Nông nghiệp công nghệ cao được kỳ vọng sẽ trở thành “diện mạo” phát triển nông nghiệp của Thủ đô. Ảnh: xttmnongnghiephanoi.vn |
Tọa đàm do Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch thành phố Hà Nội tổ chức.
Mới chỉ là bước đầu
Tham luận của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội về “Định hướng đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của thành phố Hà Nội giai đoạn 2016-2020” đã chỉ rõ: Trênđịa bàn thành phố đã có một số cơ sở ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, cho năng suất vượt trội, giá trị gia tăng cao, đảm bảo an toàn thực phẩm như: Sử dụng giống mới có năng suất cao; chăn nuôi theo công nghệ chuồng kín có hệ thống điều tiết nhiệt độ, ẩm độ ánh sáng; các trang trại nuôi thủy sản sử dụng giống lai, công nghệ vi sinh trong xử lý môi trường nước; các trang trại trồng trọt sử dụng giống nuôi cấy mô, giống sạch bệnh, hệ thống tưới tiết kiệm, canh tác cây trồng trong nhà màng, nhà lưới… Bên cạnh đó là việc sơ chế, bảo quản, chế biến sâu các sản phẩm thực phẩm cũng đã từng bước áp dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, con số thì còn khá khiêm tốn. Theo đó, giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố mới chỉ đạt 25%, trong đó cao nhất là chăn nuôi thủy sản với 33,5%, rồi đến lúa, ngô, rau, hoa, cây ăn quả, chè đạt 17,9%, thủy sản đạt 13%.
Một vài con số cụ thể được Sở đưa ra cũng thật sự không phải là điều khả quan so với tiềm năng của Thủ đô. Cụ thể, về canh tác rau mới chỉ có 119 ha nhà lưới, 15 ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm và 5 nhà sơ chế rau với tổng diện tích 458 m2. Về canh tác hoa mới có khoảng 110 ha bước đầu ứng dụng công nghệ cao ở một số khâu và với quy mô nhỏ, tổng số diện tích nhà màng, nhà lưới của các vùng hoa hiện mới chỉ có 68,3 ha, trong đó chỉ có 0,1 ha bắt đầu ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm. Về cây ăn quả, cũng chỉ có 924,5 ha sản xuất cây ăn quả ứng dụng công nghệ cao, chiếm 6,2% tổng diện tích cây ăn quả toàn thành phố.
Trong lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, những con số cũng khá khiêm tốn. Tất cả, mới chỉ là bước đầu và mang tính thử nghiệm.
Để nông nghiệp công nghệ cao thật sự trở thành “diện mạo” của Thủ đô, theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, định hướng tới năm 2020, thành phố sẽ đẩy mạnh công nghệ cao, công nghệ tiên tiến để sản xuất các sản phẩm nông nghiệp có năng suất cao, chất lượng tốt, an toàn và có sức cạnh tranh cao; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chiếm khoảng 35% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Trong đó, tập trung hỗ trợ phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong các lĩnh vực giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản; sản xuất, sơ chế, chế biến, bảo quản sản phẩm trồng trọt (ran, hoa, cây ăn quả, chè) và chăn nuôi (lợn, gà, bò thịt, bò sữa), thủy sản (cá trắm, chép, trôi, rô phi đơn tính).
Dự kiến đến năm 2020 sẽ đưa vào hoạt động Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao (Yên Nghĩa, Hà Đông), Trung tâm giống thủy sản công nghệ cao (xã Trần Phú, Chương Mỹ), Trạm thực nghiệm sản xuất giống cây trồng công nghệ cao (xã Hòa Bình, Thường Tín), Trạm thụ tinh nhân tạo sản xuất tinh bò chất lượng cao, tinh bò phân ly giới tính và tinh dịch lợn cao sản; đồng thời xây dựng 3 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận.
Thành phố cũng đưa ra những chỉ tiêu cụ thể như: Đến năm 2020 sẽ đưa diện tích sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao đạt 300ha trở lên, đưa tỷ trọng giá trị sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao chiếm 6-8% tổng giá trị sản xuất rau thành phố; diện tích hoa lên 300ha và đạt tỷ trọng 25-30% tổng giá trị sản xuất hoa thành phố; cây ăn quả lên 460ha, tỷ trọng 15-20%. ..
Để thoát khỏi “manh chiếu hẹp”
GS.TS Đỗ Văn Năng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện di truyền Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) ví von, nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội giờ giống như những manh chiếu hẹp, mỗi nơi một ít, mỗi gia đình một mảnh ruộng, mảnh vườn, nơi này có nhà lưới, nơi kia có nhà kính… tự phát để xây dựng “công nghệ cao” và mỗi mảnh vườn, mảnh ruộng cũng lại sử dụng một loại giống cây trồng “công nghệ cao” riêng, không giống nhau. Chính vì vậy, chỉ có thể dùng một từ cho nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội hiện nay là manh mún, vừa khiêm tốn vừa không khoa học.
Và như khẳng định của GS.TS Đỗ Văn Năng, không thể gọi đó là nền nông nghiệp công nghệ cao được. Để có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Hà Nội cần có quy hoạch tổng thể, cần phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hai phương thức: Xây dựng Công viên nông nghiệp công nghệ cao (High-Tech Agriculture Park) Hà Nội; Quy hoạch và xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao ở các địa bàn có thế mạnh đặc thù.
Công viên nông nghiệp công nghệ cao sẽ là nơi hội tụ các loại hình khoa học hoặc các loại hình công nghệ hiện đại, phục vụ cho nghiên cứu khoa học hoặc sản xuất, với mục tiêu tạo sự đột phát của sản xuất nhờ đòn bẩy khoa học công nghệ và nhận thức xã hội.
Theo đó, Công viên nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội cần hội tụ các công nghệ tiên tiến của thời đại như công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu, công nghệ thông tin tự động hóa, nông nghiệp sinh thái xanh… trong một hệ thống sản xuất nông nghiệp tập trung, nhằm tạo ra một quy mô sản xuất và trình diễn công nghệ như một tập đoàn sản xuất lớn. Đây cũng là nơi hội tụ những tinh hoa của văn minh nông nghiệp và tài nguyên sinh học của Việt Nam…
Cụ thể, tại đây có thể có Khu tinh hoa làng nghề nông nghiệp Việt Nam với các siêu thị đồ gỗ, mây tre đan, sứ mỹ nghệ; Khu tinh hoa ẩm thực và nông nghiệp hữu cơ; Khu tinh hoa văn hóa nông thôn Việt Nam như quan họ, chèo, múa rối nước…
Bên cạnh đó, cần xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao ở các địa bàn có thế mạnh đặc thù, đơn cử như quy hoạch các vùng cây ăn quả công nghệ cao, đa dạng sinh học với quy mô từ 1.000 -10.000 ha, mô hình sản xuất lúa gạo liên xã, liên huyện, cơ giới hóa đồng bộ, gia công chế biến công nghiệp với quy mô từ 5.000 - 10.000 ha…
Còn rất nhiều những ý kiến phát biểu của các nhà khoa học, các doanh nghiệp sản xuất được đưa ra trong tọa đàm; tập trung lại cho thấy: Việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của Hà Nội là cần thiết và bức thiết, tuy nhiên, vẫn còn nhiều tồn tại trong việc xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao, mà cần sớm tháo gỡ bằng các chính sách cũng như dự án đầu tư quy mô, có tầm nhìn xa… nhằm giúp cho Thủ đô có thể phát triển xứng tầm.