Vị thủ tướng đầu tiên của Canada - Kỳ 1: Đường dẫn tới liên bang

Thế kỷ 19 là kỷ nguyên của những nhà lãnh đạo dân chủ. Ở Canada, một chính trị gia gốc Scotland nổi lên trong những năm 1860 với tầm nhìn thống nhất đất nước mình thành một quốc gia độc lập. Người đàn ông đó là John A. Macdonald.


Kỳ 1: Đường dẫn tới liên bang


Sinh ra ở Clyde thuộc Glasgow, Scotland vào tháng 1/1815, từ khi là một đứa trẻ, John Alexander Macdonald đã cùng gia đình nhập cư vào Canada. Đó là năm 1820 khi họ định cư ở Kingston, Ontario. Sau khi rời trường Royal Grammar School, ông học luật và vào năm 1836 đã trở thành một luật sư. Sau này ông thừa nhận với người thư ký lâu năm, cũng là cố vấn và người viết tiểu sử của ông, Joseph Pope, rằng: “Tôi chưa bao giờ có thời niên thiếu. Từ khi 15 tuổi, tôi đã bắt đầu tự kiếm sống”.

Chân dung Thủ tướng John A. Macdonald.


Macdonald có 7 năm thành công làm một luật sư hình sự và kinh doanh ở Kingston. Nhưng sau đó ông lại bén duyên với chính trị. Năm 1843, ông được bầu vào Hội đồng Thành phố Kingston và chỉ 1 năm sau, đã giành được ghế trong cơ quan lập pháp của tỉnh. Tới năm 1854, ông đã làm tới chức Chưởng lý Thượng Canada (Ontario ngày nay) và cũng chỉ mất thêm 3 năm để ngồi vào vị trí người đứng đầu bang. Giữa năm 1864, Macdonald cùng các chính trị gia Canada khác là George - Etienne Cartier và George Brown thành lập Đại liên minh, chấm dứt tình trạng rối loạn và thế bế tắc của ngành lập pháp vốn tiêu biểu cho hoạt động chính trị của Canada Đông (Quebec) và Canada Tây (Ontario) trong suốt 15 năm.


Biết được rằng các tỉnh New Brunswick, Nova Scotia và Đảo Prince Edward đang chuẩn bị hội nghị ở Charlottetown vào tháng 9/1864 để thảo luận về “Liên minh hàng hải”, Macdonald, Cartier và Brown dàn xếp để được mời tới cuộc gặp gỡ này. Tại đây, ông đã xuất hiện đầy nổi bật và giữ vai trò lãnh đạo; qua đó, một liên bang đã nhanh chóng thay thế liên minh hàng hải.


Tại hội nghị thứ hai ở thành phố Quebec, các đại biểu đã thông qua 72 nghị quyết, trong đó có tới 50 nghị quyết do Macdonald soạn thảo, và cơ bản thống nhất với nhau về một hiến pháp cho liên bang. Sau cuộc họp cuối cùng ở London (Anh) do Macdonald điều hành, một văn bản xây dựng nhà nước dựa trên các nguyên tắc “Hòa bình, Trật tự và Quản lý tốt” đã được Quốc hội Anh chấp thuận. Ngày 1/7/1867, Xứ tự trị Canada đã chính thức thành lập và Macdonald, giờ là Sir John A. Macdonald, trở thành Thủ tướng.

Biếm họa so sánh chứng nghiện rượu của Macdonald với việc chi tiêu phung phí của chính phủ.


Không phải ngẫu nhiên vị luật sư này lại được chính phủ Anh lựa chọn làm người đứng đầu một vùng đất mới như Canada. Ông vốn rất trung thành với Đế chế Anh, không tin tưởng vào Mỹ và là một nhà quản trị đầy kinh nghiệm. Macdonald sở hữu một năng lực khó ai có thể sánh bằng trong việc phục vụ những lợi ích quốc gia, tôn giáo, phe phái và cá nhân của đất nước. Về vấn đề người Canada gốc Pháp, ông nói: “Đối xử với họ như một dân tộc và họ sẽ hành xử như cách những người tự do thường làm - một cách rộng lượng. Đối xử với họ như một phe phái, họ sẽ trở nên cứng đầu cứng cổ”. Thêm vào đó là tài ứng biến, kinh nghiệm cuộc sống, sự quyết tâm và tính kiên nhẫn. Trong một bức thư gửi chính trị gia Quebec là Sir John Rose vào năm 1972, Macdonald giải thích cho thành công của mình là vì đã luôn đánh bại được đối thủ cạnh tranh chính trị George Brown.


Tiếp đó là khiếu hài hước châm biếm của Macdonald. Khi luật sư và doanh nhân Robert Dickey từ Nova Scotia đi vận động hành lang để được bổ nhiệm nhờ bảo trợ, ông ta đã nói với Macdonald: “Tôi sẽ ủng hộ ông bất cứ khi nào tôi thấy ông đúng”. Macdonald vặn lại: “Bất kỳ ai cũng sẽ ủng hộ tôi khi họ nghĩ rằng tôi đúng. Điều tôi muốn là một người sẽ ủng hộ tôi khi tôi sai!”


Trên hết, Macdonald là một chiến lược gia chính trị bậc thầy; sử dụng quyền lực và quyền bảo trợ để giúp cho những người ủng hộ chính trị. Không hiếm ví dụ về điều này. Sau khi một đảng viên Bảo thủ ở Toronto than phiền về việc thiếu người được bảo trợ trong các khu vực cử tri do những người theo tư tưởng tự do nắm giữ, Macdonald thẳng thừng trả lời: “Khi Toronto bầu lên các thành viên Bảo thủ, Toronto sẽ có người Bảo thủ được bổ nhiệm. Nhưng không phải trước đó”.


Trớ trêu là một số khiếm khuyết của Macdonald lại được các chính trị gia Anh coi là điểm mạnh. Ông đầy tham vọng, gian lận trong bầu cử và không tôn trọng các đối thủ một cách có chiến thuật. Chẳng hạn, khi phát biểu trước Hạ viện, ông có một thói quen khó chịu là quay lưng lại phe đối lập và chỉ nói với những thành viên của đảng mình.


Nhưng Macdonald thực sự có một vấn đề: Chứng nghiện rượu. Thực tế, ông đã suýt chết vì rượu trong thời gian diễn ra hội nghị London khi ngủ quên sau khi nốc quá nhiều và không thổi tắt nến bên giường. Ga giường và sau đó là cả căn phòng bốc cháy, còn ông kịp thoát ra ngoài với vài vết bỏng. Có lần vào năm 1863, ông đã nôn trên sân khấu khi lên trả lời đối thủ trong cuộc tranh cử. Có lẽ chứng nghiện rượu này được các cử tri thông cảm vì những bi kịch cuộc đời ông: từ khi còn bé, ông đã mất hai người anh trai, cha ông mất ở tuổi 59 còn mẹ ông phải chịu 11 cơn đột quỵ trước khi chết. Vợ ông thì ốm yếu và phải viện đến nha phiến để giảm đau, còn đứa con đầu tiên của ông qua đời khi mới 1 tuổi vì bệnh hiểm nghèo.


Trần Anh

 

Đón đọc kỳ cuối: Những thành tựu của Macdonald

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN