Allan Pinkerton qua đời ngày 1/7/1884, không lâu sau sinh nhật thứ 65 của ông. Ông bị trượt chân trên đường phố ở Chicago, cằm đập xuống vỉa hè khiến ông cắn phải lưỡi. Vết thương hóa ra nghiêm trọng và khiến ông bị hoại thư. Ông yên nghỉ trong nghĩa trang nổi tiếng Graceland ở Chicago, bên cạnh người vợ của ông.
Những quy tắc đạo đức trong nghề thám tử mà Allan để lại luôn được hai con trai thực hiện một cách trung thành khi tiếp quản công ty thám tử quốc gia Pinkerton của cha. Những tên tội phạm thời hiện đại cho rằng chỉ có một cách duy nhất để thoát khỏi các thám tử Pinkerton là ra nước ngoài. Tuy nhiên, các thám tử Pinkerton cũng không ngần ngại theo chân chúng, cho dù chúng có đi khắp thế giới. Hai trong số những tội phạm nổi bật trong thời kỳ này là Maximilian Shinburn và Adam Worth.
Shinburn, một kẻ lừa đảo và cướp ngân hàng đã từ Mỹ trốn sang châu Âu. William Pinkerton đã đích thân theo chân hắn khắp châu Âu nhưng không thể trực tiếp tóm hắn do sự khác biệt về luật pháp. Anh đã phải phối hợp với chính quyền sở tại để tìm cách dẫn độ Shinburn về Mỹ.
Tuy nhiên, tên tội phạm Worth lại thoát khỏi sự truy lùng của William tới 30 năm trời. Sau khi cướp 1 triệu USD của ngân hàng Boylsston ở Boston năm 1869, Worth trốn tới Liverpool (Anh) rồi Pari (Pháp) rồi lại về Luân Đôn (Anh). Hắn làm giám đốc một số công ty bất hợp pháp ở Anh và khắp châu Âu.
Hắn thực hiện đủ mọi hình thức trộm cắp, từ giả mạo séc, lừa đảo, cướp bưu kiện, cướp kim cương, đột nhập… rồi trở thành kẻ rửa tiền và che giấu cho những tên tội phạm khét tiếng nhất châu Âu. Năm 1876, chính hắn đã chủ mưu vụ đánh cắp bức tranh nổi tiếng "Duchess of Devonshire" của họa sĩ Thomas Gainsborough được trưng bày tại một phòng tranh ở Luân Đôn.
Tuy nhiên, William Pinkerton lại có một cảm tình đặc biệt với Worth vì hắn không bao giờ dùng súng đạn và chưa bao giờ hại ai trong cuộc đời trộm cắp. William nhận thấy Worth là một người thông minh và nếu có một khởi đầu khác thì hắn đã trở thành một doanh nhân thành đạt.
Phối hợp với cảnh sát Pari và Luân Đôn, William luôn theo sát từng hành động của Worth. Năm 1891, Worth bị bắt ở Bỉ vì trộm cắp. Trong quá trình thẩm vấn, cảnh sát Bỉ, Anh và Pháp tìm mọi thông tin có liên quan với hi vọng có thể bắt Worth ngồi tù lâu dài. Tuy nhiên, anh em nhà Pinkerton lại không cung cấp thông tin cho cảnh sát nước ngoài, dù họ có những chứng cứ khiến Worth có thể bị treo cổ.
Sau gần 10 năm ngồi tù, Adam Worth quay trở lại Mỹ, bất ngờ ghé thăm William Pinkerton ở văn phòng Chicago. Hắn ta cảm kích trước sự độ lượng của William và muốn trả ơn.
Lúc đó, công ty Pinkerton đang bị báo chí chỉ trích mạnh mẽ sau khi đồng ý giúp công ty Carnegie hòa giải một cuộc biểu tình của người lao động ở Homestead, Pennsylvania. Tuy nhiên, cuộc biểu tình nhỏ đã biến thành sự việc lớn khi một số người lao động nổ súng bắn những thám tử Pinkerton. Người của cả hai bên đều thiệt mạng trong vụ hỗn độn nhưng báo chí và tất cả các tổ chức lao động đều chĩa mũi nhọn vào công ty Pinkerton, cho rằng họ đã phản bội lại người dân lao động và bảo vệ tầng lớp chủ tập đoàn. Sau nhiều thập kỷ được công chúng trân trọng, uy tín của công ty Pinkerton chợt giảm sút mạnh.
Worth cho rằng đã đến lúc thế giới cần nhớ lại những công lao của Pinkerton. Hắn nói với thám tử William rằng hắn muốn trả lại bức tranh "Duchess of Devonshire" cho người chủ hợp pháp nhưng chỉ với điều kiện William làm trung gian. Worth muốn thám tử William giải quyết vụ trộm tranh do hắn thực hiện từ năm 1876 để bày tỏ sự cảm kích trước lòng tốt của William.
Sau đó không lâu, báo chí rầm rộ đưa tin về việc công ty Pinkerton giải quyết thành công vụ trộm tranh và thông qua các nỗ lực ngoại giao đưa bức tranh trở về Luân Đôn. Báo chí lại hết lời ca ngợi sự thông minh, ý chí quyết tâm và đạo đức của công ty thám tử lâu đời nhất nước Mỹ. Vậy là "đứa con" mà Allan Pinkerton nuôi dưỡng hết lòng khi còn sống đã được nước Mỹ nhớ tới với những điều tốt đẹp nhất.
Robert mất năm 1907, William mất năm 1923. Nối nghiệp họ là Allan, con trai của Robert - người đã dẫn dắt công ty Pinkerton cho đến khi ông qua đời năm 1930. Người cuối cùng thuộc dòng họ Pinkerton làm chủ công ty thám tử là Robert II, chắt của Allan Pinkerton. Sau này, công ty thám tử đã trở thành một tập đoàn. Trong suốt thời gian qua, khi Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) được thành lập và các cơ quan thực thi pháp luật khác cũng mạnh dần lên, nhiệm vụ săn đuổi tội phạm của công ty Pinkerton không còn cần thiết như trước nữa. Thay vào đó, công ty Pinkerton chuyển sang lĩnh vực an ninh. Các thám tử thay vì truy lùng tội phạm khắp nơi đã dành thời gian điều tra các vụ gian lận bảo hiểm, và cung cấp dịch vụ an ninh 24/24 giờ cho các tập đoàn lớn.
Tháng 3/1999, Pinkerton sáp nhập và trở thành chi nhánh của công ty an ninh lớn nhất thế giới Securitas AB ở Xtốckhôm (Thụy Điển). Ở nơi chín suối, Allan Pinkerton hẳn cũng hài lòng với di sản mà ông đã dày công gây dựng.
Thùy Dương