Lịch sử bóng đá Anh có lẽ chưa bao giờ chứng kiến một giây phút đáng hổ thẹn như những gì đã diễn ra vào ngày 14/5/1938. Những cánh tay phải giơ cao - kiểu chào Đức Quốc xã - ở thủ đô Berlin (Đức) của các cầu thủ “Xứ sở sương mù” khi chào cờ trước trận đấu khiến dư luận trong nước cho đến nay vẫn sôi sục. Họ không ngờ rằng bên cạnh đó là cả một câu chuyện chính trị có ý nghĩa sâu xa.
Kỳ 1: Khi bóng đá là công cụ tuyên truyền
Hitler ngồi theo dõi Olympics 1936 trên khán đài sân Olympiastadion. |
Bóng đá ngay từ những năm 1930 đã có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội Anh. Chính quyền hiểu rằng tận dụng được sức mạnh của môn thể thao vua là một cách tuyệt vời để hiện thực hóa mục đích tuyên truyền chính trị. Họ đã nhận thấy hiệu quả từ sự kiểm soát ngành thể thao của Đức Quốc xã tại Olympics Berlin năm 1936, khiến cả thế giới tin rằng Đức vẫn là một đất nước yêu chuộng hòa bình. Bóng đá vô cùng phù hợp với triết lý thúc đẩy hình ảnh thiện chí của nước Anh không chỉ là một “quốc gia vĩ đại” mà còn là một xã hội với những nguyên tắc cao cả như công lý và ngay thẳng.
Trước đó, trong những năm 1920, Liên đoàn bóng đá Anh, cũng như liên đoàn của Ailen, Xcốtlen và Wales, đã từ chối thi đấu với các đội bóng Đức với lý do nước này là kẻ thù cũ. Nhưng với sự nổi lên của Đức vào cuối thập kỷ, như việc Đức gia nhập Hội Quốc liên năm 1926, những trận đấu giữa các đội bóng của Vương quốc Anh và Đức đã diễn ra thường xuyên hơn. Điển hình là hai trận đấu quốc tế của Anh và Xcốtlen với Đức lần lượt vào năm 1929 và 1930.
Hai đội tuyển Anh và Đức gặp nhau tại Luân Đôn năm 1935. |
Một trận đấu lượt về giữa Anh và Đức được dự định tổ chức trong tháng 12/1935 tại Luân Đôn, vào lúc nền chính trị và thể thao Đức có sự biến đổi sâu sắc sau khi Hitler lên nắm quyền. Trong bối cảnh đó, chính phủ Anh phải đối mặt với sức ép lớn đòi hủy bỏ trận đấu, với những cuộc biểu tình phản đối của phong trào lao động và các tổ chức của người Do Thái. Họ cho rằng chế độ Quốc xã ngược đãi các công đoàn, tổ chức chính trị và người Do Thái. Thế nhưng Bộ Ngoại giao Anh nhanh chóng nhận ra rằng việc hủy bỏ trận đấu thậm chí còn mang đến hậu quả đáng sợ hơn. Một hành động như vậy có thể mạo hiểm gây ra phản ứng thù địch từ Đức, đi ngược lại chính sách đối ngoại hòa giải của Anh với nước này.
Trận đấu vẫn diễn ra bình thường trước sự chứng kiến của 10.000 khán giả Đức. Tuy thất bại 0-3 nhưng đội tuyển Đức đã thi đấu đầy ấn tượng và được báo chí nước nhà ca ngợi hết lời vì “đối với Đức, đó như là một thành công tuyệt đối về chính trị, tâm lý và thể thao”.
Chính phủ Anh hiểu rõ sức mạnh đang lên của Đức và tiềm lực của chính mình. Đầu năm 1938, Đức đã thôn tính Áo và đang “nhăm nhe” Tiệp Khắc, cũng như xây dựng quan hệ chặt chẽ với Italia. Thủ tướng Anh Neville Chamberlain ủng hộ biện pháp hòa hoãn trên trường quốc tế, có nghĩa là chính phủ không thể hủy bỏ trận đấu tiếp theo giữa hai đội trong năm này. Với một môn thể thao được đông đảo khán giả theo dõi như bóng đá, việc cử đội tuyển sang thi đấu tại Béclin có thể khiến công chúng Đức nhận ra thiện chí của Anh. Hành động này là để cho Hitler và Đức Quốc xã thấy họ không phải kẻ ngoài lề ở châu Âu vào thời điểm đó, và là bàn đạp cho chuyến thăm Đức của ông Chamberlain vào cuối năm 1938. Như thế, nó mở đường cho thỏa thuận hòa bình của Chamberlain với Đức nhằm ngăn chặn Đức bành trướng ra lục địa châu Âu, nhưng lại tạo điều kiện cho Đức xâm lược Tiệp Khắc.
Và vậy là trận đấu giao hữu giữa hai đội vào năm 1938 được ấn định. Một kết quả tốt có thể tạo danh tiếng đáng kể cho chế độ Quốc xã vốn rất coi trọng hình ảnh trong nước và quốc tế của mình. Đại sứ Anh tại Béclin Nevile Henderson chỉ ra: “Đức Quốc xã đang tìm kiếm chiến thắng để đẩy mạnh chế độ của họ. Đó là cách để họ khẳng định chủng tộc siêu đẳng”.
Các nhà chức trách và giới truyền thông Đức tin tưởng vào chiến thắng của đội nhà, đặc biệt vì thành tích không mấy ấn tượng của Anh kể từ sau trận đấu năm 1935. Anh thua 4 trận và hòa 1 trận trong năm 1936, trong khi Đức đã bất bại trong 14 trận kể từ tháng 10 năm đó. Đội tuyển Đức được bổ sung các cầu thủ giỏi người Áo, được tập luyện hai tuần ở Rừng Đen và được truyền thông theo sát. Tổng lãnh sự Anh báo cáo rằng, người Đức tin họ ít nhất sẽ thi đấu ngang bằng với đối thủ, vốn có danh tiếng quốc tế cao gấp nhiều lần.
Hiểu được tầm quan trọng lớn của cuộc chạm trán, Robert Vansittart, Trưởng Cố vấn của Bộ Ngoại giao Anh đã liên lạc với Tổng thư ký Liên đoàn Bóng đá Anh Stanley Rous để nhấn mạnh rằng vì uy tín của đất nước, đội bóng phải thể hiện một màn trình diễn hạng nhất. Do đó, Liên đoàn Bóng đá Anh chú trọng chuẩn bị một cách khác thường, gồm cả việc gây sức ép lên các câu lạc bộ “nhả” cầu thủ cho đội tuyển quốc gia. Tuy thế, Anh đã không có đợt tập luyện đặc biệt nào như Đức.
Trần Anh
Đón đọc kỳ cuối: Không đơn thuần là một cuộc chơi