Máy bay chở 382 người thoát nạn kỳ diệu dù bị đánh bom

Đêm 18/3/1991, một quả bom đã nổ trên khoang của một trong những máy bay chở khách lớn nhất của Liên Xô. Máy bay vẫn hạ cánh an toàn, không có bất kỳ thiệt hại nào về người, dù chỉ chậm một phút là thảm kịch xảy ra.

Chú thích ảnh
IL-86, máy bay chở khách lớn nhất của Liên Xô. Ảnh: Sputnik

Đó là một buổi tối Chủ nhật. Yevgeny Volodin làm thủ tục lên tàu bay tại sân bay Vnukovo ở Moskva. Gã đàn ông 26 tuổi người gốc Novokuznetsk, một thợ mộc làm việc tại nhà máy sản xuất đồ nội thất ở địa phương, mang theo một túi xách bên trọng đựng sáu lọ muối diêm được đóng trong ba túi, dính chặt với nhau bằng băng dính. Không ai kiểm tra lô hàng này. Đó là ngày 17/3/1991, một ngày trước khi diễn ra cuộc trưng cầu dân ý về duy trì mô hình Liên bang Xô Viết.

Chuyến bay thường lệ chặng Moskva - Novosibirsk kín 382 người, với khoảng 20 khách bế theo con nhỏ trên tay. Hai giờ đầu tiên của hành trình bay diễn ra êm ả. Nhưng ngay sau đó Volodin rời khỏi ghế ngồi. Trước đó, người này phải chờ khá lâu để đợi lối đi thoáng đãng, nhưng chưa thoát được: Đầu tiên là phi hành đoàn phục vụ đồ ăn cho khách, rồi đến đồ uống, sau đó họ lại thu gom rác. Volodin mất dần sự kiên nhẫn, y bắt đầu đứng dậy và đi tới buồng vệ sinh gần khoang lái nhất, trên tay mang theo túi xách.

"Hai giờ sau khi máy bay cất cánh, kíp lái nghe thấy một tiếng gõ mạnh vào cửa", phi công phụ Yury Sytnik nhớ lại. Thực tế đó một vụ nổ do Volodin tạo ra. Gã này đã ngồi trong nhà vệ sinh khoảng một phút rồi mở cửa ra và ném hai quả bom cháy ra hành lang. Volodin định ném quả thứ 3 nhưng không thành vì lửa đã bốc lên ở bên ngoài toilet, y mắc kẹt trong nhà vệ sinh.

Chưa biết chuyện gì xảy ra, phi công dẫn lái Anatoly Ekzarkho nói với kỹ sư phụ trách chuyến bay mở cửa xem vì sao lại có người gõ cửa lớn tiếng như vậy. Cửa mở, một ngọn lửa thổi mạnh vào buồng lái. May mắn là kỹ sư đã nhanh chóng sập cửa lại. Bên trong khoang máy bay, mọi người đều hoảng loạn. Một số người chạy ra cửa thoát hiểm, cố gắng mở cửa. Những người khác bỏ chạy tản khỏi khu vực lửa bốc cháy và lui xuống phần đuôi máy bay, một diễn biến có thể làm tàu bay mất cân bằng.

Chú thích ảnh
Thủ tục kiểm tra hành lý tại sân bay Vnukovo năm 1991. Ảnh: TASS

Nhưng mọi người không đứng đó quá lâu. “Phi công Ekzarkho đã hành động tức thời: Đúng như kịch bản xuất hiện đám cháy trong khi huấn luyện, anh cho máy bay hạ độ cao bằng cách lao thẳng xuống. Chiếc II-86 lúc đó lao xuống với tốc độ 70-80 m/giây, giống tình trạng không trọng lực trong vũ trụ”, Sytnik hồi tưởng lại. Buồng lái đã đầy khói và phi công Ekzarkho bất tỉnh. Rất may, Yury Sytnik đã kịp thời đeo mặt nạ dưỡng khí và nhanh chóng tìm sân bay gần nhất.

“Tôi chuyển thông báo tới trạm không lưu mặt đất. Xin mọi người lắng nghe! Đây là chuyến bay mang số hiệu 86082. Chúng tôi đang cách thành phố Serov khoảng 160 km. Chúng tôi đang rơi, máy bay bị cháy. Do khói, nên tôi không thể đọc được thông tin trên màn hình. Máy bay đang ở phía trên dãy núi Ural và đang giảm độ cao nguy hiểm, cách mặt đất 2.700 m”, Sytnik nói.

Đám cháy được dập tắt sau khoảng 20 phút, với sự nỗ lực của thành viên phi hành đoàn Yakov Sharage cùng hai hành khách, trong đó có một người là điều tra viên của một văn phòng công tố, người còn lại là một thiếu tá, người từng bị cháy da hai lần khi lái xe tăng khi tham chiến ở Afghanistan. Tay của hai vị hành khách này bị cháy đến tận xương, sau khi họ đã dùng tới 14 bình cứu hỏa để dập lửa.

Lúc này, Anatoly Ekzarkho đã tỉnh lại. Nhưng hoa tiêu chuyến bay vẫn bất tỉnh. Rất may là họ đã cố gắng điều khiển máy bay đi đúng hành trình tới sân bay Koltsovo ở Sverdlovsk (ngày nay là Yekaterinburg). Khói tan dần, phi hành đoàn có thể nhìn thấy bảng chỉ dẫn. Nhưng đến đây lại xuất hiện một vấn đề: Họ không thể nhìn thấy đường băng. "Khoảng cách là 8 km, độ cao 400 m. Các anh nhìn thấy đường băng chứ?", kiểm soát viên không lưu hỏi. "Chúng tôi không thể" - Tổ lái hồi đáp.

Sytnyk đưa tay chạm vào cửa sổ buồng lái đang bị phủ kín muội than, không phải là dạng muội thông thường, mà là muội hòa lẫn với thứ gì như kim khâu dài bằng nửa ngón tay trỏ. Lớp hợp chất này bám vào cửa buồng lái khiến ánh sáng không thể xuyên qua. Một phút sau, Sytnyk dùng tay lau vội lớp cửa kính trước ghế ngồi phi công. Họ bắt đầu nhìn thấy đường băng khi còn cách đó khoảng 6 km. Chỉ cần chậm đúng một phút nữa, cú tiếp đất dự kiến của máy bay sẽ chuyển thành cú bổ nhào mất kiểm soát.

Chú thích ảnh
Phi hành đoàn bên trong buồng lái của một chiếc máy bay IL-86. Ảnh: Sputnik

Máy bay hạ cánh. Cửa khoang nhiên liệu bật mở, một nhóm đặc nhiệm vọt lên khoang máy bay. Kẻ khủng bố bị lôi ra khỏi nhà vệ sinh với một trái bom khói trông rất lỏng lẻo. Một sĩ quan đặc nhiệm ném vôi lên không trung rồi dí khẩu súng vào cằm Volodin. “Thằng khốn, chị gái tao cũng có mặt trên chuyến bay này, tao sẽ xé xác mày ra thành trăm mảnh”, viên sĩ quan gắt lên. Nhưng sau đó anh nhanh chóng dịu giọng và hỏi Volodin: “Ai là người cử mày tới”, Sytnyk nhớ lại.

Sau này, Sytnik biết được rằng Volodin không có kế hoạch cướp máy bay, không có ý định nêu yêu sách. Đó là một vụ khủng bố với mục đích không để ai sống sót. "Sau đó, chúng tôi được biết rằng thay vì phạt tù, Volodin được chuyển tới một bệnh viện tâm thần", Sytnyk cho biết.

Trong quá trình điều tra, lực lượng chức năng đã phát hiện ra rằng thủ phạm thực hiện vụ đánh bom liều chết Volodin đã bỏ ra 18 tháng để nghiên cứu về hệ thống quét an ninh ở sân bay và thủ tục lên máy bay. Gã chọn máy bay chở khách lớn nhất của Liên Xô là chiếc Il-86 để thực hiện vụ tấn công. Hắn đã quyết định không nhét kim loại vào trong 2 quả bom cháy, vì sợ máy soi cảm biến phát hiện ra.

Kế hoạch ban đầu của Volodin là kích nổ ba quả bom trên hướng khác nhau để ngăn chặn mọi khả năng máy bay có thể hạ cánh khẩn cấp. Tuy nhiên, sự nhốn nháo ở lối đi cùng với sự mất kiên nhẫn, thiếu kiềm chế của Volodin đã khiến y quyết định cho nổ bom ở cùng một chỗ. Chính điều này đã giúp phi hành đoàn phản ứng kịp thời trước thảm họa. Toàn bộ 382 người trên máy bay, gồm cả hành khách và phi hành đoàn, được cứu sống, không có ai bị thương quá nặng.

Nhờ các thông tin từ vụ Volodin, cơ quan an ninh đã tiếp tục phá được các âm mưu khủng bố khác ở St. Petersburg và Kaliningrad. Toàn bộ phi hành đoàn sau đó đã được trao tặng Huân chương Dũng cảm.

Sau này, Sytnyk cũng có một số trải nghiệm căng thẳng khác khi điều khiển máy bay, như cú hạ cánh trên đường băng vào buổi tối ở Baghdad khiến giới chính trị gia, nhà báo có mặt trên khoang khiếp đảm, hay vụ máy bay của ông chút nữa bị tiêm kích của Mỹ bắn hạ trên bầu trời Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng với ông, sự kiện ngày 18/3/1991 luôn để lại ấn tượng sâu đậm nhất.

Hoài Thanh/Báo Tin tức (Theo RBTH)
Tìm thấy hộp đen thứ hai của chiếc máy bay bị rơi ở Trung Quốc
Tìm thấy hộp đen thứ hai của chiếc máy bay bị rơi ở Trung Quốc

Lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy hộp đen thứ hai của chuyến bay MU5735 của China Eastern Airlines, có khả năng cung cấp manh mối quan trọng về vụ tai nạn khiến 132 người thiệt mạng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN