Lý giải hiện tượng kỳ thú này, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết, “Mặt trăng mà chúng ta nhìn thấy vào tối 31/8 đều có thể coi là trăng tròn. Vì quỹ đạo của mặt trăng quanh Trái Đất không phải một đường tròn mà là đường elip, nên khoảng cách từ trái đất tới mặt trăng không đều nhau. Điểm gần trái đất nhất của quỹ đạo này được gọi là điểm cận địa, tức là khi đi tới điểm đó, mặt trăng ở gần trái đất nhất. Thông thường, mỗi năm có một vài lần thời điểm mặt trăng đi qua điểm này trùng với lúc trăng tròn. Khi đó, kích thước của trăng tròn sẽ lớn hơn khoảng 7% so với trăng tròn thông thường và cũng sáng hơn. Hiện tượng này được gọi là siêu trăng".
Mặt khác, theo ông Đặng Vũ Tuấn Sơn, trăng tròn lần này được gọi là trăng xanh vì là lần trăng tròn thứ hai trong cùng tháng 8. Lần trăng tròn trước đã diễn ra vào ngày mùng 1/8 và lần đó cũng là siêu trăng.
Trên thực tế, trăng xanh là một cách gọi. Trăng tròn thứ hai trong cùng tháng được gọi là trăng xanh của tháng. Một loại trăng xanh khác là trăng xanh của mùa; đó là khi trong cùng một mùa có 4 lần trăng tròn. Trung bình cứ hơn 1 năm có một lần trăng xanh và lần cuối cùng xảy ra vào tháng 8/2021. Trường hợp đặc biệt hiếm là có hai trăng xanh trong cùng năm; lần gần nhất sắp tới là vào tháng 1 và tháng 3/2037.
“Điểm thú vị để quan sát là mặt trăng lần này lớn hơn và sáng hơn trăng tròn thông thường. Những người yêu thích thiên văn học có thể quan sát hiện tượng này từ bất cứ nơi nào, với điều kiện trời đủ trong để dễ dàng nhìn thấy bằng mắt thường. Tuy nhiên, việc trang bị một chiếc ống nhòm hoặc kính thiên văn nhỏ có bộ lọc sáng để giảm bớt độ chói của ánh trăng sẽ mang lại cái nhìn thú vị hơn khi quan sát hiện tượng này”, ông Đặng Vũ Tuấn Sơn chia sẻ.