Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về cơ hội phát triển cho internet Việt Nam từ Quy hoạch hạ tầng thông tin và truyền thông thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng phê duyệt?
Để internet tiếp bước phát triển trong thời gian tới, vấn đề lớn nhất là thách thức trước nhu cầu bùng nổ và phát triển của người dùng hơn nhiều so với trước đây. Phạm trù về nhu cầu cũng khá rộng, bao gồm cả quyền của cộng đồng, xã hội đòi hỏi cao hơn.
Do đó, quy hoạch phải đón đầu những xu hướng tương lai. Đối với phát triển internet cũng vậy, mặc dù hiện nay, internet đáp ứng được nhu cầu xã hội, cộng đồng, thị trường, nhưng những thách thức thời gian tới đòi hỏi quy hoạch có tầm nhìn về quy mô, công nghệ, đột phá chiều sâu.
Chỉ số đưa ra trong quy hoạch sẽ là thách thức, nhưng tôi cho rằng sẽ đạt được. Việc thực hiện các chỉ tiêu không chỉ là trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông, mà là trách nhiệm chung của cả xã hội, cộng đồng và nền kinh tế quốc gia.
Với những người thực hiện, quan trọng là bước đi như thế nào để đạt được các chỉ tiêu đã đề ra. Triển khai quy hoạch phải lường trước được nhu cầu thay đổi và có nhiều sự biến động. Nếu dự báo tốt và đón nhận được những đặc điểm người dùng, cũng như xu hướng công nghệ, quy hoạch sẽ có phương án khả thi.
Thời gian qua đã xảy ra những vụ đứt cáp biển, ảnh hưởng đến đường truyền internet. Với tốc độ phát triển như hiện nay, Việt Nam cần xây dựng tuyến cáp biển và trung tâm dữ liệu như thế nào để đáp ứng nhu cầu phát triển hạ tầng số, thưa ông?
Tuyến cáp biển có vai trò trọng yếu trong đường truyền internet. Đầu tư tuyến cáp biển cần nguồn vốn lớn. Quy hoạch chỉ rõ cần phải có thêm các tuyến cáp biển, nhưng phải cụ thể đầu tư theo hướng nào, công nghệ gì, nguồn đầu tư bao nhiêu, quyền hạn và trách nhiệm khai thác dung lượng, ứng dụng lĩnh vực nào, nhà cung cấp nào tham gia…? Đây là những vấn đề cần cho hạ tầng internet, đáp ứng dung lượng lớn cho tương lai.
Có thể thấy, băng thông dung lượng cáp biển, băng thông dung lượng không dây bao gồm di động, vệ tinh và hình thức khác, trung tâm dữ liệu là những hạ tầng liên quan đến nhau và tạo thành một hạ tầng số.
Internet là một phần cấu trúc của hạ tầng số. Internet tạo sự kết nối và là cốt lõi của hạ tầng số. Vấn đề này còn phải kết hợp với trung tâm dữ liệu, nội dung số, phát triển dịch vụ online…Khi đó, hạ tầng phát triển cộng với năng lực tiêu dùng cần song hành. Nếu đặt Việt Nam là trung tâm dữ liệu khu vực, chắc chắn là động lực, thu hút các nguồn lực xã hội để thúc đẩy hạ tầng số của quốc gia.
Với hạ tầng số như vậy, Hiệp hội có chương trình hành động như thế nào để thúc đẩy tiếp tục phát triển Internet?
Hiệp hội kết nối các hội viên cùng tham gia, cùng khai thác cơ hội tốt nhất và liên kết với nhau để đạt được mục tiêu đặt ra; trong đó, bao gồm việc đóng góp cho môi trường pháp lý, chương trình chuyển đổi số, hợp tác quốc tế, marketing, truyền thông, đóng góp cho phát triển sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Về hạ tầng số, năm 2024, Hiệp hội quan tâm đến các đến trung tâm dữ liệu và kết nối các trung tâm đảm bảo hiệu quả.
Hiệp hội cùng các doanh nghiệp sẽ có những hợp tác với nước ngoài để hoà nhập, cùng khai thác phát triển.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ngày 19/11/1997 là ngày đầu tiên Việt Nam được hòa vào mạng Internet toàn cầu. Internet Việt Nam đã chuyển đổi từ hạ tầng thông tin liên lạc thành hạ tầng số của nền kinh tế số, nghĩa là hạ tầng của mọi ngành nghề, mọi doanh nghiệp.