Cất cánh từ Rabát (Rabat) - thủ đô của Marốc, vượt qua chặng đường dài 550 km sau 17 giờ rưỡi, rạng sáng 22/6, chiếc máy bay sử dụng năng lượng Mặt Trời đầu tiên trên thế giới Solar Impulse do Thụy Sĩ chế tạo đã hạ cánh xuống Ouarzazate. Hành trình vượt qua sa mạc Marốc của Solar Impulse để quảng bá cho năng lượng tái sinh diễn ra đúng vào thời điểm tại Rio de Janeiro, Braxin, Hội nghị cấp cao của Liên hợp quốc về phát triển bền vững (Rio+20) đang thảo luận về nỗ lực "xanh hoá" nền kinh tế toàn cầu.Trao đổi qua điện thoại vệ tinh từ buồng lái, phi công Andre Borschberg cho biết ông rất lạc quan về thành công của chuyến bay này. Theo ông Borschberg, những chuyến bay của Solar Impulse chứng tỏ có nhiều cách khác nhau để tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường.
Ông hào hứng nói: "Bầu trời thật đẹp và tôi hoàn toàn tin rằng Solar Impulse sẽ cán đích. Thời tiết ở Ouarzazate rất tốt". Trước đó, hôm 13/6, nỗ lực của Solar Impulse vượt sa mạc Marốc để tới Ouarzazate đã thất bại do thời tiết xấu. Máy bay đã phải quay trở lại điểm xuất phát vì gió mạnh và những dấu hiệu thời tiết bất thường gần dãy Atlas.
Máy bay Solar Impulse chạy bằng năng lượng Mặt trời. Ảnh wattnow.org |
Rabat - Ouarzazate là chặng cuối cùng trong hành trình từ Thụy Sĩ đến Tây Ban Nha và Marốc của Solar Impulse. Tuy nhiên, đây lại là thử thách lớn nhất đối với Solar Impulse, vì thời tiết sa mạc khô nóng và luôn phải bay sát những dãy núi cao hơn 3000 m.
Chiếc máy bay công nghệ cao trông giống như một tàu lượn khổng lồ, mang 2 cánh của máy bay phản lực, nhưng trọng lượng không nặng hơn một chiếc ô tô hạng trung bình là bao. Solar Impulse được trang bị 12.000 tấm pin Mặt Trời để cung cấp năng lượng cho 4 động cơ điện. Theo dự tính ban đầu, hành trình từ Rabat tới Ouarzazate chỉ mất khoảng 16 giờ. Thế nhưng, tốc độ chậm của máy bay và những tình huống không thể dự báo của thời tiết đã kéo dài hành trình này.
Đầu tháng 6 vừa qua, nhà sáng chế Bertrand Piccard - đồng tác giả dự án Solar Impulse, đã lái chiếc máy bay "sạch" này từ
Madrid (Tây Ban Nha) đến Rabat (Marốc), đánh dấu chuyến bay đầu tiên giữa châu Âu và châu Phi mà không phải dừng lại tiếp nhiên liệu. 13 năm trước đây, Pica là người đầu tiên bay một mạch vòng quanh thế giới bằng khinh khí cầu.
Chuyến bay từ Rabat tới Ouarzazate do Công ty Solar Impulse phối hợp với Cơ quan Năng lượng Mặt Trời Marốc (Masen) tổ chức. Masen dự kiến sẽ xây dựng một nhà máy năng lượng Mặt Trời lớn nhất thế giới ở Ouarzazate.
TTXVN/ Tin Tức