Ra đời sau khi nước nhà giành được độc lập, vì vậy TTXVN luôn luôn là một trong những cơ quan đi đầu trong việc tích cực thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong các giai đoạn cách mạng cụ thể. Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, TTXVN (lúc đó còn gọi là VNTTX) đã đi theo Bác Hồ và các cơ quan của Đảng và Nhà nước lên chiến khu Việt Bắc để tham gia vào những hoạt động phục vụ nhiệm vụ kháng chiến.
Trong ảnh chụp năm 1969, Tổng giám đốc Đào Tùng (thứ tư bên trái) giới thiệu với Thủ tướng Phạm Văn Đồng các sản phẩm thông tin của VNTTX. Ảnh tư liệu |
TTXVN luôn luôn là một trong những nơi cung cấp thông tin quan trọng cho Bác Hồ, các đồng chí lãnh đạo khác của Đảng, Nhà nước và những cơ quan chiến lược giúp việc trong điều kiện kỹ thuật và các phương tiện thu phát thông tin còn rất nghèo nàn và lạc hậu.
Cán bộ TTXVN luôn có mặt trong các phong trào và tại các chiến dịch lớn thời gian đó, kể cả tại chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, tại Hội nghị Geneva để chứng kiến việc thực dân Pháp phải thừa nhận thất bại và trao trả độc lập, chủ quyền của đất nước ta, tuy mới chỉ được một nửa nước.
Khi hòa bình lập lại lần thứ nhất, sau khi trở về Thủ đô Hà Nội, TTXVN lại lao ngay vào công việc phục hồi kinh tế, hàn gắn các vết thương chiến tranh, phục vụ các phong trào được gọi là “ba ngọn cờ hồng” sôi nổi lúc bấy giờ; “Phong trào gió Đại phong” học tập, hợp tác xã Đại phong trong nông nghiệp ở tỉnh Quảng Bình; “Phong trào sóng Duyên Hải” với gương sáng của nhà máy cơ khí Duyên Hải trong ngành công nghiệp ở Hải Phòng; “Phong trào cờ ba nhất” trong quân đội.
Cùng lúc đó, TTXVN vừa tích cực tham gia vào việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, vừa đi đầu trong việc sẻ của, sẻ người chi viện cho miền Nam chống Mỹ, cứu nước, góp phần xây dựng Thông tấn xã giải phóng (gọi tắt là TTXGP) ở chiến trường Nam Bộ.
Hàng trăm cán bộ ưu tú của TTXVN đã lên đường “Nam tiến” để làm nhiệm vụ quan trọng này, trong đó có rất nhiều đồng chí đã hy sinh! Đồng thời, TTXVN còn tích cực làm nhiệm vụ quốc tế như giúp các bạn Lào xây dựng TTXKPL, suốt từ những năm tháng chống Pháp cho đến tận ngày nay và giúp các bạn Campuchia xây dựng TTXSPK sau khi Campuchia được giải phóng khỏi họa diệt chủng Pôn Pốt năm 1979.
Sau khi tham gia vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975 để giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, TTXVN và TTXGP đã hợp nhất thành TTXVN. Nam Bắc xum họp một nhà, chúng ta lại lao ngay vào hàn gắn các vết thương chiến tranh, đồng thời tham gia chống lại sự phản bội của bọn diệt chủng Pôn Pốt ở biên giới Tây Nam và cuộc xâm lược trắng trợn của thế lực bành trướng ở biên giới phía Bắc.
TTXVN còn tham gia tích cực vào việc khắc phục những khó khăn thiếu thốn “chưa từng có bao giờ” vào những năm đầu 80 do hậu quả của chính sách “quan liêu, bao cấp” kéo dài. Khi Đảng ta đề ra chủ trương Đổi Mới từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 6 vào năm 1986, TTXVN lại tham gia tích cực vào việc thực hiện nhiệm vụ cách mạng trọng đại này bằng những việc làm rất cụ thể: công tác thông tin của toàn ngành được đổi mới, nâng cao về chất lượng và tăng thêm về số lượng mà không tăng thêm biên chế.
Ngoài các bản tin và ấn phẩm vốn có, TTXVN đã ra thêm nhiều ấn phẩm mới như: Bản tin tham khảo đặc biệt, Bản tin kinh tế-thị trường-giá cả, Bản tin tham khảo nội bộ… Từ chỗ chỉ có một tờ “Báo Ảnh Việt Nam”, TTXVN đã cho ra đời nhiều tờ báo mới như “Tuần Tin Tức”, “Thể thao-Văn hóa”, “Khoa học-Kỹ thuật”, “Tin Tức buổi chiều” và gần đây còn ra thêm “Thông tin tư liệu”, “Tin kinh tế tham khảo” và bán nguyệt san “Kinh tế Việt Nam và Thế giới”…
Việc làm này vừa phục vụ kịp thời nhu cầu thông tin ngày càng tăng của giới báo chí, vừa thỏa mãn nhu cầu mở rộng thông tin của độc giả, vừa có điều kiện để in và phát hành rộng khắp cả nước, khiến TTXVN ngày càng trở thành một trung tâm thông tin chiến lược của Đảng và Nhà nước, vừa là một diễn đàn thực sự của nhân dân.
Ngoài thông tin bằng tiếng Việt, TTXVN còn phát hành cả báo “Vietnam News”, “Vietnam Law and Legal Forum” bằng tiếng Anh, báo “Le Courrier du Vietnam” bằng tiếng Pháp, “Báo Ảnh Vietnam” in bằng nhiều tiếng nước ngoài khác để phát hành rộng ra quốc tế, phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền đối ngoại của Đảng và Nhà nước.
Ban Biên tập Tin đối ngoại trước đây chỉ phát thông tin ra ngoài bằng tiếng Anh và tiếng Pháp, giờ phát cả bằng tiếng Tây Ban Nha và tiếng Trung Quốc. Đối với đồng bào các dân tộc thiểu số, TTXVN đã phát hành báo “Dân tộc và miền Núi”, vừa ngắn gọn về thông tin, vừa kèm thêm hình ảnh để đồng bào dễ đọc, dễ nhớ, dễ làm theo.
Tờ báo này còn được in bằng nhiều thứ tiếng dân tộc thiểu số khác nhau để phục vụ nhiều đối tượng một lúc. Những năm gần đây, TTXVN còn thành lập cả “Nhà xuất bản thông tấn”, hàng năm xuất bản một khối lượng đầu sách khá lớn.
Về phương tiện kỹ thuật, từ chỗ chỉ biết sử dụng biện pháp thông tin liên lạc bằng morse, telex, nhận tin bằng máy teletype như trước đây, bất chấp sự bao vây cấm vận của Mỹ, TTXVN đã mưu trí tìm cách mở mang và phát triển kỹ thuật thông tin liên lạc hiện đại, nhất là thông tin bằng công nghệ vi tính, digital, giúp cho chúng ta hoàn toàn chủ động theo kịp với sự phát triển của thông tin hiện đại ở khu vực và trên thế giới.
Cơ sở vật chất và nơi làm việc cũng không ngừng được phát triển khang trang, hiện đại, vừa đáp ứng được nhu cầu công việc của ngành, vừa giúp TTXVN nâng cao khả năng hợp tác với các hãng thông tấn và báo chí lớn của nước ngoài.
Gần đây, TTXVN lại thành lập được cả một trung tâm truyền hình riêng với những chương trình và nội dung phong phú, bằng cả nhiều thứ tiếng nước ngoài, được người xem trong nước và nước ngoài hoan nghênh và sử dụng.
Mạng lưới phóng viên thường trú của TTXVN vừa được triển khai ra tất cả các tỉnh thành trong cả nước với những cơ ngơi do ngành tự xây dựng lấy, vừa tăng thêm số cơ quan đại diện ở nước ngoài tại cả 5 châu và những nơi thường xảy ra những sự kiện sôi động nhất. Để phục vụ cho việc hợp tác quốc tế, từ nhiều năm nay TTXVN còn thành lập cả “Trung tâm hợp tác quốc tế Thông tấn”.
Đội ngũ cán bộ của TTXVN không chỉ được tăng thêm về số lượng thông qua thi tuyển đúng nguyên tắc quy định mà còn được đạo tạo, rèn luyện kỹ hơn về nhiều mặt. Anh chị em ngày càng tỏ ra là những cán bộ có nhiều tài năng, chuyên nghiệp, thể hiện rõ là những cán bộ kế cận xứng đáng với các thế hệ đi trước, biết vận dụng và phát huy những truyền thống tốt đẹp của ngành.
Đảng ủy và Bộ Biên tập của TTXVN đoàn kết, nhất trí và lãnh đạo toàn diện các hoạt động của ngành, từ công tác chuyên môn – nghiệp vụ, đến công tác chính trị tư tưởng, công tác quản lý và xây dựng đoàn thể quần chúng trong sạch, vững mạnh.