Đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ và môi trường để hội nhập

Để nâng cao sức cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, các doanh nghiệp (DN) phải đáp ứng các tiêu chuẩn toàn cầu. Trong đó, việc áp dụng khoa học công nghệ, đảm bảo yếu tố môi trường trong sản xuất là điều kiện cần thiết trong việc ký kết giao thương, là chìa khóa hội nhập cho DN.

Định hướng tất yếu

Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu vào nền kinh tế thế giới. Với việc hoàn tất đàm phán, ký kết một loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) đã mở ra nhiều cơ hội cho DN Việt. Tuy nhiên, cùng với đó, nhiều ngành sản xuất trong nước sẽ đối mặt với nhiều rủi ro khi không đáp ứng các yêu cầu trong sản xuất. Một số ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, chế biến và xuất khẩu gỗ... đang đứng trước nhiều thách thức về nguyên liệu, quy trình sản xuất, đáp ứng tiêu chuẩn môi trường.

Trước thực tế đó, nhiều DN đã dần thay đổi nhận thức, muốn phát triển bền vững phải coi trọng yếu tố môi trường, gắn với lợi ích cộng đồng. Công ty cổ phần Traphaco là một trong những DN sản xuất thuốc hàng đầu Việt Nam với những sản phẩm dựa vào nguồn nguyên liệu tự nhiên. Do đó, khi sản xuất, yếu tố đầu tiên phải tính đến là nguồn nguyên liệu đầu vào chất lượng cao. Traphaco đã cùng bà con nông dân xây dựng các vùng nguyên liệu sạch ở nhiều nơi như Nam Định, Lào Cai, Nghệ An... Nhân viên đến từng nhà vận động và hướng dẫn bà con áp dụng quy trình trồng dược liệu sạch. Việc này đã góp phần tạo công ăn việc làm, đem lại thu nhập cho người nông dân, đồng thời tạo được vùng nguyên liệu sạch, phục vụ sản xuất.

Tăng cường áp dụng khoa học công nghệ và bảo vệ môi trường là chìa khóa để doanh nghiệp hội nhập. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Nhiều công ty đã đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất nhằm tiết kiệm nhiên liệu và giảm phát thải nhà kính. Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã đầu tư hơn 10 triệu USD cho công nghệ sản xuất tiết kiệm nước và đầu tư số tiền lớn cho hệ thống xử lý nước thải tiên tiến, hiện đại. Trong năm 2015, công ty đã tiếp tục giảm thêm 3% lượng nước tiêu thụ trong sản xuất. Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại, trong 4 năm qua, Heineken đã liên tục giảm lượng khí thải CO2 trực tiếp trong quá trình sản xuất.

Khuyến khích doanh nghiệp chuyển đổi

Thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường cho thấy, hiện chỉ có rất ít các DN Việt Nam (thường là các tập đoàn, công ty lớn) thực sự đưa nhiệm vụ bảo vệ môi trường vào cốt lõi chiến lược và chương trình hoạt động. Còn lại đa số DN, đặc biệt là vừa và nhỏ (chiếm gần 98% tổng số DN trên cả nước) vẫn chưa gắn hoạt động sản xuất, kinh doanh với bảo vệ môi trường.

Theo ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, có tới 50% DN mắc lỗi thủ tục hành chính về bảo vệ môi trường. Các DN này chưa quan tâm đến việc chấp hành hay thực thi pháp luật bảo vệ môi trường. Ngoài ra, gần 30% DN xả thải vượt quy chuẩn cho phép. Trong số này có những DN đầu tư công nghệ sản xuất, xử lý môi trường không đảm bảo, có những DN chấp hành chưa nghiêm, cố tình xả thải trộm ra môi trường.

Sở dĩ xảy ra tình trạng này là do các DN vì mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận nên đã thẳng tay cắt bỏ những chi phí liên quan. Bên cạnh đó, mặc dù có hàng trăm văn bản pháp luật về bảo vệ môi trường nhưng vẫn còn nhiều lỗ hổng nên các DN cố tình lách luật.

Theo các chuyên gia về môi trường, muốn DN thay đổi nhận thức, xem việc bảo vệ môi trường là chiến lược trọng tâm thì cần tăng chế tài xử phạt, rà soát lỗ hổng trong các văn bản luật. Bên cạnh đó, cần có thêm chính sách cụ thể khuyến khích DN chuyển đổi từ các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh gây ô nhiễm sang lĩnh vực thân thiện với môi trường và bền vững hơn.

Hiện pháp luật đã quy định nhiều quyền lợi của DN trong kiểm soát ô nhiễm môi trường như ưu đãi về vốn, thuế, phí, cơ sở hạ tầng và đất đai cũng như quyền được vay vốn Quỹ bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, theo nhận định chung của một số chuyên gia, mặc dù quy định như vậy nhưng DN ít khi tiếp cận các chính sách này vì thời gian lâu, thủ tục rườm rà. Bà Nguyễn Thị Quyên, Công ty TNHH Panasonic Việt Nam cho biết, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường là xu hướng phát triển và là yêu cầu đối với hoạt động của DN. Hiện đã có nhiều chính sách ưu đãi nhưng DN gặp vướng mắc chung về tài chính, cơ chế hỗ trợ, khuyến khích và thủ tục áp dụng những giải pháp “xanh”.

