Thế nào là một em bé “hoang dã”? Đó là những em nhỏ bị bỏ rơi hoặc bị cách ly với xã hội loài người, các em bị mất hoặc giảm khả năng tương tác hoàn cảnh và khả năng giao tiếp. Những đứa trẻ này dường như không có chút ý niệm vào về các kỹ năng giao tiếp xã hội, dù chỉ đơn giản như là hành vi nói. Dưới đây là câu chuyện về những đứa trẻ “hoang dã” được nhiều người trên thế giới biết đến.
Genie, nạn nhân của tệ cách ly xã hội
Trong suốt 13 năm, Genie, cô bé người Mỹ, bị nhốt trong phòng. Cô bé thường bị gắn chặt vào một chiếc ghế hoặc chiếc cũi; có lần thì bị nhốt trong túi ngủ. Kẻ ngược đãi Genie chính là cha em. Ông ta thường “nói chuyện” với cô bé bằng roi và những tiếng gầm gừ, Genie sợ hãi đến mức không cả dám khóc, dám nói. Vì thế, vốn từ vựng của Genie rất nghèo nàn, chỉ vỏn vẹn 20 từ. Ngay từ khi còn rất nhỏ, Genie đã mắc chứng bệnh tự kỷ và mãi đến năm em 13 tuổi (năm 1970), người ta mới phát hiện ra tình cảnh của em. Đến nay, Genie vẫn được xếp là cá nhân bị cách ly xã hội nghiêm trọng nhất.
Sau khi được “giải cứu”, Genie được đưa tới Bệnh viện Nhi Đồng Los Angeles điều trị suốt nhiều năm ròng. Sau lần điều trị, Genie đã có thể trả lời một số câu hỏi với vốn từ vựng hạn hẹp và còn có thể tự mặc quần áo. Tuy nhiên, em vẫn có những hành vi kỳ quặc như cào cấu bất cứ ai đến gần em. Chuyên gia liệu pháp David Rigler và gia đình ông đã điều trị cho Genie trong 4 năm, họ dạy cho em cách thể hiện ngôn ngữ cũng như biểu lộ cảm xúc mà không cần nói. Sau đó, Genie đến sống với mẹ, nhưng lại bị lạm dụng và bị câm lần nữa. Ngày nay, Genie đang sống cô độc đâu đó ở Nam California (Mỹ).
Oxana Malaya sống chung với chó nhà
Năm 1991, Oxana Malaya được người ta tìm thấy trong hình hài của một “người rừng” ở Ucraina. Lúc đó, Oxana mới 8 tuổi, nhưng đã có “thâm niên” 3 năm sống chung với bầy chó.
Em sống trong cũi chó ở sân sau trong vườn nhà mình. Vì sống chung với chó, nên Oxana cũng có những hành vi của loài “cẩu” như sủa, gầm gừ… Em thậm chí còn đi bằng 2 tay, 2 chân như một con chó thực sự và có hành vi đánh hơi khi tìm kiếm thức ăn. Khi nhà chức trách giải cứu cho Oxana, lập tức những con chó sủa ầm ĩ và tìm cách tấn công để “cứu” Oxana; trong khi Oxana cũng gầm gừ và cào cấu rất hung dữ.
Từ chỗ chỉ có thể phản ứng với từ “Có”, Oxana đã học được cách nói chuyện, dù chủ yếu là thông qua ngôn ngữ cơ thể. Ngày nay, Oxana sinh sống tại phòng khám Baraboy ở Odessa, song vẫn có cảm giác gần gũi một cách kỳ lạ khi ở bên những con chó.
Victor bị bỏ rơi trong rừng sâu
Victor - “chú bé người rừng Aveyron” – được người ta nhiều lần nhìn thấy đi lang thang trong cánh rừng ở Saint Sernin sur Rance thuộc miền nam nước Pháp vào các năm 1798 - 1799. Victor từng bị bắt vài lần song đều trốn thoát. Đến ngày 8/1/1800, em lại bị bắt khi đang tìm cách trốn vào rừng. Lúc đó, Victor 12 tuổi. Em không biết nói và cơ thể chằng chịt vết sẹo.
Tin bắt được “người rừng” lan truyền, người ta ùn ùn kéo đến xem Victor. Một giáo sư sinh học là Pierre Joseph Bonnaterre quyết định thẩm tra Victor. Ông cởi hết quần áo của Victor và đưa “người rừng” ra ngoài trời tuyết. Victor nghịch tuyết và chẳng hề tỏ vẻ sợ hãi giá lạnh dù em đang trần truồng. Victor được cho là đã sống trong rừng suốt 7 năm nên có khả năng chống chọi với thời tiết khắc nghiệt.
Người ta đã cố gắng dạy chữ cho Victor nhưng bất thành vì em tiếp thu rất tệ. Cuối cùng, Victor được đưa đến Viện nghiên cứu Sourds-Muets. Cậu sống ở đây cho đến khi qua đời năm 40 tuổi.
Kamala và Amala sống chung với chó sói
Kamala 8 tuổi và Amala mới hơn 1 tuổi rưỡi khi người ta tìm thấy hai chị em trong một hang sói ở Midnapore (Ấn Độ) năm 1920. Trước đó, những câu chuyện kinh dị về “hồn ma sói” râm ran lan khắp cánh rừng là nơi sinh sống của hai chị em và bầy sói. Quá sợ hãi, dân làng đã đề nghị mục sư Joseph Singh ở Reverend giúp đỡ.
Để tìm hiểu xem chuyện gì đang xảy ra, Joseph Singh đã giấu mình trên một cái cây phía trên hang sói và chờ đợi. Rồi ông đã tận mắt nhìn thấy hai sinh vật kỳ lạ từ hang sói bò ra, được ông miêu tả là “hai sinh vật vô cùng xấu xí, chúng có thân và đôi chân như chân người”. Joseph Singh nhận ra đó là hai bé gái đi bằng 4 chân và không có hành vi của con người. Joseph Singh quyết định bắt lấy 2 “công chúa sói”.
Hai em bé thường cuộn tròn vào nhau khi ngủ, gầm gừ, cắn xé tan nát quần áo và ăn chủ yếu thịt sống. Các dây chằng và khớp nối ở tay và chân của hai em bị rút ngắn khiến các em không thể đứng thẳng. Giác quan của hai chị em khá hoàn hảo; các em có thể nghe, nhìn và phân biệt mùi rất tốt. Cô em Amala sau đó đã chết do lây bệnh từ chị. Joseph Singh nghĩ rằng cô chị Kamala cũng sẽ chết nhưng điều kỳ diệu đã xảy ra. Kamala không những không chết mà còn học được cách đi thẳng người và nói vài từ đơn giản. Năm 1929, Kamala chết vì bị suy thận.
“Người khỉ Uganda” John Ssebunya
John Ssebunya, có biệt danh “Người khỉ Uganda”, đã bỏ nhà đi năm 3 tuổi sau khi tận mắt chứng kiến cảnh cha giết mẹ. Em trốn vào các cánh rừng sâu ở Uganda và được đàn khỉ xanh châu Phi “nuôi nấng”.
Năm 1991, một phụ nữ địa phương khi tình cờ nhìn thấy “người khỉ” John vắt vẻo kiếm ăn trên một chạc cây đã hối hả chạy về thông báo cho người làng. Cánh nam giới tức tốc quay lại khu rừng tìm cách bắt John. Khi dân làng đang tìm cách bắt John, bầy khỉ xanh châu Phi đã đánh nhau với họ để cứu John. Nhưng việc giải cứu của bầy khỉ bất thành, John được mang về làng.
Vì John sống lâu trong rừng nên một con giun dài tới nửa mét đã “trú ngụ” trong ruột cậu bé. John được gửi cho Paul và Molly Wasswa, hai người quản lý một trại trẻ mồ côi. Họ dạy cậu bé học nói. Ngày nay, John hát trong đội hợp xướng trẻ em Viên ngọc châu Phi và rất hiếm khi biểu hiện ra bên ngoài hành vi của loài vật.
Thanh Hải (Còn tiếp)