Máy chụp ảnh làm... gián điệp

Máy chụp ảnh làm... gián điệp - Kỳ cuối: Những bí mật được tiết lộ

Kỳ cuối: Những bí mật được tiết lộ

Ông Zoppoth, người từng tham gia vào dự án sao chép các tài liêu bí mật của CIA, nay đã 79 tuổi, nghỉ hưu và sống gần thành phố Dallas, thuộc bang Texas, tiết lộ: “Chúng tôi gặp hai nhân viên CIA và dạy họ cách tháo loại máy ảnh đặc biệt, trong đó chứa đầy các hình ảnh âm bản bí mật được sao chép bằng máy photocopy và cách thay máy chụp ảnh đó bằng một máy mới. Các nhân viên này sau đó đã hướng dẫn cho người thợ sửa chữa của công ty Xerox các bước tương tự như thế”.

Một đoạn phim mà Zoppoth bí mật giữ lại.


Công việc của người thợ sửa chữa là cứ hai tuần một lần, anh ta lại lau chùi toàn bộ chiếc máy photocopy của Đại sứ quán Liên Xô để đảm bảo cho máy luôn hoạt động tốt.

“CIA nói với chúng tôi rằng người thợ sửa chữa phải tiến hành đổi các máy chụp ảnh ngay dưới sự giám sát của các nhân viên an ninh Đại sứ quán Liên Xô.

Roy Zoppoth bên cạnh chiếc máy photocopy Xerox 914.


Đây là điều mà những người thợ của Xerox có thể làm được bởi chiếc máy Xerox đời đầu đồ sộ và phức tạp đến nỗi khó có người nào có thể hiểu biết về nó, trừ chính những người thợ của công ty này”- Zoppoth cho biết. Ông này cũng nhấn mạnh rằng một máy chụp ảnh như vậy có hơn 15 m phim, cho phép chụp hàng trăm bức ảnh âm bản các tài liệu mật. Chúng rất nhỏ và trông giống như tấm vi phim.

Zoppoth có vài lần đến trụ sở của CIA ở thủ đô Oasinhtơn. Theo ông thì CIA có hàng chục tòa nhà cũng như nhiều xưởng sản xuất và các phòng thí nghiệm nằm rải rác ở khắp thủ đô của nước Mỹ. Zoppoth kể: “Mọi hành động diễn ra cứ như thể trong các bộ phim về điệp viên 007 James Bond vậy. Họ đang chế tạo các loại “vũ khí” nhờ sự trợ giúp của công nghệ mới. Chúng tôi vẫn thường gặp nhau trong một tòa nhà có mật danh là Disneyland East.

Sau khi họ đã đóng tất cả các cửa, chặn các thang máy và yêu cầu tất cả các nhân viên ra bên ngoài, chúng tôi mới được phép vào bên trong. CIA chia ra làm ba cấp độ mật: Mật, Tối mật, và Tuyệt mật. Dự án máy chụp ảnh Xerox của chúng tôi được xếp vào hàng Tối mật và tất cả chúng tôi đều bị các nhân viên FBI kiểm tra an ninh hàng tuần”.

Chẳng bao lâu sau, CIA thông báo với nhóm của Zoppoth rằng chiếc máy chụp ảnh bí mật đã thực hiện công việc tuyệt hảo đến mức họ muốn nhóm của Zoppoth chế tạo một máy chụp ảnh nhỏ tí xíu để lắp vào một máy photocopy để bàn mới của họ. Sau đó, Zoppoth đã chế tạo ra một loại máy ảnh chuyên dụng và được cấp bằng sáng chế bí mật của Mỹ cho sản phẩm mới này.

“Dự án này thành công đến mức CIA tiếp tục đặt hàng vài chục chiếc khác tương tự như vậy. Những chiếc máy ảnh này được lắp ráp ở nhiều xưởng chế tạo của CIA nằm rải rác khắp nước Mỹ nên chính những người sản xuất ra các bộ phận của chiếc máy này không biết được họ đang làm cái gì”, Zoppoth thổ lộ. Những chiếc máy tí hon này được cài vào các sứ quán của Liên Xô trên khắp thế giới. Những người thợ sửa chữa của công ty Xerox do CIA huấn luyện đã moi được nhiều bí mật quan trọng của Liên Xô trong nhiều năm.

Máy chụp ảnh (dấu x) được lắp đặt bên trong máy photocopy Xerox 914.


“Căn cứ vào số lượng đặt hàng, sau này chúng tôi mới nhận ra rằng CIA đã bí mật cài máy chụp ảnh vào tất cả các máy photocopy trong tất cả các tòa đại sứ các nước trên thế giới - cả các nước bè bạn và các nước thù địch của Mỹ”, Zoppoth cho biết.

Một ngày, một nhóm nhân viên CIA đến chỗ Zoppoth và tịch thu mọi thứ dùng để chế tạo máy chụp ảnh bí mật. Ông kể: “Họ nói họ sẽ tự sản xuất và tiến hành dự án này. Họ bảo chúng tôi quay trở lại công việc bình thường trước đây và phải quên đi tất cả những gì mà chúng tôi đã từng biết và liên quan đến dự án này. Tuy nhiên, tôi đã lẳng lặng giữ lại một vài thước phim âm bản bí mật”.

Kế hoạch này tiếp tục được triển khai ít nhất cho đến tận năm 1969, khi mà một công ty hóa chất ở Mỹ bị bắt quả tang khi đang cố gắng cài một máy chụp ảnh tương tự như vậy vào trong máy photocopy Xerox của một đối thủ cạnh tranh.

“Sau vụ xìcăngđan đó, chúng tôi không biết CIA tiếp tục sử dụng loại máy bao nhiêu lâu nữa hay là họ đã kết thúc kế hoạch này vì lo sợ rằng những người thợ sửa chữa sẽ bị bắt. Nhóm chúng tôi nghĩ rất có thể các sứ quán Liên Xô đã quay trở lại phương pháp sao chép truyền thống là chép bằng tay”.

Zoppoth thôi không làm cho công ty Xerox vào năm 1979 và chuyển sang công ty Texas Instruments. Trong thời gian làm việc ở đây, ông ta đã được hải quân Mỹ đánh giá cao cho những đóng góp lớn trong kỹ thuật đánh chặn rađa.

Cả CIA và công ty Xerox từ chối đưa ra lời bình luận về sự liên quan của Zoppoth đến dự án chế tạo máy chụp ảnh bí mật. Về phần mình, Zoppoth cho biết, ông quyết định hé lộ về dự án bí mật này bởi ông muốn “nước Mỹ phải ghi nhận công sức của tôi”.

Đình Vũ (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN