Vào một đêm cách đây 43 năm, một nhóm trộm đã phá khóa và đột nhập vào văn phòng Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) ở ngoại ô Philadelphia, lấy đi toàn bộ tài liệu bên trong. Điều đáng nói là họ không bao giờ bị bắt và mục đích của họ cũng không giống những tên trộm thông thường. Nhờ vụ trộm này mà thế giới mới biết về hoạt động gián điệp rộng khắp và những mánh khóe “bẩn” của FBI với những nhân vật phản chiến.
Văn phòng FBI ở Media - nơi xảy ra vụ trộm hoàn hảo. |
William C. Davidon, giáo sư vật lý tại trường Đại học Haverford và là nhân vật tích cực trong phong trào phản chiến ở Philadelphia, chính là “cha đẻ” của vụ trộm mạo hiểm này. Lúc đó, ông Davidon đã rất thất vọng khi thấy những cuộc biểu tình phản chiến dường như không chút tác động đến chính phủ Mỹ hiếu chiến.
Mùa hè năm 1970, Davidon bắt đầu tập hợp một nhóm gồm tám người mà ông tin tưởng tuyệt đối. Họ nhanh chóng nhằm đến mục tiêu là một văn phòng vệ tinh của FBI ở thành phố Media.
Họ ý thức được rằng cuộc đột nhập này rất rủi ro: Không ai biết chắc trong văn phòng này có tài liệu liên quan đến việc FBI theo dõi hoạt động của những người tham gia phản chiến hay không. Họ cũng không thể biết chuông báo động có kêu ngay sau khi cánh cửa bị mở hay không.
Dù vậy, họ vẫn quyết định thực hiện cuộc đột nhập. Cả nhóm đã quan sát tòa nhà trong nhiều tháng, đêm nào cũng lái xe qua nơi này nhiều lần, ghi nhớ lịch trình của những người trong tòa nhà. Bonnie Raines, giáo sư tôn giáo thuộc trường Đại học Temple và là một thành viên trong nhóm trộm giờ đã 80 tuổi, nhớ lại: “Chúng tôi biết rõ khi nào mọi người đi làm về, khi nào họ tắt đèn đi ngủ, khi nào họ thức dậy. Chúng tôi gần như chắc chắn về những hoạt động diễn ra bên trong và xung quanh tòa nhà”.
Vợ chồng ông Bonnie Raines bên các cháu tại nhà riêng ở Philadelphia. |
Về vấn đề chuông báo động, chàng thanh niên Raines thuở ấy đã phải nhờ đến vợ mình. Cô gái đã thăm văn phòng FBI với tư cách là sinh viên Đại học Swarthmore nghiên cứu về cơ hội việc làm cho nữ giới ở FBI. Qua chuyến thăm ngắn ngủi, cô đã biết được một điều quan trọng là văn phòng không có hệ thống bảo vệ.
Mọi yếu tố đã chín muồi. Vụ trộm diễn ra vô cùng suôn sẻ và thuận lợi. Sau khi đóng gói các tài liệu vào vali, họ nhanh chóng đến chỗ hẹn tại một trang trại để phân loại tài liệu vừa đánh cắp. Họ thở phào nhẹ nhõm khi phát hiện ra phần lớn tài liệu là bằng chứng về việc FBI theo dõi hoạt động của các nhóm chính trị.
Sau đó, nhóm trộm đã chọn lọc tài liệu và gửi cho phóng viên của vài tờ báo, trong đó có Betty Medsger của tờ Washington Post. Hai tuần sau khi nhận được tài liệu, Medsger đã tung ra bài báo đầu tiên. Tổng Giám đốc FBI Edgar Hoover đã tìm mọi cách để buộc tờ Washington Post giao nộp lại tài liệu mà Medsger nhận được nhưng không thành công.
Trong bài báo đầu tiên này, phóng viên Medsger đã vạch trần ý đồ của ông Hoover trong việc dập tắt những luồng ý kiến phản chiến. Ông này đã có văn bản yêu cầu đặc vụ FBI tăng cường điều tra sinh viên về các nhân vật phản chiến và thành viên của nhóm sinh viên chống đối. Bài báo còn đề cập đến một văn bản khác, do chính ông Hoover kí tên, yêu cầu FBI theo dõi một số lượng lớn sinh viên da đen ở các trường đại học.
Nhờ tài liệu mà nhóm trộm cung cấp, các phóng viên đã phanh phui ra rằng, từ năm 1956, FBI đã tiến hành một chiến dịch rộng khắp nhằm theo dõi các nhà lãnh đạo dân quyền, tổ chức chính trị và những người nghi là cộng sản, FBI còn tìm cách gieo rắc sự nghi ngờ lẫn nhau giữa các nhóm biểu tình. Trong các tài liệu được tiết lộ có một bức thư mà FBI gửi đến mục sư Martin Luther King Jr., đe dọa sẽ moi móc đời tư nếu ông không chịu tự tử.
Trong những năm 1970, FBI đã bị điều tra về việc lạm dụng quyền hạn trong nhiều thập kỷ và bị quốc hội Mỹ đưa vào vòng giám sát chặt chẽ. Báo cáo điều tra khẳng định các cơ quan tình báo của Mỹ đã theo dõi và thu thập thông tin của quá nhiều người.
Trở lại với vụ trộm, ông Hoover đã cử hơn 200 đặc vụ đi tìm nhóm trộm. Trong thời gian này, nhóm trộm hầu như không nói chuyện và không gặp nhau. Do vụ trộm quá hoàn hảo và không để lại dấu vết gì, FBI đành phải kết thúc cuộc điều tra với hai bàn tay trắng. Vụ án khép lại ngày 11/3/1976 - ba ngày sau khi thời hạn truy tố trách nhiệm hình sự kết thúc.
“Cha đẻ” vụ trộm, ông Davidon, đã qua đời vào cuối năm 2013 do biến chứng của bệnh Parkinson. Ông đã định công khai vai trò của mình trong vụ trộm năm đó, nhưng ba trong số các thành viên còn lại vẫn quyết định giữ kín thân phận.
Những người đã công bố danh tính trước đó là Keith Forsyth, vợ chồng Raines và Bob Wiliamson. Vợ chồng Raines sau này kể lại rằng họ ý thức được một điều là nếu bị bắt và bị kết án, họ sẽ phải xa con cái trong nhiều năm. Họ quyết định tham gia vụ trộm vì biết chắc có thể tẩu thoát ra ngoài an toàn. Nhận định về vụ trộm năm xưa, ông Raines nói: “Có vẻ chúng tôi là những người thiếu thận trọng nhất. Nhưng dường như không ai ở Washington, từ thượng nghị sĩ, dân biểu, thậm chí là tổng thống dám truy tố trách nhiệm của ông Edgar Hoover. Và hiển nhiên là nếu chúng tôi không làm, thì sẽ chẳng còn ai dám làm nữa”.
Tố Quỳnh