Bão mặt trời sắp đổ bộ xuống Trái Đất

Dự báo cuối tháng 9, đầu tháng 10/2012, một vài trận bão mặt trời sẽ “dội” xuống khiến nhiều vệ tinh bị ảnh hưởng, gián đoạn hoặc mất liên lạc đường truyền. Đây là một thiên tai, lặp lại theo chu kỳ 11 năm của hoạt động Mặt Trời.

Vệ tinh dễ bị ảnh hưởng bởi các cơn bão mặt trời.


Phá hoại vệ tinh


PGS.TS Hà Duyên Châu, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý Địa cầu cho biết, bão mặt trời là sự bùng nổ khối sắc cầu plasma có khối lượng hàng tỷ tấn từ mặt trời dội vào vũ trụ. Các vệ tinh được phóng lên vũ trụ thường có khoảng cách với bề mặt Trái đất từ 100 - 500km. Vì thế, khi bão mặt trời xuất hiện, chùm plasma sẽ tác động đến các vệ tinh đầu tiên, trước khi ụp xuống Trái Đất.

Khi xuất hiện bão mặt trời, hàng tỷ tấn plasma, dạng vật chất thứ tư của vật chất, sẽ “xả” xuống Trái Đất, mà các vệ tinh sẽ là nơi hứng chịu đầu tiên. Các chùm hạt này sẽ tác động vào vỏ hoặc vào các linh kiện của vệ tinh dẫn đến mất tín hiệu đường truyền, hỏng hóc, giảm tuổi thọ.

Vào năm 1997, vệ tinh AT&T của Mỹ đã bị phá hủy bởi một trận bão mặt trời mạnh. Thiệt hại lúc đó tính toán lên đến 200 triệu USD. Khi đó, công nghệ sản xuất vệ tinh chưa tốt, chưa có công nghệ bảo vệ trước các trận bão mặt trời.

Một trận bão mặt trời có thời gian diễn ra từ hàng chục giờ đến vài ba ngày. Sự cố này có thể gây ra tình trạng mất tín hiệu vệ tinh, nhiễu loạn sóng radio, việc điều khiển bay bị gián đoạn. Bão từ mạnh cũng có khả năng ảnh hưởng tới đường dây tải điện và các ống dẫn dầu khí.

Trận bão từ xảy ra vào năm 1989 đã làm hệ thống truyền tải điện 700KV ở Quebec (Canada) bị tê liệt trong 9h gây thiệt hại hàng tỷ USD. Ngày nay người ta khắc phục điều này bằng cách lắp đặt hệ thống bù điện cho trạm biến áp. Khi có bão từ thì dòng điện cảm ứng này sẽ bị triệt tiêu.

ThS Phan Văn Đồng, chuyên gia vật lý thiên văn, Phó Chủ tịch Hội Thiên văn Việt Nam cho biết thêm: Cứ 11 năm sẽ đến thời kỳ mặt trời hoạt động mạnh, đỉnh của chu kỳ trước vào năm 2000, do vậy năm 2012 sẽ có một cơn bão mặt trời. Đây là cơn bão vô cùng mạnh và chưa thể dự đoán chính xác thời gian đổ bộ của bão mặt trời khi tấn công Trái Đất.

Thiên tai

Theo PGS.TS Hà Duyên Châu, trong dự báo ngắn hạn có thể dự báo trước khoảng 2 - 3 ngày khi bão mặt trời xảy ra. Việc dự báo này sẽ dựa trên việc quan sát các vết đen và các bùng nổ sắc cầu xuất hiện ở mặt trời.


Khi trên bề mặt mặt trời xuất hiện các vết đen và các bùng nổ sắc cầu này thì cũng có nghĩa là các chùm plasma có thể được tung xuống Trái Đất. Trận bão mặt trời mạnh thì sau khoảng 1 ngày chùm plasma sẽ tới được Trái đất, bình thường sẽ là 2 - 3 ngày.

Tính toán theo chu kỳ 11 năm hoạt động mặt trời thì vào khoảng cuối năm 2012, đầu 2013 sẽ xuất hiện những trận bão mặt trời lớn. Ở Việt Nam, chưa có một dự án nào trực tiếp nghiên cứu về tác động của bão mặt trời đến vệ tinh. Mới chỉ có các đề tài nghiên cứu về tác động của bão từ đối với đường dây 500KV và tác động đối với đường ống dẫn dầu khí.

ThS Phan Văn Đồng, cảnh báo, bão mặt trời có thể cắt đứt sự cung ứng điện, sóng điện thoại, gây tê liệt các thiết bị vệ tinh và ảnh hưởng đến sức khoẻ của con người. Các bức xạ hạt làm thay đổi sóng vô tuyến, gây ra những hiện tượng tự động ngắt mạch của các thiết bị điều khiển của các đường dây tải điện, các máy hoạt động tự động trên các vệ tinh.

Tiếp đến chúng sẽ đi vào tầng khí quyển, thay đổi tầng ion, tác động đến tầng ozon, thâm nhập sâu trong khí quyển gây ra các bệnh ung thư da, tăng các bệnh về tim mạch, thần kinh.

“Bão mặt trời là một hiện tượng tự nhiên, giống như động đất hay sóng thần, nên không thể tránh được. Người ta chỉ có thể dự báo trước và có các công nghệ sản xuất vệ tinh bền vững hơn để ứng phó với các trận bão từ mạnh. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi vệ tinh bị giảm tuổi thọ, hoặc các linh kiện bị hư hỏng, khi có những trận bão mặt trời cực mạnh xảy ra”, PGS.TS Hà Duyên Châu nhấn mạnh.


Theo laodong.com.vn

Chia sẻ:
Từ khóa:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN