Quá trình Việt Nam khai phá, xác lập chủ quyền

Lịch sử Việt Nam được mở đầu bằng sự ra đời của 3 vương quốc cổ đại đầu tiên là nước Văn Lang - Âu Lạc ở miền bắc, nước Lâm Ấp - Chămpa ở miền trung và nước Phù Nam ở miền nam. Các vương quốc này cùng có chung một dải Biển Đông, đều tự nhận nguồn gốc biển của mình và trong thực tế biển đã giữ vai trò hết sức quan trọng trong đời sống kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, thậm chí quyết định sự hưng thịnh hay suy tàn của mỗi vương quốc.

Nguồn gốc biển

Lịch sử Việt Nam do được tích hợp ít nhất từ 3 dòng như trên nên tuy mỗi khu vực vẫn bảo tồn những nét truyền thống riêng, nhưng cũng sớm định hình một xu thế thống nhất của một dòng chảy chủ đạo, với một quy luật vận động riêng, trong đó năng lực khai chiếm các vùng biển đảo trở thành thước đo sức mạnh và vị thế của một vương triều hay một thời đại.

Huyền thoại khởi nguyên luận của người Việt là truyền thuyết về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam với sự “kết duyên” của hai giống Tiên - Rồng: Tiên là Âu Cơ thuộc Lục quốc ở trên cạn và Rồng là Lạc Long Quân, thuộc Thủy quốc ở miền duyên hải, hải đảo. Trên vùng biển đảo Đông Bắc đã sớm hình thành và phát triển nền văn hóa của cư dân khai thác biển - Văn hóa Hạ Long thuộc Hậu kỳ thời đại Đồ Đá mới. Đây là dòng văn hóa bản địa góp phần tạo thành nền văn minh Việt cổ và tô đậm thêm yếu tố biển trong nền văn minh Việt Nam.

Tàu Kiểm ngư Việt Nam thực thi pháp luật trên vùng biển Hoàng Sa. Ảnh: Hữu Trung - Công Định - TTXVN


Vùng biển tiếp nối về phía nam là biển Chămpa cổ truyền. Sở hữu một dải đồng bằng chân núi nhỏ hẹp, lại bị cắt khúc bởi hệ thống đèo ngang hiểm trở nên vươn ra khai thác biển là con đường tồn tại và phát triển của cộng đồng Chămpa. Nhiều bản đồ hàng hải phương Tây hồi cuối thế kỷ XVI, trong đó tiêu biểu là bản đồ của nhà Địa lý học Hà Lan G. Mercator đã đánh dấu ở khu vực các quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa (khi đó được gọi chung là Pracel hay Paracels) cái tên hết sức có ý nghĩa là Baxos de Chapar (bãi đá ngầm Chămpa) và Pulo Capaa (đảo của Chămpa). Thừa nhận mối quan hệ mật thiết giữa vùng biển đảo ở ngoài khơi với khu vực ven bờ thuộc vương quốc Chămpa trước đây, các tấm bản đồ của Bartholome Lasso và anh em Van Langren đã vẽ một cách rõ ràng và chính xác các quần đảo Pracel (Paracels) và khu vực duyên hải tỉnh Quảng Ngãi sau này là Costa da Pracel hay Costa de Pracel (Bờ biển Hoàng Sa).

Xác lập chủ quyền

Từ năm 1069 đến năm 1402, trải qua các triều Lý, Trần, Hồ, địa giới của Đại Việt từng bước được mở rộng xuống phía nam. Năm 1428, sau thắng lợi trọn vẹn của cuộc kháng chiến chống Minh, thu hồi toàn bộ lãnh thổ bị quân Minh chiếm đóng, vương triều Lê có điều kiện thúc đẩy nhanh hơn công cuộc nam tiến.

Năm 1471 Lê Thánh Tông mở rộng lãnh thổ của quốc gia Đại Việt cho đến đèo Cù Mông và vùng duyên hải được kéo dài đến Phan Rang. Năm 1490 ông cho hoàn thành bộ Hồng Đức bản đồ, tích hợp tất cả các vùng đất liền và biển đảo vào lãnh thổ Đại Việt và đánh dấu địa danh “Bãi Cát Vàng” (Hoàng Sa), vừa khẳng định sự tiếp nối truyền thống khai thác biển đảo của các vương triều Chămpa trước đây, vừa thể hiện ý chí muốn vươn ra khai chiếm toàn bộ vùng biển đảo quan trọng này.

Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đầu thế kỷ XVII phát triển thương cảng Hội An, đẩy mạnh giao thương quốc tế, mở rộng lãnh thổ xuống miền Đông Nam Bộ, đặt ra đội Hoàng Sa khai thác và quản lý khu vực Bãi Cát Vàng và một phần Bãi Cát Dài (Trường Sa hải chử) ở phía nam. Chúa Nguyễn Phúc Chu cuối thế kỷ XVII và đầu thế kỷ XVIII chính thức xác lập quyền quản lý về mặt nhà nước đối với khu vực miền Đông Nam Bộ, lấy Sài Gòn, Gia Định làm trung tâm thu hút các nguồn lực và làm bàn đạp tiến ra chiếm lĩnh các vùng biển đảo ở khu vực nam Biển Đông và vịnh Thái Lan. Năm 1702 quân Anh bất ngờ đánh chiếm đảo Côn Lôn, xây dựng thành căn cứ kiên cố, âm mưu chiếm đóng lâu dài. Tháng 10 năm 1703, Trấn thủ dinh Trấn Biên theo lệnh của chúa Nguyễn Phúc Chu đã đánh đuổi quân Anh ra khỏi Côn Lôn, giành lại chủ quyền biển đảo.

Năm 1708, Mạc Cửu đem toàn bộ vùng đất Hà Tiên dâng cho chúa Nguyễn và được chúa Nguyễn Phúc Chu giao cho chức Tổng binh cai quản trấn Hà Tiên. Năm 1711, Tổng binh trấn Hà Tiên Mạc Cửu được chúa Nguyễn Phúc Chu hậu thưởng và giao cho tổ chức khảo sát đo vẽ quần đảo Trường Sa.
Như vậy đến đầu thế kỷ XVIII, chủ quyền Việt Nam đã mở rộng đến tận Hà Tiên và mũi Cà Mau, bao gồm cả các hải đảo ngoài Biển Đông và vịnh Thái Lan. Lúc này, bên cạnh đội Hoàng Sa trấn giữ các quần đảo giữa Biển Đông, chúa Nguyễn Phúc Chu còn đặt ra đội Bắc Hải (dưới sự kiêm quản của đội Hoàng Sa) có trách nhiệm khai thác hóa vật, kiểm tra, kiểm soát thực thi chủ quyền của Việt Nam ở khu vực “các xứ Bắc Hải, cù lao Côn Lôn và các đảo ở Hà Tiên”.

Thực thi quyền làm chủ

Năm 1802, Nguyễn Ánh (Gia Long) đánh bại Tây Sơn, thiết lập vương triều Nguyễn, cai quản một nước Việt Nam thống nhất và rộng dài như ngày nay. Năm 1803, ông cho tái lập các đội Hoàng Sa, Bắc Hải và đặt trong cơ cấu tổ chức chung của các đội Trường Đà, có chức năng khai thác và quản lý toàn bộ khu vực Biển Đông. Đặc biệt trong các năm 1815, 1816, vua Gia Long liên tục tổ chức các hoạt động thăm dò đường biển, triển khai các hoạt động thực thi chủ quyền một cách kiên quyết và đồng bộ ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Hoạt động chủ quyền của vua Gia Long ở Hoàng Sa và Trường Sa đã được nhiều người phương Tây đương thời chứng kiến và đề cao. Giám mục Jean Louis Taberd trong Ghi chép về địa dư xứ Đàng Trong cho biết: “Quần đảo Pracel hay Paracels là một khu vực chằng chịt những hòn đảo nhỏ, đá ngầm và bãi cát.... Những người dân xứ Đàng Trong gọi khu vực đó là Cồn Vàng... Vào năm 1816, nhà vua đã tới long trọng cắm lá cờ của mình và đã chính thức giữ chủ quyền ở các bãi đá này, mà chắc chắn là sẽ không có một ai tìm cách tranh giành với ông ta". Ông còn cho xuất bản cuốn Từ điển La Tinh An Nam và kèm theo tấm bản đồ An Nam đại quốc họa đồ, trong đó có vẽ một cụm các đảo nhỏ với dòng chữ “Paracel Seu Cát Vàng”, khẳng định một cách mạnh mẽ Paracel hay Bãi Cát Vàng thuộc vào bản đồ Việt Nam.

Các đội Hoàng Sa, Bắc Hải hoạt động mạnh và hiệu quả dưới thời Gia Long cho đến đầu thập kỷ 20 của thế kỷ XIX thì được tích hợp vào đội Thủy quân của triều đình Minh Mệnh.

Vua Minh Mệnh đã đẩy hoạt động chủ quyền ở Hoàng Sa và Trường Sa lên đỉnh cao nhất so với tất cả các triều đại quân chủ Việt Nam trước và sau ông với các hình thức và biện pháp như vãng thám, kiểm tra, kiểm soát, khai thác hóa vật và hải sản, tổ chức thu thuế và cứu hộ tàu bị nạn, khảo sát đo vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, trồng cây để cho người qua lại dễ nhận biết... Lực lượng được ông điều động ra làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, Trường Sa lúc này không chỉ có Thủy quân mà còn có cả Vệ giám thành, Biền binh, binh đinh, dân phu. Mỗi chuyến ra đi như thế đều có quyết định của triều đình và nhiều khi chính nhà vua trực tiếp quyết định việc có cho thuyền ra khơi ngay hay tạm dừng lại. Sau khi kết thúc công việc ngoài biển khơi, thuyền phải chạy thẳng về Huế để báo cáo tình hình, khai nộp hóa vật, hải vật. Nhà vua thông qua Bộ Công kiểm tra, đánh giá, luận công, định tội, thưởng phạt nghiêm minh.

Phù hợp luật pháp quốc tế

Các nguồn tư liệu Việt Nam (ở trung ương và các địa phương, thuộc Nhà nước và trong dân gian) cùng với thư tịch và bản đồ cổ của Trung Quốc, phương Tây và các nước có liên quan đều thống nhất xác nhận một thực tế hiển nhiên quá trình từng bước nhận thức và khai chiếm Biển Đông của Việt Nam, đặc biệt trong nhiều thế kỷ liên tục các nhà nước quân chủ Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền của mình ở Hoàng Sa và Trường Sa một cách thực sự, đầy đủ, trọn vẹn trong hòa bình và không hề gặp phải sự phản đối hay tranh chấp của bất cứ một quốc gia nào. Đây là hình thức thiết lập chủ quyền của Nhà nước trên một lãnh thổ vô chủ, hoàn toàn không có liên quan gì đến chủ quyền của quốc gia khác, nhằm mục đích mở rộng lãnh thổ quốc gia, hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thụ đắc lãnh thổ của luật pháp quốc tế.

Năm 1909, lợi dụng hoàn cảnh Việt Nam đang bị mất chủ quyền về tay Pháp và Pháp lại chưa có điều kiện với tay đến các vùng biển đảo xa xôi của vương quốc An Nam, Trung Quốc tự cho mình là kẻ “khai sơn phá thạch”, tùy tiện đặt tên mới và tuyên bố chủ quyền ở quần đảo Tây Sa (là quần đảo Hoàng Sa đã thuộc chủ quyền của Việt Nam từ mấy trăm năm trước), mở đầu giai đoạn tranh chấp, tranh biện trên Biển Đông kéo dài hơn một thế kỷ nay. Nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, trung thực, có trách nhiệm và lương tâm, đánh giá đúng lịch sử khai phá, xác lập và thực thi chủ quyền cho đến trước thời điểm xảy ra tranh chấp, tranh biện sẽ là cơ sở lịch sử và pháp lý quan trọng nhất để hướng tới giải quyết tranh chấp chủ quyền ở Hoàng Sa, Trường Sa theo nguyên tắc cơ bản của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) cũng như góp phần xây dựng Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý.


GS.TS Nguyễn Quang Ngọc

Trận chiến Hoàng Sa và dư luận quốc tế
Trận chiến Hoàng Sa và dư luận quốc tế

Thấm thoắt 40 năm đã trôi qua, lớp bụi thời gian đã phần nào làm lu mờ sự kiện hải quân Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam vào tháng 1/1974, song quá khứ đau thương mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc về một Hoàng Sa của Việt Nam bị kẻ thù chiếm đóng trái phép.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN