Vụ cướp máy bay khai thông quan hệ Trung - Hàn - Kỳ 1

Khoảng thời gian từ ngày 05 - 10/5/1983 đã ghi dấu ấn lịch sử bởi đây không chỉ là quá trình giải quyết sự kiện cướp máy bay đơn thuần tại Trung Quốc, mà còn là một cuộc đấu tranh ngoại giao đầy kịch tính. Những tín hiệu thiện ý được hai nước Trung - Hàn phát ra trong thời gian đàm phán đã mở đường cho sự hòa giải giữa hai bên ngay sau sự kiện này.

TÊN KHÔNG TẶC THẠO NGHỀ

Năm 1983, Vương Nghĩa Hiên 43 tuổi, là đội trưởng đội bay thuộc Cục Quản lý Thẩm Dương, Hãng hàng không dân dụng Trung Quốc. Ngày 5/5/1983, ông là cơ trưởng chuyến bay mang số hiệu 296 của Hãng hàng không dân dụng Trung Quốc chở 105 hành khách (trong đó có 3 hành khách Nhật Bản) và phi hành đoàn có hành trình từ Thẩm Dương đến Thượng Hải.

6 nhân vật chính trong vụ cướp máy bay được chào đón, phong tặng danh hiệu “Nghĩa sĩ chống Trung cộng” tại Đài Loan.

Ông kể lại: “10 giờ 30 máy bay chính thức cất cánh, khoảng 20 - 30 phút sau vang lên tiếng chuông báo động kèm theo tiếng la thất thanh của hành khách và tiếng súng nổ, khóa cửa buồng lái bị bắn bung, một tên cao to, da ngăm đen xông vào, la lớn: 148 độ, 148 độ, Seoul!”. Vương Nghĩa Hiên kinh ngạc nghĩ thầm “Người này thạo nghề!”.

Tên không tặc là Trác Trường Nhân, tội phạm chính trong sự kiện cướp máy bay “5.5.83”. Do phạm tội kinh tế bị trình báo, y đã lên kế hoạch cướp máy bay trốn sang Đài Loan nhằm thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật. Trác Trường Nhân tính toán Nam Triều Tiên khi đó chưa thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc nhưng có quan hệ rất tốt với Đài Loan sẽ là trạm trung chuyển lý tưởng. Trác từng theo học tại Trường Hàng không Liêu Ninh, do vậy khá thành thạo trong lĩnh vực hàng không.

Đoàn đại biểu Trung - Hàn tiến hành đàm phán lần thứ nhất chiều ngày 7/5/1983 tại Seoul.

Vương Nghĩa Hiên tuy bị dí súng vào đầu nhưng trong lòng lại tính toán làm thế nào để cho máy bay hạ cánh xuống nơi có lợi hơn là Seoul. Nhân lúc Trác Trường Nhân không để ý, tại thời điểm chuyển hướng ông cho máy bay quay đầu. “Không đúng hướng! Chuyển sang hướng Đông!” Nòng súng không ngừng đập vào đầu của Vương Nghĩa Hiên. Ông tường thuật: “Không còn cách nào khác, tôi đành chuyển sang hướng Đông, Đại Liên rồi đến Đan Đông không hạ cánh được, cơ hội cuối cùng là Bình Nhưỡng…”. Trong khi vẫn đang bị dí súng vào đầu, Vương Nghĩa Hiên quyết định liều một ván, khi vừa nhìn thấy “Thiên lý mã” (công trình kiến trúc mang tính biểu tượng của Bình Nhưỡng) ông liền chuẩn bị hạ cánh. “Kéo cần lên, nếu không sẽ cùng chết!”. Thấy Trác Trường Nhân tức giận đỏ mặt, nghĩ đến tính mạng của cả trăm hành khách có thể gặp nguy hiểm, Vương Nghĩa Hiên đành đưa máy bay về độ cao bình thường.

Khi máy bay vừa bay qua vĩ tuyến 38, đến vùng trời Seoul thì vang lên tiếng chuông báo. Tuy nhiên, máy bay sắp cạn nhiên liệu, không thể bay tiếp, phải tìm cách hạ cánh gấp. May mà gần đó có một sân bay nhỏ, Vương Nghĩa Hiên chỉ biết dựa vào cảm giác để tìm cách hạ cánh. Khi đó ông không biết rằng bản thân đang tìm cách hoàn thành một cú hạ cánh không tưởng - đó là một sân bay chuyên dụng cho trực thăng của quân đội Mỹ, cơ bản không thích hợp cho việc hạ cánh máy bay chở khách. Cuối cùng ông cũng hoàn thành điều kỳ diệu này, chiếc máy bay mang số hiệu 296 chở 105 hành khách đã đáp xuống một thị trấn nhỏ phía Đông Bắc Seoul mang tên Chuncheon.

Hiện trường xét xử vụ cướp máy bay của Trác Trường Nhân và đồng đảng.

Khi Trác Trường Nhân xông vào buồng lái, trên màn hình radar tại Phòng điều hành của Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc hình ảnh chiếc máy bay mang số hiệu 296 lúc ẩn lúc hiện và bắt đầu chệch khỏi hành trình… Vài phút sau, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Trung Quốc Thẩm Đồ đang báo cáo công tác tại Trung Nam Hải nhận được điện thoại: Chiếc máy bay 296 có thể đã bị cướp! Thẩm Đồ lập tức xin phép quay về Phòng điều hành, đến 13 giờ cùng ngày ông nhận được điện báo chiếc máy bay này đã hạ cánh xuống sân bay Chuncheon trong căn cứ của quân đội Mỹ phía Đông Bắc Seoul.

Chiếc máy bay vừa hạ cánh đã nhanh chóng bị loạt xe tải của quân đội Mỹ bao vây. Trác Trường Nhân cầm súng đã lên đạn xuất hiện tại cửa máy bay, lớn tiếng yêu cầu gặp “Đại sứ Đài Loan tại Nam Triều Tiên”, nếu không hành khách tiếp tục bị bắt làm con tin. Tuy nhiên, yêu cầu của Trác Trường Nhân chỉ có thể được hồi đáp sau khi hội nghị khẩn cấp của Nam Triều Tiên đưa ra kết luận, song song với đó là sự trông đợi trong suốt 8 tiếng của cả trăm hành khách.

Cùng lúc này, Bắc Kinh cũng như ngồi trên đống lửa bởi đây là một vấn đề ngoại giao khó khăn: Làm thế nào để thuyết phục Nam Triều Tiên - lâu nay thù địch với Trung Quốc và quan hệ hữu hảo với Đài Loan - trao trả con tin và không tặc. Tuy nhiên, điều bất ngờ là phía Nam Triều Tiên nhiệt tình hưởng ứng yêu cầu đàm phán của Trung Quốc, thậm chí đề nghị Bắc Kinh cử phái đoàn cao cấp của Bộ Ngoại giao đến Seoul. Hiển nhiên phía Nam Triều Tiên muốn thoát khỏi thế cô lập về ngoại giao, mong muốn được tiếp xúc chính thức với Trung Quốc.

Sau khi toàn bộ hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay 296 được chuyển đến Seoul, Nam Triều Tiên thể hiện thiện chí rất lớn. Seoul đã chi 100.000 USD để giải quyết hậu quả: Thanh toán mọi chi phí tại Nam Triều Tiên của Tổ đàm phán và nhân viên phi hành đoàn; toàn bộ hành khách được thu xếp ăn, ở trong khách sạn sang nhất tại Seoul, trong phòng bố trí bình phong và các bức tranh truyền thống của Trung Quốc; hành khách được đưa đi tham quan các địa điểm nổi tiếng nhất của Seoul, trước khi ra về nước còn được tặng nhiều đồ điện tử mà trong nước thời điểm đó chưa từng xuất hiện…


Vĩnh Hà
Vụ cướp máy bay khai thông quan hệ Trung-Hàn - Kỳ cuối
Vụ cướp máy bay khai thông quan hệ Trung-Hàn - Kỳ cuối

Sau khi đàm phán kết thúc, Nam Triều Tiên nhiều lần từ chối chuyển giao không tặc cho phía Đài Loan, đồng thời áp dụng hình phạt với những tội phạm này. Một năm sau, sau nhiều áp lực Nam Triều Tiên mới thả, giao họ cho phía Đài Loan.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN