Một văn kiện trình Ủy ban Chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) ngày 31/10 nêu rõ việc sáp nhập đã hoàn tất vào ngày 27/10 và "ông Musk đã trở thành giám đốc duy nhất của Twitter” khi toàn bộ ban lãnh đạo, bao gồm Giám đốc Điều hành (CEO) Parag Agrawal, đã rời đi.
Tỷ phú Musk cũng là CEO của hãng ô tô điện Tesla. Các nguồn tin cho biết sau khi cập nhật tiểu sử của mình trên Twitter thành “Ông chủ của Twitter”, cuối tuần trước, ông Musk đã làm việc với các kỹ sư phần mềm của Tesla để nghiên cứu thay đổi mạng truyền thông xã hội này, cũng như kế hoạch cắt giảm nhân viên quy mô lớn. Ông đã cố gắng xoa dịu lo lắng của các nhà quảng cáo, nguồn thu nhập chính của Twitter, theo đó đảm bảo với họ rằng trang mạng này sẽ không trở thành “nơi mọi người tùy tiện mắng nhiếc nhau”, đồng thời ông thông báo thành lập một hội đồng điều độ nội dung.
Theo SEC, thực thể mới do ông Musk đứng đầu sau thỏa thuận sáp nhập cũng đề xuất mua lại toàn bộ số trái phiếu còn lại của Twitter.
Theo một văn kiện khác được trình lên SEC, Hoàng tử Saudi Arabia Al-Waleed Bin Talal đã trở thành cổ đông lớn thứ hai của Twitter. Doanh nhân này ban đầu phản đối đề nghị mua Twitter của tỷ phú Musk vì cho rằng mức giá quá thấp so với “giá trị thực” của Twitter.
Tháng 4 năm nay, ông Musk đề nghị mua Twitter với giá 44 tỷ USD, trong đó mỗi cổ phiếu giá 54,2 USD. Tuy nhiên, ngày 8/7, ông tuyên bố chấm dứt thỏa thuận này với lý do Twitter gian lận về số lượng tài khoản giả mạo và tin nhắn rác trên nền tảng này cũng như từ chối trao cho ông toàn quyền xử lý lượng dữ liệu này. Twitter sau đó đã kiện ông Musk phá vỡ hợp đồng. Ngày 4/10 vừa qua, ông Musk bất ngờ đề nghị hoàn tất thương vụ mua lại Twitter với mức giá thỏa thuận ban đầu là 44 tỷ USD.