Những động vật xoay chuyển lịch sử

Chó Laika - sinh vật sống đầu tiên lên vũ trụ

Chó Laika.


Ngày 3/11/1957 là một dấu mốc quan trọng trong chương sử khoa học vũ trụ của Nga cũng như của nhân loại khi tàu vũ trụ Sputnik-2 được phóng vào không gian, mang theo sinh vật sống đầu tiên là chú chó Laika.


Chuyến du hành thử nghiệm của Laika được xác định trước là “một đi không trở lại” bởi khoa học kỹ thuật ngày đấy chưa đủ phát triển để bảo toàn tính mạng cho chú chó nhỏ.


Chú chó giống Siberia này vốn sống hoang trên đường phố Moskva, thường xuyên phải chịu cảnh đói khát và cái lạnh khắc nghiệt. Cũng vì khả năng sinh tồn cao hơn loài chó nhà mà Laika đã được chọn để đưa lên vũ trụ.


Các nhà khoa học đã gắn một số đầu điện cực vào cơ thể Laika để theo dõi toàn bộ tín hiệu sức khỏe của nó từ trạm quan sát. Laika đã vượt qua quá trình phóng tàu vũ trụ và minh chứng thành công cho nghi vấn các sinh vật có thể sống sót bên ngoài bầu khí quyển.


Theo dự tính, Laika sẽ chết vì cạn bình cấp ôxy sau ít ngày. Thế nhưng thực tế, chú chó này đã chết do nhiệt độ cao khi tàu vụ trụ bay khỏi quỹ đạo Trái đất được vài giờ.


Sự “hy sinh” của Laika đã mở màn cho hàng loạt kế hoạch chinh phục vũ trụ của con người sau này. Sau Laika, ít nhất 8 chú chó khác đã trở thành “nhà du hành không gian”, trong đó có 6 con trở về Trái đất an toàn. Qua nhiều cuộc phóng thử động vật thành công, ngày 12/4/1962, phi hành gia Yuri Gagarin đã chính thức trở thành người đầu tiên bay ra ngoài vũ trụ trên con tàu Vostok 1 huyền thoại.


Chú chó tìm ra Osama Bin Laden

Một chú cảnh khuyển giống Belgian Malinois.


Trùm khủng bố bị truy nã toàn cầu Osama Bin Laden, kẻ chủ mưu thảm họa đánh bom ngày 11/9/2001 tại Mỹ, đã bị đội biệt kích tinh nhuệ của Hải quân Mỹ cùng với sự trợ giúp đắc lực của cảnh khuyển có tên Cairo tóm gọn tận hang ổ.


Ngày 2/5/2011, nhóm lính SEAL 6 đã bắn hạ Bin Laden tại khu nhà riêng ở Abbottabad (Pakistan), kết thúc thành công chiến dịch truy quét kéo dài gần một thập kỷ. 23 thành viên tham gia chiến dịch và chú chó nghiệp vụ Cairo đều đã nhận được sự khen ngợi từ chính phủ.


Trong ngày định mệnh đó, Cairo làm nhiệm vụ truy lùng dấu vết của Bin Laden, đánh hơi tìm bom mìn và tấn công bất cứ kẻ địch nào chống đối. Chú chó nặng khoảng 30 kg này thuộc giống Belgian Malinois của Bỉ, được đánh giá cao về trí thông minh, khứu giác nhạy bén và sức khỏe vượt trội.


“Tôi muốn gặp chú chó đó” là lời đề nghị của Tổng thống Mỹ Obama khi ông biết Cairo cũng có mặt trong buổi chúc mừng chiến công của đội SEAL 6.


Đội chó nghiệp vụ tuyệt mật của SEAL có 81 con, trong đó Cairo là con đầu tiên lộ danh trước công chúng. Hầu hết chúng đều thuộc giống Belgian Malinois, có trọng lượng nhẹ hơn giống bécgiê của Đức nên rất thích hợp để tác chiến cùng lính nhảy dù và trong các cuộc tổng tấn công. Không chỉ có thế, những chú chó còn được huấn luyện để làm nhiệm vụ ở mọi địa hình từ trên cạn, dưới nước đến trên không. Một “chiến binh bốn chân” này có thể đi trên dây, nhảy từ độ cao 10 m để hạ mục tiêu hoặc cứu chủ nhân.

 

Bồ câu cứu mạng một trung đoàn


Bồ câu không phải là loài thông minh nhất trong họ nhà chim, tuy nhiên những câu chuyện có thật trong lịch sử đã chứng minh được sự hữu ích của chúng đối với con người.


Trong hai cuộc chiến tranh thế giới, quân đội Mỹ đã sử dụng hơn 200.000 con bồ câu để vận chuyển thư tín khắp các chiến trường. Trong đó không thể không nhắc tới chú bồ câu Cher Ami anh hùng của Đoàn lính thông tin Mỹ tham chiến tại Pháp thời Chiến tranh thế giới thứ nhất. Cher Ami (có nghĩa “bạn thân” trong tiếng Pháp) từng 12 lần chuyển an toàn các thư tín quan trọng trước khi phải “nghỉ hưu” do trúng đạn của quân thù.


Tháng 10/1918, khoảng 554 binh sĩ thuộc Quân đoàn 77 do Trung tá Charles White Whittlesey chỉ đạo, chia làm 2 cánh chiến đấu tại khu rừng Argonne (Pháp) đối đầu với quân đội Đức. Thất thế, 197 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng, hơn 150 người khác bị bắt làm tù nhân và mất tích. Trung đoàn còn lại gồm 194 người làm nhiệm vụ ở cánh trái cũng bị quân địch bao vây.


Sau 6 ngày cầm cự trong vòng kìm kẹp, lương thực, nước uống và đạn dược đều đã cạn. Một số binh sĩ cố thoát ra ngoài thì đều lạc trong rừng hoặc bị địch bắt sống. Khi ấy, bồ câu đưa thư là cách duy nhất giúp họ có thể liên lạc với cơ quan chỉ huy để xin tiếp viện.


Chỉ huy Whittlesey đã gửi đi vài con chim bồ câu để gọi tiếp viện. Thật không may, những con chim bay đi đều bị quân đội Đức bắn rơi, chỉ còn lại con chim bồ câu cuối cùng là Cher Ami. Dù bị bắn trọng thương phần ngực và đứt rời một chân, Cher Ami vẫn tiếp tục nhiệm vụ, chuyển bức thư cầu cứu đến đích an toàn. Hành động đáng khâm phục này liên quan trực tiếp đến sự kiện giải cứu thành công 194 binh sĩ Mỹ. Mẩu giấy nhỏ được cuộn vào chân Cher Ami có nội dung: “Chúng tôi đang ở dọc theo đường Paralell 276.4. Bị quân địch nã pháo trực tiếp. Hãy cứu chúng tôi”.


Dù được cứu chữa tận tình nhưng bồ câu Cher Ami đã qua đời không lâu sau đó. Năm 1919, Cher Ami được trao tặng huân chương anh hùng Croix de Guerre của quân đội Pháp. Thi thể nhồi bông của bồ câu một chân này vẫn đang được trưng bày tại Bảo tàng lịch sử quốc gia Smithsonian ở Washington (Mỹ).


Hoàng Trang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN