Dù là loại virút khá tinh vi nhưng Stuxnet đã nhanh chóng bị giải mã. Chỉ trong vòng vài tháng, người ta đã nắm được các đặc tính kỹ thuật và thành phần của nó. Iran có thể nhanh chóng dựa vào tri thức của cộng đồng an ninh mạng toàn cầu để đưa ra những biện pháp đối phó hiệu quả với loại virút này. Việc virút Stuxnet nhanh chóng bị hóa giải cũng đặt ra một vấn đề là tại sao phương pháp này, chứ không phải một phương pháp lén lút hay trực tiếp hơn, được lựa chọn để tấn công chương trình hạt nhân của Iran.
Lò phản ứng hạt nhân của Irắc đã bị Ixraen tấn công phá hủy năm 1981. |
Có nhiều lời đồn đoán rằng, Ixraen hoặc có thể là Mỹ sẽ tiến hành các đợt không kích nhằm vào chương trình hạt nhân của Iran trong năm 2011, dù rằng Tổng thống Barack Obama khó có thể cho phép quân đội Mỹ thực hiện một cuộc không kích như thế. Cái được và cái mất của một cuộc không kích đã được người Mỹ đem ra cân đong đo đếm khá kỹ càng. Các phát biểu gần đây của các nhà lãnh đạo một số nước Arập bày tỏ quan ngại đối với mối đe dọa hạt nhân đến từ Iran. Việc này đã tạo cớ cho Ixraen có những động thái mới và quyết liệt hơn đối với Iran.
Vụ việc trang mạng WikiLeaks tiết lộ một loạt điện tín ngoại giao mật của Mỹ diễn ra vào hồi tháng 12/2010 càng khiến cho Ixraen mạnh tay hơn. Các bức điện này cho thấy một điều rằng, các nhà lãnh đạo Arập láng giềng của Ixraen đồng tình với cảnh báo lâu nay của Thủ tướng Benjamin Netanyahu về tiềm lực hạt nhân ngày một lớn mạnh của Iran.
Liệu không kích chương trình hạt nhân của Iran có thành công hay không? Các cuộc tấn công của Ixraen nhằm vào lò phản ứng hạt nhân Osirak của Irắc diễn ra vào năm 1981 và một cơ sở của Xyri trong năm 2007 đã cho thấy thái độ của nước này đối với Iran. Tuy nhiên, đây là những địa điểm nằm nổi trên mặt đất được bảo vệ lỏng lẻo và gần Ixraen. Các mục tiêu nằm trên đất Iran lại ở cách xa hơn rất nhiều. Những tiết lộ của WikiLeaks cho thấy Arập Xêút có thể cho phép Ixraen bay qua lãnh thổ nước này.
Liệu hệ thống phòng không của Iran có ngăn chặn thành công các cuộc không kích của Ixraen? |
Hiển nhiên là Mỹ cũng sẽ cho phép máy bay Ixraen bay qua vùng trời Irắc. Các loại bom phá boong-ke của Ixraen có khả năng khoan sâu xuống các cơ sở đặt trong lòng đất như Natanz. Mặc dù hạn chế về mặt tiếp nhiên liệu có lẽ sẽ ngăn cản Ixraen tấn công tất cả các cơ sở hạt nhân của Iran trong một đợt tấn công, nhưng các máy bay của nước này có thể tấn công vào các địa điểm chủ chốt không thể thiếu được trong quá trình tách hạt nhân. Bất chấp các tuyên bố hùng hồn, năng lực của các hệ thống phòng không của Iran dường như vẫn còn nhiều điều đáng nghi ngờ. Sự thành công của các cuộc không kích sẽ giúp Ixraen đạt được các mục tiêu an ninh quan trọng của nước này, đồng thời ngăn chặn một cuộc chạy đua hạt nhân trong khu vực.
Nhưng một cuộc không kích lại chứa đựng quá nhiều nguy hiểm. Một cuộc không kích đơn lẻ có thể không thành công và người ta cũng không biết chính xác Arập Xêút và Mỹ sẽ cho phép các máy bay của Ixraen bay bao nhiêu lần qua phần bầu trời mà những nước này quản lý. Ixraen có thể phải hứng chịu những thiệt hại nặng nề. Iran sẽ cáo buộc trách nhiệm của Mỹ, nên có thể tấn công vào các đơn vị và binh lính Mỹ đang đóng quân ở Irắc, Ápganixtan hoặc bất kỳ nơi nào khác. Tình hình đó có thể làm gián đoạn nguồn cung dầu lửa từ vùng Vịnh và giá dầu sẽ leo thang. Các cuộc không kích có thể giúp đoàn kết một nước Iran đang bị chia rẽ và giúp ông Ahmadinejad và liên minh của ông củng cố quyền lực.
Trong bối cảnh đó, tấn công mạng liệu có là một sự lựa chọn khả dĩ hơn để đạt được mục tiêu ngăn chặn hoặc làm chậm tiến độ chương trình hạt nhân của Iran? Virút Stuxnet phát huy được hiệu quả đến đâu? Ban đầu, Bộ trưởng Truyền thông Iran Reza Taghipour tỏ ra hết sức lạc quan. Ông cho rằng, thiệt hại mà loại virút gián điệp này gây ra đối với các hệ thống máy tính của chính phủ Iran là không nghiêm trọng và hầu như mọi khu vực bị lây nhiễm đều đã được phát hiện và xử lý. Tuy nhiên, sau này, ông Ahmadinejad thừa nhận rằng Stuxnet đã cản trở sự phát triển chương trình hạt nhân của nước này, cụ thể là nó đã ảnh hưởng đến một số các máy ly tâm. Trong khi đó, Tập đoàn Siemens thừa nhận, Stuxnet đã tấn công vào 14 nhà máy công nghiệp, cả ở trong và ngoài lãnh thổ Iran. Tuy vậy, theo Iran, không có nhà máy nào của nước này bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong khi đó, các điều tra viên của Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế cho biết, Iran đã ngừng cung cấp uranium cho các máy ly tâm ở nhà máy ở Natanz trong vòng một tuần cuối tháng 11. Đây có thể là một dấu hiệu cho thấy nhà máy này bị ảnh hưởng nặng nề. Số lượng các máy ly tâm bị giảm 23% trong khoảng thời gian từ giữa năm 2009 đến giữa năm 2010 có thể là do nguyên nhân từ vụ tấn công của virút Stuxnet. Người ta vẫn chưa biết được mức độ thiết hại cuối cùng là như thế nào, nhưng người Iran hiển nhiên là đã không đề phòng và bị bất ngờ trước việc các hệ thống bảo vệ của họ lại có thể bị xuyên thủng, kể cả đối với những hệ thống máy tính không kết nối với mạng Internet được bảo vệ nghiêm ngặt. Và kể cả khi những thiệt hại được khống chế và khắc phục nhanh chóng, Stuxnet đã mở ra một hướng tấn công mới. Một cuộc tấn công trong tương lai, sử dụng các loại virút hoặc phần mềm tinh vi hơn, có thể gây ra những thiệt hại nặng nề và lâu dài hơn.
Đình Vũ (tổng hợp)
Đón đọc kỳ cuối: Đối phó thế nào với chiến tranh mạng?