứu việc sử dụng công nghệ để kéo dài tuổi thọ và nâng cao sức khỏe của con người.
Và Elon Musk, vị tỷ phú sáng lập tập đoàn sản xuất ô tô điện Tesla, đã thành lập công ty khởi nghiệp Neuralink ở San Francisco để phát triển công nghệ cho phép cấy các điện cực nhỏ xíu vào não, qua đó giúp con người có thể kết nối với máy tính với tham vọng giúp nhân loại bắt kịp được trí tuệ nhân tạo (AI) - thứ công nghệ đang phát triển với tốc độ chóng mặt trong vài năm trở lại đây.
Tuy nhiên, những ý tưởng này vẫn vấp phải sự hoài nghi của các nhà khoa học khi lập luận vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khó có thể dễ dàng giải quyết. Blay Whitby, nhà nghiên cứu về vấn đề đạo đức của phong trào siêu nhân học tại Đại học Sussex (Anh) cho biết ông đã nhận được một số ý tưởng với những khẩu hiệu như "Cái chết giờ đây là điều không bắt buộc" hay "Người đầu tiên sống tới 500 tuổi đã được sinh ra". Ông nói: "Rõ ràng họ lạc quan hơn tôi".
Trên thực tế, cho tới nay, một loạt các thí nghiệm lâm sàng đã thất bại trong việc tìm ra cách chữa trị căn bệnh thoái hóa thần kinh Alzheimer. Tuổi thọ thực sự đã giảm ở một số quốc gia chẳng hạn như Mỹ. Ngoài ra, một số nghiên cứu đã kết luận rằng có một giới hạn đối với tuổi thọ mà con người có thể thực sự mong muốn.
Tuy nhiên, ông Roux lập luận đã có hàng loạt ý tưởng được thực hiện cho tới nay. Mặc dù thừa nhận các vấn đề về mặt đạo đức mà công nghệ tiên tiến đặt ra, song ông Roux cho rằng bản thân quan điểm về siêu nhân học xuất phát từ tham vọng "sửa đổi" các thế hệ tương lai để tác động tới sự di truyền lại không phải là điều xấu xa.
Ý tưởng nâng cao sức mạnh của cơ thể con người bằng công nghệ không phải là mới. Trong quá khứ, con người từng phát minh ra các thiết bị chân gỗ, máy trợ thính, kính mắt và răng giả. Trong tương lai, những người theo thuyết triết học siêu nhân học tin rằng bằng cách kết hợp con người và máy tính, khoa học sẽ tạo ra những con người có trí thông minh siêu việt, sức mạnh và khả năng bất tử. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo để làm được những điều như vậy sẽ gây ra một loạt hệ lụy.