Dự án mang tên Blue Condor này là một phần trong nỗ lực đưa máy bay chạy bằng hydro vào hoạt động năm 2035, nhằm loại bỏ khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính.
Theo kế hoạch, Airbus sẽ tiến hành thử nghiệm vào mùa Đông năm nay, với 2 máy bay cỡ nhỏ - một chiếc được trang bị động cơ hydro và chiếc còn lại chạy bằng dầu - bay ở độ cao 10.000 m ở phía Bắc Dakota (Mỹ). Một chiếc máy bay khác sẽ di chuyển ở phía sau 2 máy bay nói trên để thu thập và so sánh thành phần khí thải từ 2 chiếc máy bay này, qua đó đánh giá về mức độ an toàn.
Giám đốc kỹ thuật của Airbus - bà Sabine Klauke cho biết hãng này cần hiểu rõ hơn về "tác động thêm của các công nghệ động cơ đẩy khác nhau trong khí quyển". Theo bà, hiện các các chuyên gia của hãng này mới chỉ tập trung tìm hiểu về sự phát thải CO2, mà ít có thông tin về NOx (các oxit nitơ), cũng như những vệt ngưng tụ mà máy bay để lại trong khi di chuyển.
Tác động của các vệt ngưng tụ từ đuôi máy bay đối với sự ấm dần lên toàn cầu vẫn cần phải được đánh giá đầy đủ. Theo một nghiên cứu gần đây của Cơ quan An toàn Hàng không Liên minh châu Âu (EASA), các vệt ngưng tụ này có mức độ ảnh hưởng tương đương với khí thải CO2.
Trong các điều kiện nhiệt độ và độ ẩm nhất định, hơi nước thoát ra từ quá trình đốt cháy biến thành các tinh thể băng, sau đó tạo thành các đám mây có dạng sợi màu trắng. Những đám mây này tuy có tác dụng làm mát do cản lại một phần năng lượng Mặt Trời chiếu xuống Trái Đất nhưng cũng góp phần ngăn cản bức xạ từ bề mặt Trái Đất thoát ra khỏi bầu khí quyển.