Cuốn sách: Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm là tập hợp những bài viết của những phóng viên phương Tây với những quan điểm khác nhau, những cách tiếp cận khác nhau nhưng đều mang tính thời sự sâu sắc vào thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam.
Chúng tôi xin giới thiệu 2 trích đoạn trong cuốn sách của hai nhà báo Erik Erikson và Robert Alexander.
Người Bắc, hay người Nam Việt Nam? Là người Việt Nam! Từ Hà Nội đi về phía Nam
Họ hành quân không theo nhịp bước, những chàng trai trong quân phục màu xanh lá cây, đi thành hàng dài trên đường phố Hà Nội. Họ vác súng trên lưng hoặc mang trên tay. Một số này mang vũ khí thông thường, số khác mang vũ khí hạng nặng tự động.
Tất cả đều mang ba-lô. Từ vai trở xuống đến thắt lưng, họ đeo bao gạo dạng ruột ngựa, đó là lương thực của người lính.
Nhân dân Sài Gòn ra đường đón chào quân giải phóng ngày 30/4/1975. Ảnh: Vũ Tạo- TTXVN |
Họ còn thiếu tính kỷ luật mà chúng tôi thường hình dung đến điều lệnh quân ngũ.
Họ hành quân không theo nhịp bước.
Nhưng kỷ luật của họ lại biểu hiện ở chỗ: không bao giờ họ hỏi đích đến ở đâu.
Đây là Hà Nội, mùa thu năm 1972. Tương tự như vậy diễn ra vào mùa xuân 1975 khi tôi được gặp lại họ.
Và nếu tôi hỏi các chàng trai, họ hành quân về đâu? Họ trả lời: Họ trên đường ra mặt trận.
“Và mặt trận ở đâu ?”
“Ở đó, nơi chúng tôi chiến đấu chống quân thù.”
“Ở miền Nam hay miền Bắc ?”
“Ở khắp nước Việt Nam”.
Thỉnh thoảng có một cô gái trẻ hay một bà mẹ gặp tôi, nói rằng:”Con trai tôi đang ở miền Nam, chiến đấu chống quân ngụy. Chiến thắng, con tôi sẽ về nhà”. Nhưng không phải tất cả đều trở về nhà. Nhiều người đã nằm lại đó. Bao nhiêu người đã ngã xuống, chúng tôi chưa thể biết được.
... Nhưng họ, các chiến sĩ, từ đâu đến: từ miền Bắc hay miền Nam? “Rất nhiều trong chúng tôi - từ miền Bắc đến, có gia đình ở miền Nam”, một người cán bộ của Chính phủ Cách mạng lâm thời đã nói với chúng tôi. Những người khác - sống ở miền Nam, nhưng có họ hàng ở miền Bắc. “Sự chia cắt Bắc - Nam Việt Nam, điều đó không liên quan đến chúng tôi. Chúng tôi chỉ có một đất nước Việt Nam”, một anh khác nói tiếp.
Các nhà báo nước ngoài có mặt ở Sài Gòn ghi lại tư liệu về các chiến sĩ giải phóng tấn công Dinh Độc Lập. Ảnh: Quang Thành - TTXVN |
... Ngày 29/4, tôi xem phóng sự truyền hình về cuộc di tản của người Mỹ ở Sài Gòn. Cảnh hỗn loạn và kinh hoàng. Nhiều người tin Sài Gòn sẽ bị tàn phá.
Ngày 30/4, tất cả đã trôi qua. Ngọn cờ Chính phủ Cách mạng lâm thời bay phấp phới trên dinh tổng thống tại Sài Gòn.
... Họ bắt đầu đi tìm người thân ở Sài Gòn. Tôi lần lượt hỏi tất cả họ - những người đã cùng tôi từ Hà Nội bay vào đây - liệu có tìm được những người họ đi tìm không.
Nhà báo Đức Boris Galas (Borries Gallasch), biên tập viên báo Spiegel, có mặt tại Dinh Độc Lập (nay là Hội trường Thống Nhất) trong cả buổi sáng ngày 30/4/1975. Ông là nhân chứng lịch sử được tận mắt chứng kiến và tác nghiệp trong giờ phút cáo chung của chế độ Sài Gòn, trong niềm vui toàn thắng của dân tộc Việt Nam. Boris Galas đã kịp thời tập hợp những bài viết của các đồng nghiệp là những phóng viên phương tây với những quan điểm khác nhau, những cách tiếp cận khác nhau nhưng đều mang tính thời sự sâu sắc vào thời điểm kết thúc cuộc chiến tranh để hình thành cuốn sách: Thành phố Hồ Chí Minh - Giờ khắc số 0 - Những phóng sự về kết thúc cuộc chiến tranh 30 năm. Bốn tháng sau Giờ khắc số 0, tháng 9/1975, cuốn sách đã được xuất bản ở Hamburg (Đức). Sau đó Boris Galas cũng đã có dịp trở lại Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh kiểm chứng những chiêm nghiệm của mình trong thời khắc lịch sử năm xưa. |
Một anh cán bộ từ Hà Nội vào kể rằng anh đã tìm được người cha. Người cha đã trên 70 tuổi. Ông có một chiếc xe chevrolet và một chiếc vespa. Cùng ở với cha có một người em trai của cán bộ từ Hà Nội vào. Người em trai là sĩ quan quân đội Sài Gòn. Một chị từ Hà Nội vào đã tìm được người dì ruột. Một người cán bộ đảng cao cấp đã tìm được người em trai của mình.
Đối với nhiều người Việt Nam, việc gặp lại người thân trong gia đình là một trong những thành quả quan trọng nhất của hòa bình, đối với họ việc tái thống nhất coi như đã bắt đầu.
Hoàn toàn đúng. Đất nước cần phải tái thống nhất. Thậm chí Hoa Kỳ cũng đã đồng ý sự tái thống nhất đất nước - nêu trong những hiệp định trang trọng.
Người ta có thể nhận định, rằng chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam đã giành thắng lợi. Đó là điều không phải không đúng.
Có thể người ta tiến gần hơn đến chân lý nếu nói rằng xã hội Việt Nam đã thắng.
Erik Eriksson, Phóng viên quay phim của Đài Truyền hình Thụy Điển
Những đôi dép Hồ Chí Minh tại Sài Gòn
... Trước đây một tuần lễ trên đường phố Sài Gòn đã có tiếng súng. Sự sợ hãi lan tràn. Những chiếc xe tăng chạy trước dinh Tổng thống. Ngày nay cả một biển người với hàng vạn cái đầu đang vẫy cờ trong khu vườn và công viên trước Dinh Thống Nhất với bức chân dung Hồ Chí Minh. Những cô gái học sinh trong bộ áo dài trắng với chiếc nơ đỏ lấp lánh vẫy cờ xanh đỏ và ngôi sao vàng của mặt trận giải phóng. Phụ nữ mang theo biểu ngữ có dòng chữ Hòa bình; Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người ta nhìn thấy chiến sĩ quân giải phóng, trước đây là những chiến sĩ du kích trong rừng sâu với bộ bà ba màu đen. Những cô thiếu niên mang khăn quàng đỏ tay ôm những bó hoa chạy lên tiền sảnh của Dinh chào mừng và tặng các vị đại diện Ủy ban quân quản Thành phố Hồ Chí Minh. Ủy ban này thực hiện chức năng chính quyền tại Sài Gòn, Chính phủ cách mạng lâm thời chưa đặt trụ sở tại thành phố. Cho đến giờ vẫn chưa có một quyết định chính trị quan trọng nào.
Một tuần sau khi sự đầu hàng vô điều kiện của chế độ cũ, cơn ác mộng đã trôi qua, cơn hoảng loạn và sợ hãi đã biến mất. Sài Gòn bên ngoài vẫn như xưa. Đường phố đầy xe honda, những anh chàng tóc dài ngồi uống trong các tiệm cà phê, cánh nhà báo lại uống những thức uống quen thuộc của họ trên tiền sảnh khách sạn Continetal. Những người lính lục quân và hải quân cùng với bộ quân phục của họ cũng đã biến mất trên đường phố. Thay vào đó là những người lính của Mặt trận Giải phóng. Họ ngồi trước những quán giải khát, xung quanh là những thanh niên và người già. Họ kể chuyện cho nhau nghe về những kỷ niệm đã qua.
Trong một cửa hàng bán đồ lưu niệm ở phía bên kia đường vẫn còn bán những cuốn sách giới thiệu phong cảnh và những cái ví bằng da voi. Nhưng chân dung của Bác Hồ có ở khắp mọi nơi. Hàng hóa từ những cửa hàng của Mỹ đã được đem ra bán sau khi những người Mỹ cuối cùng trong tuần trước đã chạy đi. Thương vụ bán cờ xanh đỏ của Mặt trận Giải phóng mới may rất thịnh hành. Thợ đóng giày làm ra một mặt hàng đặt biệt: đôi dép cao su Hồ Chí Minh làm từ lốp xe cũ và được bày bán trên đường phố”.
Robert Alexander- Báo Die Welt ngày 10/5/1975
TS. Ngô Vương Anhtuyển chọn và giới thiệu