“Hiện công ty Panasonic thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ môi trường như tiết kiệm điện, nước, giảm 70% phát thải CO2 và thu hồi sản phẩm thải bỏ theo quy định. Tuy nhiên, việc thu hồi sản phẩm thải bỏ còn gặp nhiều khó khăn, cần phải có cơ chế hỗ trợ khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội, không chỉ là của DN sản xuất. Cùng với đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên xem xét pin là một trong những sản phẩm cần khuyến khích dán nhãn xanh vì đặc trưng sản phẩm sử dụng phổ thông và có nhiều hàm lượng độc hại”, bà Quyên đề xuất.

Đại diện Công ty Traphaco đề xuất, bên cạnh sự tự ý thức của DN trong quá trình sản xuất, nhà nước cần có những chính sách truyền thông đến người dân về sản phẩm thân thiện môi trường của DN. Đồng thời, đẩy mạnh khuyến khích DN tham gia thực hiện dán nhãn xanh, coi đó là một trong những tiêu chí để đánh giá DN phát triển bền vững.

Ông Hoàng Văn Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393/QĐ - TTg phê duyệt Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh. Theo đó, sản xuất xanh là yêu cầu tất yếu, khi DN bước vào đầu tư sản xuất kinh doanh phải đảm bảo tiêu chí bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng. Những DN đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại, thân thiện môi trường sẽ được khuyến khích đầu tư. Thời gian tới, Bộ Tài nguyên Môi trường sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường đa dạng sinh học, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật về môi trường.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân: Sẽ sửa đổi những quy định chưa phù hợp 


Việt Nam đang trong quá trình hội nhập với thế giới và là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các tập đoàn đa quốc gia. Đây là cơ hội tốt để các DN Việt Nam phát triển, mở rộng hợp tác kinh doanh và trở thành một phần trong chuỗi giá trị của các tập đoàn đa quốc gia. Quá trình hội nhập cũng gây những áp lực đối với môi trường. Việc thực hiện trách nhiệm của các DN trong bảo vệ môi trường còn gặp nhiều khó khăn, trong đó nguyên nhân cơ bản là các DN chưa chú trọng hoặc chưa xây dựng được chiến lược phát triển bền vững, lâu dài. Tuy nhiên, qua các sự cố môi trường vừa qua, các cấp chính quyền, DN và người dân đã có thay đổi về nhận thức và quan tâm đến vấn đề môi trường. DN muốn phát triển bền vững phải bảo vệ môi trường và DN sản xuất thân thiện với môi trường mới phát triển bền vững. Việt Nam đã hết thời điểm trải thảm đầu tư không quan tâm đến môi trường. DN muốn xây dựng đất nước không thể “ăn” vào môi trường, tài nguyên mà phải đầu tư vào công nghệ và sự sáng tạo của mình. Phát triển từ “nâu” phải sang “xanh” chứ không chỉ còn là khẩu hiệu nữa. Trước đây chúng ta có thời kỳ rất khẩu hiệu nhưng không hành động. Luật pháp của Việt Nam ngày càng hoàn thiện, rõ ràng minh bạch tạo điều kiện nhất cho DN phát triển. Thời gian tới, Bộ sẽ xây dựng Nghị định sửa đổi bổ sung những điều chưa phù hợp của các Nghị định, quy định cũ. Bộ sẽ tiếp thu ý kiến của DN, người dân để hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan. 


Ông Phạm Văn Lợi, Viện trưởng Viện Khoa học Môi trường: Có thể kiện doanh nghiệp gây ô nhiễm 


Các quy định pháp luật hiện nay yêu cầu DN có rất nhiều trách nhiệm trong vấn đề bảo vệ môi trường như thực hiện đánh giá tác động môi trường, thực hiện kế hoạch, cam kết bảo vệ môi trường hay trách nhiệm trong quản lý chất thải phát sinh, phòng ngừa, khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường...Tuy nhiên, thực tế việc chấp hành pháp luật về môi trường của một số DN chưa cao. Nghị định 03/2015/NĐ - CP về xác định thiệt hại đối với môi trường quy định, trong trường hợp DN gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, nếu phía cơ quan quản lý và DN không thống nhất được vấn đề bồi thường, khắc phục hậu quả ô nhiễm thì cơ quan quản lý có quyền khởi kiện. Nếu sự việc xảy ra trên địa bàn huyện thì UBND huyện có quyền khởi kiện, trên địa bàn tỉnh thì UBND tỉnh khởi kiện, nếu liên tỉnh sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện. Đây là quy định mới nên chưa ghi nhận trường hợp UBND khởi kiện DN gây ô nhiễm môi trường nhưng Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng các bộ ngành liên quan đang xây dựng các văn bản hướng dẫn để tổ chức hiệu quả chính sách này.


Thu Trang
Các doanh nghiệp tăng cường liên kết đổi mới công nghệ
Các doanh nghiệp tăng cường liên kết đổi mới công nghệ

Sự kiện hội thảo “Gia nhập TPP – Những cơ hội và thách thức đối với khoa học và công nghệ” do Sở Khoa học và Công nghệ Cần Thơ vừa tổ chức tại Cần Thơ đã chỉ ra những thách thức mà các doanh nghiệp này phải giải quyết để sẵn sàng hội nhập vào một sân chơi lớn như TPP; trong đó nhấn mạnh đến sự liên kết tạo thành chuỗi cung ứng để giải quyết các bài toán về nguồn nhân lực, đổi mới công nghệ, xây dựng thương hiệu…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN