Khoa học vũ trụ của Việt Nam với những bước tiến mới - Bài cuối: Cần 'bệ phóng' để tiến xa hơn

Việt Nam đang có nhiều triển vọng phát triển ngành vũ trụ, rất cần những chính sách, sự quan tâm đầu tư làm “bệ phóng” để tiến xa hơn nữa.

Cần đầu tư mạnh tay cho nhân lực ngành vũ trụ. Ảnh: NVCC

Vẫn còn nhiều khó khăn


Từ sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020” vào năm 2006. Lĩnh vực khoa học vũ trụ của Việt Nam cũng đã có những bước tiến nổi bật, đã làm chủ nhiều nhiều dự án, công trình lớn; đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ vệ tinh, Việt Nam đang tiến tới làm chủ công nghệ thiết kế.


Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Tổng giám đốc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, mặc dù được đánh giá là đi chậm hơn khoảng 30- 40 năm so với các nước trên thế giới, tuy nhiên trong 10 năm gần đây, công nghệ vũ trụ của Việt Nam đã có những thành tựu bước đầu như: Thành lập Trung tâm Vũ trụ Quốc gia, Trung tâm Viễn thám, Trạm thu ảnh vệ tinh... Nhất là các dự án phóng vệ tinh như: VINASAT 1, VINASAT 2, VNREDSat 1; đặc biệt đã bắt đầu đầu tư chế tạo vệ tinh nhỏ quan sát trái đất như vệ tinh PicoDragon, MicroDragon... Những thành quả trên cho thấy Việt Nam đang có triển vọng phát triển ngành công nghiệp vũ trụ, công nghiệp vệ tinh


Đại diện Ủy ban Vũ trụ Việt Nam, tuy đã có những bước quan tâm phát triển công nghệ vũ trụ nhưng vẫn còn những hạn chế, tồn tại trong nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ thời gian qua. Cụ thể, công tác quản lý của nhà nước về nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ còn chưa được chú trọng thỏa đáng, chưa hình thành một cơ chế quản lý hiệu quả, đúng tầm. Các chính sách, hoạt động đầu tư, các nguồn lực cho sự phát triển nghiên cứu, ứng dụng công nghệ vũ trụ mặc dù đã bước đầu được quan tâm nhưng chưa thực sự đảm bảo sâu rộng và đồng bộ. Đối với nguồn nhân lực và khả năng tiếp nhận chuyển giao công nghệ, kỹ thuật tiên tiến, hiện đại trong lĩnh vực này vẫn còn hạn chế.


Bên cạnh đó, hiện nay xu hướng phát triển hệ thống doanh nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ vũ trụ là xu hướng lớn của thế giới và sẽ phát triển trong tương lai, nhưng xu hướng này lại chưa được chú trọng đầu tư và phát triển tại Việt Nam.


Cần sự đầu tư bài bản, lâu dài.


Theo các chuyên gia, Việt Nam đang bắt nhịp vào cuộc đua chung của thế giới trong lĩnh vực công nghệ vũ trụ. Tuy nhiên, đây là lĩnh vực cần sự đầu tư bài bản; vì thế để khắc phục những khó khăn, phải có sự chuẩn bị và đầu tư lâu dài, đặc biệt là yếu tố con người.


Theo Ủy ban Vũ trụ Việt Nam, để đẩy mạnh các chiến lược nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ, thời gian tới, cần thiết thực hiện Dự án Xây dựng Luật Vũ trụ của Việt Nam và các văn bản luật chuyên ngành khác có liên quan; trong đó, dành ưu tiên cho hoạt động vũ trụ. Việc điều chỉnh pháp luật quốc gia để đảm bảo sự phát triển một cách tổng thể và sử dụng một cách có hiệu quả tiềm năng vũ trụ của quốc gia vì mục đích phát triển kinh tế, khoa học và hợp tác quốc tế, củng cố an ninh quốc gia cũng rất quan trọng, bởi thành tựu trong nghiên cứu và khai thác vũ trụ được sử dụng vào nhiều lĩnh vực khác nhau nên nếu sự điều chỉnh pháp luật không tính tới tới các vấn đề mang tính tổng thể thì sẽ lãng phí và công nghệ vũ trụ và những ứng dụng công nghệ vũ trụ cũng không thể phát triển được.


Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ vũ trụ cũng cần được quan tâm hơn nữa như cần mở rộng các Trung tâm ứng dụng công nghệ vũ trụ tại các địa phương, đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ ngành vũ trụ tại các viện nghiên cứu, các trường đại học...


Cũng theo Ủy ban Vũ trụ Việt Nam, trong triển vọng khoa học vũ trụ của Việt Nam đến năm 2035, Việt Nam tập trung năng lực làm chủ hoàn toàn công nghệ vệ tinh và phát triển các ứng dụng công nghệ vệ tinh. Mục tiêu trước mắt, đến năm 2021, Việt Nam sẽ làm chủ công nghệ vệ tinh nhỏ quan sát Trái đất, ứng dụng vệ tinh định vị toàn cầu; năm 2025 có thể chế tạo vệ tinh ngay trong nước, tham gia nghiên cứu khoa học trên trạm vũ trụ quốc tế; tiến tới năm 2035 trở đi sẽ có thể thử nghiệm và làm chủ công nghệ tên lửa đẩy, bắt đầu xây dựng các trạm phóng tên lửa ở Việt Nam và tự phóng vệ tinh quan sát Trái đất bằng tên lửa đẩy của Việt Nam.


Các chuyên gia cho rằng, để ngành công nghệ vũ trụ đạt mục tiêu là ngành công nghệ mũi nhọn, cần phải xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng và có cơ chế đầu tư đãi ngộ đặc thù. Bên cạnh đó, chiến lược đào tạo nguồn nhân lực dài hạn nên thực hiện một cách tập trung, hướng trọng điểm vào giải quyết một số vấn đề trọng tâm của Quốc gia, chứ không thể đào tạo tràn lan theo các hướng khác nhau, mở các ngành công nghệ chuẩn, theo kinh nghiệm và mô hình của các quốc gia tiên tiến. Đặc biệt, Nhà nước cần có cơ chế bồi dưỡng và tạo điều kiện cho nhân tài về công nghệ vũ trụ phát triển ngay trên đất nước mình; nhất là có sự hợp tác để các nhà khoa học nhận thấy năng lực của họ được trân trọng và sử dụng đúng.


Tạ Nguyên/Báo Tin tức
Nhiều rắc rối khi bổ sung thông tin, ảnh chân dung qua mạng
Nhiều rắc rối khi bổ sung thông tin, ảnh chân dung qua mạng

Theo quy định của Nghị định 49/2017, đến ngày 24/4/2018 sẽ là thời hạn để các chủ thuê bao bổ sung thông tin, ảnh chân dung. Để giảm tải cho việc đăng ký trực tiếp tại các điểm giao dịch, một số nhà mạng cho phép chủ thuê bao tự đăng ký bổ sung qua mạng nhưng nhiều người gặp không ít rắc rối trong quá trình thao tác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN