Một ngày tháng 6 năm 1963, Medgar Evers - một lãnh tụ của phong trào đấu tranh đòi dân quyền cho người da đen ở Mỹ - gục ngã ngay trước cửa ngôi nhà của ông, do những phát đạn oan nghiệt từ khẩu súng của một kẻ mang tư tưởng phân biệt chủng tộc cực đoan. Chỉ hai ngày sau, kẻ thủ ác bị bắt với những chứng cứ khá rõ ràng, nhưng phải 31 năm sau, tên sát nhân mới bị đưa ra trước ánh sáng công lý.
Kỳ 3: Đền tội
Không thừa nhận tội giết người trong 2 phiên tòa mở năm 1964, nhưng suốt 30 năm sau đó, đi đến đâu Beckwith cũng bô bô kể về vụ ám sát Medgar Evers, nhất là trong những cuộc tụ tập của các đồng đảng KKK. Hắn vẫn giữ một niềm tin “sắt đá” rằng một người da trắng như hắn không bao giờ bị trừng phạt vì đã giết một người da đen như Medgar Evers.
Phiên tòa năm 1994 đã mang lại sự công bằng cho Medgar Evers và những người thân của ông. |
Nhưng thật không may cho Beckwith, 30 năm sau cái chết của vị lãnh đạo phong trào đấu tranh của người da đen, xã hội Mississippi đã có nhiều thay đổi. Tình trạng phân biệt chủng tộc bắt đầu lùi vào quá khứ. Không còn những bồi thẩm đoàn chỉ gồm toàn những người da trắng mà đã xuất hiện một thế hệ mới những người đại diện cho công lý mang một nhãn quan mới. Họ bắt đầu xem xét lại những vụ án được cho là “xử sai” và một trong số đó là vụ ám sát Medgar Evers.
Mở đầu là bài báo đăng trên tờ The Clarion-Ledger of Jackson với những chi tiết về quá trình Hội đồng Tối cao Mississippi lựa chọn bồi thẩm đoàn toàn người da trắng trong hai phiên tòa xét xử Beckwith năm 1964 (Hội đồng này ủng hộ tư tưởng phân biệt chủng tộc và cũng cho rằng người da trắng không thể bị truy tố vì giết người da đen).
Bài báo trên đã làm rúng động dư luận Mississippi. Những người da trắng rất tức giận, trong khi những người da màu đòi lập lại công bằng. Cơ quan chức năng quyết định xem xét lại vụ án này và một cuộc điều tra bắt đầu.
Vụ Beckwith ám sát Medgar "có thể giết chết một con người nhưng không thể giết chết một lý tưởng". |
Beckwith bị bắt lần thứ 3 với tội danh sát hại Medgar Evers. Hắn được tại ngoại với khoản tiền bảo lãnh 100.000 USD. Trong số tiền này có 12.000 USD của “một người lạ” mà sau đó được xác định là luật sư người Do Thái Harry Rosenthal. Beckwith vốn rất căm ghét người Do Thái, nhưng để được tự do, hắn đã chấp nhận sự giúp đỡ của một người Do Thái.
Luật sư Rosenthal giúp đỡ Beckwith vì ông ta và nhiều luật sư khác cho rằng, trong trường hợp này, quyền được xét xử nhanh của Beckwith đã bị vi phạm. Quyền này, được ghi trong Hiến pháp Mỹ sửa đổi lần thứ 6, nhằm đảm bảo cho các bị cáo không bị giam giữ lâu một cách không hợp lý trước khi bị đưa ra xét xử. Theo luật sư Rosenthal, thời gian thích hợp để xem xét lại vụ án của Beckwith là từ 1964 - 1969, tức là khi các luật sư bào chữa cũng như các nhân chứng trong hai phiên tòa xét xử Beckwith năm 1964 vẫn còn sống và đủ sức khỏe, cả về thể xác lẫn tinh thần, để tham gia vào vụ xử lại.
Vậy là, vấn đề đặt ra cho Tòa án Tối cao Mississippi là có thể đưa Beckwith ra xét xử lại hay không. Hầu hết giới luật sư và báo chí cho rằng, vụ xét xử lại Beckwith sẽ "chìm xuồng" và kẻ phân biệt chủng tộc cực đoan này lại một lần nữa thoát khỏi sự trừng trị của pháp luật.
Nhưng thần may mắn đã không còn mỉm cười với Beckwith. Tòa án Tối cao Mississippi đã đưa ra một quyết định "động trời": Mở lại phiên tòa xét xử Beckwith về tội giết Medgar Evers.
Vớt vát chút hy vọng sẽ lại một lần nữa được trắng án, Beckwith hối hả tìm luật sư giỏi để bào chữa. Cuối cùng, hắn chọn hai luật sư là Buddy Coxwell và Jim Ketchens.
Nhưng luật sư giỏi cũng không cứu được Beckwith. Các công tố viên đã tìm được những bằng chứng mới về hành vi phạm tội của Beckwith. Đó là câu chuyện về vụ ám sát Medgar Evers thốt ra từ chính miệng Beckwith trong nhiều cuộc tụ tập suốt 31 năm qua của các thành viên KKK. Delmar Dennis, một thành viên của KKK, đã ra làm chứng trước tòa về điều này. Đó là lời khoe khoang về thành tích "giết chết một thủ lĩnh da đen" mà Beckwith đã nói với nữ y tá da đen khi hắn nằm điều trị tại trạm xá nhà tù Angola trong thời gian thụ án tù vì tội vận chuyển vũ khí trái phép trong những năm 1977-1980. Đó là bức thư đăng trên The Hoskins Report - tờ báo của Richard Kelly Hoskins, một kẻ mang tư tưởng phân biệt chủng tộc cực đoan hệt như Beckwith - trong đó Beckwith tuyên bố rằng hắn đã giết Medgar Evers "theo ý nguyện của Chúa".
Thêm một sự kiện mới so với 2 phiên tòa năm 1964: Bồi thẩm đoàn không bao gồm toàn bộ 12 thành viên là người da trắng mà là 4 người da trắng và 8 người gốc Phi.
Ngày 5/2/1994, tòa đưa ra phán quyết: Beckwith đã phạm tội giết Medgar Evers và bị kết án tù chung thân. Một bản án mà Beckwith chưa bao giờ nghĩ đến.
Beckwith nộp đơn kháng cáo. Hắn cho rằng, phiên tòa xử lại được mở sau hai phiên tòa đầu tới 30 năm là vi phạm quyền được xét xử nhanh của hắn. Nhưng đơn kháng cáo của Beckwith đã bị bác.
Beckwith lẽ ra phải thụ án tù chung thân tại Nhà tù bang Mississippi, vốn nổi tiếng là an ninh nghiêm ngặt. Nhưng vì lúc này Beckwith đã "tuổi cao sức yếu" (74 tuổi) nên được đưa đến Trại giam hạt Hinds để sống những ngày cuối đời. Ngày 21/1/2001, Beckwith chết tại Trung tâm Y tế Đại học Mississippi khi đang điều trị bệnh tim và cao huyết áp.
Minh Minh (Tổng hợp)