Những vụ bê bối chôn vùi 166 năm lịch sử của ngân hàng Credit Suisse - Kỳ 1

Ngân hàng lớn thứ hai Thụy Sĩ Credit Suisse, từng là một trong những trụ cột của hệ thống tài chính toàn cầu, giờ đã không còn tồn tại nữa.

Kỳ 1: Một biểu tượng lớn sụp đổ

Theo Bloomberg, sau các cuộc đàm phán căng thẳng vào cuối tuần, Ngân hàng UBS lớn nhất Thụy Sĩ đã đồng ý mua Credit Suisse trong một thỏa thuận trị giá khoảng 3,25 tỷ USD, thấp hơn giá trị thị trường của Ngân hàng First Republic đang gặp khó khăn của Mỹ. Vụ mua bán trên do chính phủ Thụy Sĩ làm trung gian, cho thấy ngân hàng Thụy Sĩ này đã đánh mất địa vị, không chống chọi được với cuộc khủng hoảng niềm tin có nguy cơ lan rộng ra thị trường tài chính toàn cầu.

Chú thích ảnh
Biểu tượng của Credit Suisse và UBS. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 166 năm lịch sử, Credit Suisse đã giúp Thụy Sĩ trở thành trụ cột của nền tài chính quốc tế và có vị thế ngang hàng với những ngân hàng lớn ở Phố Wall, nhưng sau đó đã liên tiếp xảy ra các vụ bê bối, các vấn đề pháp lý và biến động quản lý làm xói mòn niềm tin của nhà đầu tư. Mặc dù tình trạng mục nát đã kéo dài nhiều năm, nhưng cái kết lại xảy ra nhanh chóng.

Từ vụ sụp đổ của Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB) ở Mỹ vào cuối tuần trước, Credit Suisse, từ lâu đã gặp nhiều vấn đề, nhanh chóng trở thành tâm điểm của sự chú ý. Sau khi cổ đông hàng đầu là Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia tuyên bố rằng họ sẽ hoàn toàn không đầu tư thêm vào ngân hàng này, tình trạng hỗn loạn đã diễn ra.

Khoản hỗ trợ tài chính trị giá 54 tỷ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ (SNB, ngân hàng trung ương Thuỵ Sỹ) – được chốt ngay trong đêm 16/3 để xoa dịu những người lo lắng – đã không trở thành cứu cánh thực sự mà Credit Suisse đã hy vọng. Khi lĩnh vực ngân hàng của Thụy Sĩ đang gặp rủi ro, chính quyền nước này đã can thiệp để biến UBS trở thành một người giải cứu bất đắc dĩ.

Bộ trưởng Tài chính Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter cho biết trong một cuộc họp báo ở Bern ngày 20/3 rằng chính phủ Thụy Sĩ rất tiếc vì Credit Suisse đã không thể vượt qua những khó khăn của chính mình và đó sẽ là giải pháp tốt nhất. Ông nói: “Thật không may, không thể ngăn chặn tình trạng mất niềm tin từ thị trường và khách hàng được nữa”.

Được coi là một trong 30 ngân hàng quan trọng trong hệ thống của thế giới, Credit Suisse là nạn nhân lớn nhất của xáo trộn tài chính do các ngân hàng trung ương gây ra khi họ thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế lạm phát. Mặc dù vẫn còn mối lo khủng hoảng lây lan sang những ngân hàng khác, nhưng việc UBS mua lại Credit Suisse đã tránh được tình trạng sụp đổ hỗn loạn.

Trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 mà Credit Suisse vẫn sống sót dù không cần gói cứu trợ, không giống như nhiều ngân hàng cùng ngành, ngân hàng Thụy Sĩ này có tài sản trị giá hơn 1.000 tỷ USD, nhưng sau nhiều năm suy giảm, tài sản đã giảm xuống còn khoảng 580 tỷ USD, gần bằng một nửa tài sản của UBS.

Chủ tịch UBS là ông Colm Kelleher, người sẽ vẫn giữ vai trò này sau vụ USB mua lại Credit Suisse, cho biết: “Chúng tôi xin nói rõ, liên quan tới Credit Suisse, đây là một cuộc giải cứu khẩn cấp”.

