Wang Chuanfu - Người "Tạo dựng ước mơ" từ tay trắng

Là Chủ tịch - người sáng lập tập đoàn sản xuất ô tô điện và pin hàng đầu thế giới mang tên "Build Your Dreams" (Tạo dựng ước mơ của bạn), Wang Chuanfu đang sở hữu số tài sản trị giá 4,4 tỷ USD, theo danh sách những người giàu nhất thế giới năm 2010 của tạp chí Forbes. Trước đó, năm 2009, ông Wang đã bất ngờ chiếm ngôi vị người giàu nhất Trung Quốc theo bình chọn của Hurun Report (tập đoàn ở Thượng Hải chuyên xuất bản các ấn phẩm dành cho giới thượng lưu) với tổng giá trị tài sản đạt 5,1 tỷ USD, dù năm trước chỉ đứng khiêm tốn ở vị trí thứ 103. Không giống như nhiều người giàu khác, khối tài sản khổng lồ ấy được ông Wang tạo nên từ hai bàn tay trắng và lối kinh doanh "độc nhất vô nhị".

Ông Wang Chuanfu - Chủ tịch, người sáng lập Tập đoàn BYD.


Wang Chuanfu là "sự kết hợp giữa nhà phát minh Thomas Edison và cựu Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc của Tập đoàn GE, Jack Welch. Wang giống Edison ở khả năng giải quyết các vấn đề kỹ thuật và giống Welch ở quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra". Tỷ phú danh tiếng người Mỹ Warren Buffett đã nói như vậy khi được hỏi tại sao ông quyết định bỏ ra 230 triệu USD để mua 10% cổ phần của BYD năm 2008. Warren Buffett quả không lầm.

Tốt nghiệp Trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp Trung Nam năm 1987, chàng trai 21 tuổi Wang Chuanfu vào làm việc tại Viện Nghiên cứu kim loại màu Bắc Kinh và đến năm 1990 hoàn thành chương trình thạc sĩ khoa học. Con đường của một công chức mẫn cán hiện rõ trước mắt Wang. Nhưng năm 1995, trong bối cảnh thị trường Trung Quốc mở cửa, Wang quyết định rời bỏ Viện nghiên cứu, tạo dựng sự nghiệp của riêng mình. Khó khăn đầu tiên mà chàng trai xuất thân từ một gia đình nghèo khó ở tỉnh An Huy phải đối mặt là vốn đầu tư. Chạy vạy khắp nơi, cuối cùng Wang cũng vay được 350.000 USD từ những người họ hàng. Anh đã dùng số tiền này mở công ty sản xuất pin BYD, bởi Wang nhận thấy đây là thị trường nhiều tiềm năng khi pin nhập khẩu từ Nhật Bản vừa đắt lại vừa chậm giao hàng.

Đi sau những nhà sản xuất pin có tiếng của Nhật Bản như Sony, Sanyo nhưng Wang không chạy theo những dây chuyền sản xuất tự động của họ mà tìm một lối đi riêng. Mày mò tìm hiểu qua sách kỹ thuật và các chi tiết trong sản phẩm cùng loại của Nhật, Wang đã tự lắp ghép được các thiết bị bán tự động để sản xuất pin. Tận dụng nguồn nhân công dồi dào và giá rẻ của thị trường lao động trong nước, Wang đã thuê hàng trăm, rồi hàng nghìn nhân công thay vì sử dụng hàng trăm cánh tay robot trong dây chuyền của Nhật với chi phí lên tới 100.000 USD cho mỗi thiết bị. Để quản lý chất lượng, Wang chỉ đạo chia nhỏ các khâu sản xuất ra thành các phần việc cơ bản, được máy móc giám sát chặt chẽ. Và kiểu sản xuất bán tự động này đã mang lại thành công vang dội cho Wang. Chỉ 5 năm sau khi gia đời, BYD đã trở thành nhà sản xuất pin điện thoại di động lớn nhất thế giới chiếm khoảng 30% thị phần toàn cầu, cung cấp pin cho Motorola, Nokia, Sony Ericsson và Samsung. Hiện nay, iPod, iPhone và tổ chức phi lợi nhuận One Laptop Per Child (với mục tiêu mỗi trẻ em có 1 máy tính xách tay) đều sử dụng pin của BYD. Đặc biệt, pin của BYD chưa từng một lần bị thu hồi, chứng tỏ chất lượng sản phẩm luôn đạt tiêu chuẩn và ổn định.

Dù vậy, Wang chưa muốn dừng lại. Anh nhận thấy: Sản xuất pin điện thoại đã đưa BYD lên đỉnh thành công. Nhưng trong thời gian tới sẽ rất khó để duy trì mức tăng trưởng hằng năm tới 50% như thời gian qua. Và năm 2003, Wang quyết định đặt chân vào "vùng đất mới" - sản xuất ô tô.

Gian trưng bày của BYD tại Triển lãm ô tô Bắc Mỹ 2010 ở Detroit (Mỹ).


Wang mua lại 77% cổ phần của công ty sản xuất ô tô Quinchuan Auto đang làm ăn thua lỗ với giá 270 triệu nhân dân tệ và hướng đến mục tiêu sản xuất ô tô điện, bởi Wang tin rằng "thời đại của nhiên liệu sinh học sẽ sớm kết thúc, nhường chỗ cho các dạng năng lượng xanh và sạch". Tương tự như mảng sản xuất pin, Wang rất chú trọng đến khâu nhân lực trong mảng sản xuất ô tô. BYD tuyển dụng tới 3.000 kỹ sư chuyên về nghiên cứu và phát triển ô tô. Daniel Kim, chuyên gia phân tích công nghệ của Merrill Lynch tại Hồng Công, khi đến thăm nhà máy sản xuất ô tô của BYD đã bị sốc trước "một mô hình kinh doanh hoàn toàn khác hẳn”. Thay vì đầu tư hệ thống sản xuất tự động như nhiều tập đoàn lớn khác, Wang đã chọn cách tận dụng một trong những nguồn lực lớn nhất của Trung Quốc là nguồn lao động kỹ thuật cao giá rẻ, giúp tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất.

Lực lượng kỹ sư hùng hậu của Wang nghiên cứu mọi công nghệ, từ hệ thống điều hòa không khí chạy bằng pin cho ô tô đến thiết kế đèn sử dụng năng lượng mặt trời. Không giống như hầu hết các hãng sản xuất ô tô khác, BYD sản xuất gần như tất cả các thành phần của ô tô, không chỉ động cơ và thân xe mà còn cả máy điều hòa không khí, đèn, ghế, dây an toàn, túi khí... “Đây là lợi thế mà các hãng ô tô khác khó có thể sánh được”, Wang tự tin khẳng định.

Ba năm sau khi Wang lấn sân sang lĩnh vực sản xuất ô tô, năm 2006, mẫu ô tô điện đầu tiên của BYD mang tên F3e đã ra mắt thị trường. Tháng 12/2008, thêm một "đứa con" nữa của BYD chào đời là F3DM - chiếc ô tô lai plug-in (có thể sạc pin ở gia đình) đầu tiên trên thế giới, hoạt động chủ yếu bằng điện và có thêm động cơ xăng 1 lít. Wang tuyên bố cuối năm nay sẽ tiếp tục "sinh" thêm loại xe F6DM.

Với nhận định chỉ trong vòng 10 năm nữa, thế hệ ô tô điện sẽ phổ biến ở khắp nơi trên thế giới, tỷ phú người Trung Quốc đặt mục tiêu đưa BYD trở thành hãng sản xuất ô tô lớn nhất thế giới vào năm 2025.

Minh Anh
(Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN