Những sự kiện xảy ra vào thập niên 1990 ở Nam Tư thường bị bỏ qua trong các cuộc thảo luận về mối quan hệ ngày nay giữa Nga và phương Tây. Nhiều người không hiểu tại sao dư luận ở Nga, vốn có cái nhìn ưu ái về Mỹ và Tây Âu sau khi Liên Xô sụp đổ, đột nhiên chuyển sang quan điểm ngày càng hoài nghi.
Theo Evgeny Norin, nhà sử học Nga chuyên nghiên cứu về các cuộc xung đột và chính trị quốc tế, điều đã làm rung chuyển tâm lý của nhiều người Nga là chiến dịch không kích của NATO chống lại Nam Tư (cũ) vào năm 1999.
Lý do chính thức cho việc NATO ném bom Nam Tư là cuộc Chiến tranh Kosovo, một cuộc xung đột vũ trang nhằm giành quyền kiểm soát Kosovo, vùng có đa số dân là người gốc Albania, thuộc lãnh thổ Serbia nằm trong nước CH Liên bang Nam Tư (khi đó chỉ gồm hai nước cộng hòa Serbia và Montenegro sau khi Liên bang XHCN Nam Tư tan rã). Quân đội Giải phóng Kosovo (KLA), nhóm quân đội người thiểu số Albania đòi ly khai khỏi Nam Tư, đã tiến hành tấn công du kích nhằm vào các lực lượng chính phủ Serbia, trong khi người Serbia tìm cách trả đũa. NATO, với những cân nhắc chính trị, đã chọn ủng hộ người Albania.
Từ ngày 24/3 đến ngày 10/6/1999, các lực lượng NATO đã tiến hành một chiến dịch ném bom lớn nhằm các mục tiêu của chính phủ và quân đội Serbia thuộc Nam Tư. Có nhiều báo cáo khác nhau về số nạn nhân chính xác, dao động từ 270 đến 1.000 binh sĩ, cảnh sát và 450-2.500 dân thường thiệt mạng, trong khi nền kinh tế và cơ sở hạ tầng chịu thiệt hại lớn. Belgrade cuối cùng đồng ý với tất cả các điều khoản mà bên thắng yêu cầu và lực lượng gìn giữ hòa bình của NATO được triển khai tới Kosovo, thay thế các lực lượng của Serbia.
Người Nga coi chiến dịch của NATO tại Serbia là một thảm kịch. Trong lịch sử, Nga có mối quan hệ bền chặt và mối liên hệ tình cảm với Serbia.
Liên Xô khi đó vừa tan rã và cuộc nổi dậy của phiến quân Chechnya vẫn là mối quan tâm lớn, vì vậy người Nga hiểu rất rõ tình cảnh của người Serbia. Nhiều người Nga đã phản ứng bằng các cuộc biểu tình trước đại sứ quán Mỹ và các cơ quan đại diện ngoại giao của các nước đồng minh NATO. Một số thậm chí đã tình nguyện đến Nam Tư chiến đấu cùng với người Serbia. Tuy nhiên, với tư cách quốc gia, Nga không thể làm điều gì đáng kể để hỗ trợ người bạn lâu năm của mình.
Nước Nga khi đó đang rất cố gắng để phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế. Chính trường trong nước cũng hết sức căng thẳng. Tuy nhiên, Moskva vẫn muốn được tham gia vào hoạt động xây dựng hòa bình ở Kosovo và lý tưởng nhất là nhận được nhiệm vụ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở phía bắc Kosovo, nơi sinh sống của người Serb địa phương.
Đây là một ý tưởng rất hợp lý, vì không có ai bảo vệ người Serb trước nguy cơ thanh trừng sắc tộc sau khi quân đội Nam Tư bị trục xuất khỏi khu vực. Nhưng đối với NATO, điều này có vẻ quá tham vọng. Về phần mình, cho rằng NATO không sẵn sàng hợp tác, Điện Kremlin đã tìm cách buộc họ phải chấp nhận sự tham gia của Nga ở Kosovo.
Kế hoạch khá đơn giản và bao gồm một cuộc điều động của quân đội Nga thuộc Lực lượng Ổn định quốc tế ở Bosnia và Herzegovina (SFOR). Một tiểu đoàn hỗn hợp của Nga đã tiến vào Kosovo, tới thủ phủ Pristina và bảo vệ sân bay tại đây. Động thái này sau đó được sử dụng làm đòn bẩy trong cuộc đàm phán về sự tham gia của Nga trong nỗ lực gìn giữ hòa bình quốc tế ở Kosovo.
Vào ngày 10/6, SFOR Nga nhận được chỉ thị bí mật chuẩn bị 200 binh sĩ và xe bọc thép hạng nhẹ, hành quân đến Căn cứ Không quân Slatina ở Pristina. Một tiểu đoàn lính dù Nga đã hoàn thành nhiệm vụ này dưới sự chỉ huy của Đại tá Sergey Pavlov.
Về mặt chính trị, kế hoạch được đưa ra bởi Bộ Ngoại giao Nga và GRU - cơ quan tình báo quân sự Nga. Các biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện để ngăn chặn bất kỳ sự rò rỉ thông tin nào. Chỉ có 6 người được tiếp cận đầy đủ thông tin về kế hoạch.
Một đơn vị nhỏ riêng biệt vốn đã đóng quân ở Kosovo, bao gồm 18 binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm GRU, được giao nhiệm vụ trinh sát và phải ngăn chặn bất kỳ sự cố bất ngờ nào tại sân bay khi quân chủ lực Nga đến đó.
Nhóm đặc nhiệm hoạt động một cách hiệu quả, kín đáo, thực hiện các nhiệm vụ trinh sát và giữ tình hình trong tầm kiểm soát, đồng thời cố gắng tránh chạm trán với quân đội NATO và các tay súng KLA (người Albania).
Trong khi đó, công tác chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành ở Bosnia. Đơn vị đổ bộ đường không của Nga đã tổ chức một cuộc diễn tập quân sự như một vỏ bọc cho phép họ chuẩn bị các thiết bị và binh lính sẵn sàng cho chiến dịch. Mỗi binh sĩ được cấp một lượng đạn gấp đôi và khẩu phần lương khô đủ dùng trong 10 ngày.
Vào lúc 4 giờ sáng ngày 11/6, nhóm chủ lực rời thị trấn Ugljevik của Bosnia trên xe thiết giáp chở quân (APC) và xe tải băng qua Serbia nhằm hướng Pristina (thủ phủ Kosovo). Có tổng cộng 15 chiếc APC và 35 xe quân sự chở 206 binh sĩ. Ngoài những chiếc xe tải quân sự thông thường, còn có một số xe tiếp nhiên liệu và xe liên lạc. Họ phải vượt quãng đường hơn 600km để tới đích. Do ưu tiên tốc độ, kế hoạch ban đầu lập một đoàn xe lớn hơn đã được giảm xuống chỉ còn lại các phương tiện thiết yếu.
Đoàn xe di chuyển với tốc độ cao - khoảng 80km/h – nhờ có cảnh sát Serbia mở đường. Những chiếc APC cuối cùng đến được đường băng bê tông của Căn cứ Không quân Slatina ngay trước bình minh. Những người lính Serbia tại đây chào đón họ rất thân mật, chuyển giao quyền kiểm soát sân bay và rời vị trí.
Nhưng vào khoảng 11 giờ sáng, quân đội Anh và Pháp cũng tiến vào Pristina từ phía Macedonia. Người Anh đã định sử dụng đường băng của sân bay Slatina để hạ cánh đội trực thăng của họ, nhưng những chiếc APC của Nga đang tuần tra trên sân bay đã ngăn cản điều đó.
"Tướng Wesley Clark đã rất tức giận. Tôi không thể trách ông ấy vì điều đó, nhưng tôi biết rằng, may mắn thay, chúng ta đã không đứng trước bờ vực của Thế chiến thứ III", Tổng thống Mỹ Bill Clinton sau này nhớ lại.
Tướng Michael Jackson, người chỉ huy Lực lượng Kosovo của NATO, bước lên phía trước và ra lệnh cho các xe bọc thép Anh di chuyển về phía sân bay. Vào lúc đó, phiên dịch viên của Nga, trung úy Nikolay Yatsikov, nói với người Anh rằng nếu họ tiếp tục thì hậu quả sẽ rất thảm khốc. Lúc này, một người lính Nga, có họ là Ivanov, bước ra, tiến về phía xe thiết giáp Anh, tay cầm súng phóng lựu trong tư thế sẵn sàng chiến đấu.
Lực lượng Anh khi đó không khó để đánh bại tiểu đoàn 200 binh sĩ Nga. Tuy nhiên, điều đó có thể châm ngòi cho một cuộc chiến tranh giữa hai cường quốc hạt nhân. Và đó chính xác là những gì Tướng Jackson đã nói với cấp trên của mình: "Tôi sẽ không bắt những người lính của mình phải chịu trách nhiệm về việc khơi mào Thế chiến thứ ba".
Lực lượng Anh nhanh chóng bao vây sân bay. Trong vài ngày tiếp theo, hơn 200 lính dù Nga bị bao vây. Trong khi đó, các chính trị gia vẫn tiếp tục đàm phán.
Kết quả của những cuộc đàm phán này nhìn chung là một sự thất vọng với Moskva. Nga đã có thể gửi một đội quân của mình tới Kosovo, nhưng lại không có được khu vực kiểm soát riêng biệt. Điều đó có nghĩa là người Serb ở Kosovo sẽ không bao giờ nhận được sự bảo vệ đầy đủ trước các chiến binh Albania. Vào thời điểm đó, Nga là một quốc gia suy yếu và không thể bù đắp cho việc thiếu sức mạnh chính trị, kinh tế và quân sự chỉ bằng một vài động thái quyết liệt.
Trong vài năm tiếp theo, một lực lượng gìn giữ hòa bình của Nga (tổng cộng 650 người) đã phục vụ ở Kosovo. Quân đội Nga rút khỏi vùng lãnh thổ này vào năm 2003. Trong suốt những năm đó, cuộc thanh trừng sắc tộc diễn ra ở Kosovo, trong sự im lặng của NATO. Phần lớn người Serb phải rời bỏ Kosovo, nhiều người đã thiệt mạng. Các tượng đài và di tích lịch sử của Serbia bị xóa sổ.
Cuối cùng, việc Nga chiếm giữ sân bay Pristina đã không dẫn đến bất kỳ thay đổi chính trị lớn nào. Moskva thất bại trong việc đảm bảo một khu vực quản lý của riêng mình ở Kosovo. Tuy nhiên, đối với nước Nga hiện đại, sự kiện này vẫn mang một ý nghĩa biểu tượng nào đó. Lần đầu tiên kể từ khi Liên Xô tan rã, Nga can dự vào các vấn đề đối ngoại và theo đuổi một chính sách riêng, bất chấp đối đầu với NATO.