Còn trong cuộc phỏng vấn trên đài SRF ngày 20/3, Giám đốc điều hành UBS Ralph Hamers cho rằng UBS có thể quản lý được những rủi ro sau vụ thâu tóm Credit Suisse. Ông cũng thông báo rằng trong bước tiếp theo, UBS sẽ cải cách ngân hàng đầu tư của Credit Suisse thành một ngân hàng đầu tư giống như của UBS để tránh gặp quá nhiều rủi ro.

Giám đốc điều hành UBS khẳng định thương vụ thâu tóm mới nhất giúp đem lại sự ổn định và đảm bảo cho các khách hàng của Credit Suisse, cũng như duy trì danh tiếng của trung tâm tài chính của Thụy Sĩ này. Hiện UBS chưa có kế hoạch cụ thể về việc sa thải nhân viên tại Credit Suisse.

Chú thích ảnh
Một chi nhánh ngân hàng Credit Suisse tại Lucerne, Thụy Sĩ, ngày 13/2/2023. Ảnh: THX/TTXVN

Đối với Thụy Sĩ, đòn giáng liên quan Credit Suisse có thể là rất lớn. Là nơi có 243 tập đoàn ngân hàng và 24 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, sự ổn định và giàu có của đất nước này chủ yếu phụ thuộc vào ngành tài chính. Tài sản kết hợp của UBS và Credit Suisse gần gấp đôi quy mô tổng sản phẩm quốc nội của Thụy Sĩ. Các tờ báo nước này tràn ngập những câu chuyện về sự suy tàn tiềm ẩn của ngành ngân hàng - một biểu tượng quốc gia.

Trong lịch sử của mình, Credit Suisse đã tài trợ cho các tuyến đường sắt Alpine và quá trình phát triển của Thung lũng Silicon. Ngân hàng này trông giữ tài sản của Hoàng gia Saudi Arabia và các nhà tài phiệt Nga, giành lợi thế với các ngân hàng Mỹ, nhưng đã phải chật vật kiểm soát rủi ro.

Trong những năm gần đây, Credit Suisse phải liên tục thay đổi quản lý cấp cao, mỗi lần thay đổi lãnh đạo lại tạo thêm áp lực lên hiệu quả hoạt động. Cổ phiếu đã giảm hơn 95% giá trị so với mức đỉnh trước khủng hoảng tài chính năm 2008 và ngân hàng này được định giá chỉ 7,4 tỷ franc Thụy Sĩ (8 tỷ USD) vào cuối ngày 17/3 - chưa bằng 1/10 giá trị của Goldman Sachs.

Trong phiên giao dịch trước giờ mở cửa tại Zurich ngày 20/3, giá cổ phiếu của Credit Suisse đã mất 61,95% giá trị.

Chuyên gia phân tích cấp cao của Ngân hàng Swissquote Ipek Ozkardeskaya cho rằng các giờ giao dịch tiếp theo sẽ cho thấy rõ hơn liệu cuộc khủng hoảng này đã được ngăn chặn hay chưa. Theo chuyên gia này, cuộc khủng hoảng của Credit Suisse sẽ không kéo dài bởi điều gây ra cơn “địa chấn” gần đây đối với Credit Suisse là cuộc khủng hoảng niềm tin, vốn không liên quan đến UBS. Bên cạnh đó còn có khả năng thanh khoản dồi dào và đảm bảo của SNB và chính phủ Thuỵ Sỹ.

Đón đọc kỳ cuối: Các thương vụ rắc rối

Thùy Dương/Báo Tin tức (Theo Bloomberg)
Tiết lộ kế hoạch bí mật giải cứu ngân hàng Credit Suisse
Tiết lộ kế hoạch bí mật giải cứu ngân hàng Credit Suisse

Không hề bất ngờ như cuộc họp báo thông báo USB mua lại Credit Suisse gây chấn động toàn cầu, giới tinh hoa chính trị của Thụy Sĩ đã bí mật chuẩn bị cho động thái này trong vài ngày trước đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN