EU phản ứng với việc Mỹ rút khỏi đàm phán thuế dịch vụ kỹ thuật số

Ngày 18/6, Ủy viên Liên minh châu Âu (EU) phụ trách các vấn đề kinh tế Paolo Gentiloni đã bày tỏ hy vọng quyết định của Mỹ về dừng các cuộc đàm phán quốc tế liên quan đến đánh thuế các hãng công nghệ lớn sẽ không phải là lâu dài.

Chú thích ảnh
Ủy viên EU phụ trách kinh tế Paolo Gentiloni phát biểu tại cuộc họp báo ở Brussels, Bỉ ngày 17/2/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Gentiloni tuyên bố lấy làm tiếc về việc Mỹ rút khỏi các cuộc đàm phán quốc tế liên quan đến vấn đề đánh thuế trong nền kinh tế số, nhưng đồng thời bày tỏ hy vọng rằng đây chỉ là bước lùi tạm thời. Ông cho biết Ủy ban châu Âu (EC) muốn một giải pháp toàn cầu trong vấn đề đánh thuế các hãng công nghệ trong thế kỷ 21, đồng thời bày tỏ tin tưởng rằng cách tiếp cận dựa trên hai vấn đề cơ bản mà Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) nêu ra là phù hợp. Cụ thể, đó là làm thế nào đánh thuế các hãng mà hiện này chính phủ chưa đánh thuế ngay cả khi các hãng này hoạt động trên lãnh thổ của họ và làm thế nào để đảm bảo rằng mỗi nước có một tỷ lệ phù hợp trong hệ thống thuế đa quốc gia. 

Ủy viên Gentiloni khẳng định nếu phương án trên không thể hoàn tất trong năm nay, EU sẽ đề xuất một giải pháp ở cấp độ của khối, đòi hỏi sự đồng thuận của 27 nước thành viên. Do quá trình này không đơn giản, nên một số nước EU, trong đó có Áo, Tây Ban Nha, Hungary và Italy đã triển khai kế hoạch riêng về áp thuế đối với dịch vụ kỹ thuật số.

Cùng ngày, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire đánh giá việc Mỹ quyết định quay lưng với các cuộc đàm phán thuế dịch vụ kỹ thuật số là một hành động khiêu khích, đồng thời cảnh báo EU vẫn có thể áp thuế dù không đạt được thỏa thuận vào cuối năm nay. Cả Pháp, Anh, Italy và Tây Ban Nha đều đã thể hiện mong muốn đạt được nhất trí về thuế dịch vụ kỹ thuật số công bằng ở cấp OECD nhanh nhất có thể. 

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đã quyết định rút khỏi đàm phán với các quan chức EU về vấn đề áp thuế dịch vụ kỹ thuật số sau khi hai bên không đạt được tiến triển nào. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Tài chính Monica Crowley cho biết chính quyền Tổng thống Donald Trump đã đề xuất hoãn các cuộc đàm phán về thuế kỹ thuật số quốc tế tại OECD trong bối cảnh chính phủ các nước trên thế giới đang tập trung nỗ lực chống đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và từng bước mở cửa lại các nền kinh tế.

Đầu năm nay, 137 nước nhất trí sẽ nỗ lực đạt thỏa thuận toàn cầu về áp thuế kỹ thuật số vào cuối năm 2020 dưới sự bảo trợ của OECD. Tuy nhiên, sự bùng phát của dịch COVID-19 đã khiến các bộ trưởng tài chính của các nước tham gia đàm phán phải tập trung giải quyết những khó khăn kinh tế.

Trong thời gian qua, 5 "đại gia" Mỹ là Google, Apple, Facebook, Amazon và Microsoft với biệt danh "Big Five" (5 ông lớn) đã thống trị lĩnh vực kỹ thuật số toàn cầu. Dù lợi nhuận khổng lồ chảy vào túi các tập đoàn này, song EU ghi nhận họ chỉ trả bình quân 9% thuế trên lợi nhuận so với 23% của các công ty khác. Để tránh nộp thuế cao, 5 tập đoàn này còn tìm đến các "thiên đường trốn thuế" hoặc chuyển lợi nhuận qua các nước áp thuế thấp như Ireland. Trong bối cảnh các quy tắc thuế hiện hành đã lỗi thời và thế giới chưa có thỏa thuận quốc tế về thuế, một số nước châu Âu đã chọn giải pháp xây dựng luật thuế kỹ thuật số riêng mà đi đầu là Pháp.

Đặng Ánh (TTXVN)
Các hãng công nghệ hàng đầu chỉ trích thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp
Các hãng công nghệ hàng đầu chỉ trích thuế dịch vụ kỹ thuật số của Pháp

Các "gã khổng lồ" về công nghệ của Mỹ như Google, Apple, Facebook và Amazon (gọi tắt là GAFA), ngày 19/8 đã cùng nhau lên tiếng chỉ trích việc Pháp áp thuế dịch vụ kỹ thuật số, coi đây là hành động "phân biệt đối xử".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN