Làm tiền giả vì... tổ quốc

Làm tiền giả vì... tổ quốc - Kỳ I: Âm mưu khôi phục nhà nước Đại Hunggari

Năm 1925, với những đồng tiền franc của Pháp được làm giả, giới tinh hoa của Hunggari muốn chi trả cho chiến dịch vận động chống lại hiệp định hòa bình nhục nhã, chia cắt lãnh thổ và đồng thời làm cho kinh tế của kẻ thù Pháp bị điêu đứng. Nhưng rốt cuộc, những người tham gia âm mưu này trở nên nổi tiếng là... những kẻ vô tích sự hạng nhất.

Kỳ I: Âm mưu khôi phục nhà nước Đại Hunggari

Arisztide Jankovich, người được giao nhiệm vụ tổ chức đưa tiền giả vào lưu hành, đã phạm phải những sai lầm ngớ ngẩn ngay từ đầu. Cuốn nhật ký của ông đã để lộ toàn bộ kế hoạch.

Ngày 14/12/1925, Arisztid Jankovich, một người đàn ông Hunggari đứng tuổi, tóc điểm bạc với thái độ tự tin của một sĩ quan trong một bộ com lê may đo vừa vặn, bước vào một chi nhánh ngân hàng nhỏ ở Amxtécđam. Trông ông rất đứng đắn, nghiêm túc. Nhưng nhân viên ngân hàng đã quan sát ông một cách hoài nghi, khi ông đưa ra một tờ giấy bạc 1000 franc Pháp để đổi. Tờ giấy bạc có gì đó là lạ. Cảm giác mách bảo nhân viên ngân hàng này là có điều gì đó không ổn. Ông đề nghị vị khách chờ cho một chút và đi vào phòng trong. Vài phút sau, có hai người đàn ông đi tới bên vị khách người Hunggari và đề nghị ông đi theo họ.

Hoàng thân Lajos Windischgraetz, một người phiêu lưu chính trị.

Jankovich hốt hoảng nhìn hai người cảnh sát trong trang phục dân sự, rút hộ chiếu ngoại giao ra và lưu ý tới quyền miễn trừ ngoại giao của mình. Khi thấy điều đó cũng vô ích, ông lớn tiếng đe dọa về hậu quả chính trị có thể gây ra khi họ đụng tới một người có hộ chiếu ngoại giao. Nhưng các vị công chức này vẫn tỏ ra cứng rắn. Tại đồn cảnh sát, họ phát hiện trong ví ông một tờ bạc giả nữa. Giờ thì chẳng còn gì có thể giúp Jankovich được nữa. Ông phải cởi bỏ quần áo ngoài, chỉ còn quần lót và để lộ thêm những tờ bạc giả khác nữa mà ông nhét trong bít tất. