Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters |
Phát ngôn viên của Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB), ông Nikolay Murashov vào ngày 24/1 đã thông báo con số trên trước ủy ban về chính sách thông tin của Duma Quốc gia Nga. Tuy nhiên, ông Murashov khẳng định “hiện tại Nga hoàn toàn có khả năng tự phát triển biện pháp an ninh mạng”.
Bên cạnh đó, điều được chú ý là trong khi nhiều công ty hàng đầu của Nga như Gazprom đang được bảo vệ khá chắc chắn thì nhiều tập đoàn, doanh nghiệp khác vẫn đang nằm trong phạm vi dễ bị tin tặc tấn công.
Nội dung chính của cuộc họp trên xoay quanh dự luật mới có tên “An ninh cho hạ tầng thông tin trọng yếu của Liên bang Nga” có nội dung đảm bảo mọi bộ phận trong cơ sở dữ liệu tối quan trọng của Nga được trang bị khả năng phòng thủ trước tấn công mạng.
Theo dự luật này, các công ty tại Nga sẽ được chia thành 3 nhóm dựa trên mức độ quan trọng của cơ sở hạ tầng thông tin. Đến nay vẫn chưa xác định được chính xác cơ quan liên bang nào được giao nhiệm vụ lựa chọn các công ty sẽ có tên trong danh sách được bảo vệ mặc dù FSB đang là ứng cử viên hàng đầu.
Ngoài việc tập trung vào các nạn nhân tấn công mạng, dự luật cũng nhắm đến việc trừng trị mạnh tay với những tên tin tặc. Theo đó, những kẻ chủ ý tạo ra các phần mềm độc hại và phát tán chúng để tấn công cơ sở hạ tầng thông tin quan trọng của Nga sẽ phải đối diện với 10 năm bóc lịch trong tù.
Đầu tháng 1, người đứng đầu hội đồng an ninh Nga Nikolay Patrushev nhấn mạnh nước này đang phải đối đầu với nhiều cuộc tấn công mạng từ nước ngoài. Ông Nikolay Patrushev đồng thời bày tỏ quan điểm rằng trong khi chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama
luôn cáo buộc Nga tấn công mạng nước này nhưng internet tại lãnh thổ Mỹ đang bị Washington lợi dụng cho tình báo và nhiều mục đích khác nhằm thống trị thế giới.
Trong tháng 12, FSB đã đưa ra cảnh báo có thể xảy ra tấn công mạng nhằm vào hệ thống tài chính điện tử của Nga. Sau khi điều tra, FSB phát hiện ra đầu não của âm mưu này thuộc về chi nhánh tại Hà Lan của một công ty Ukraine.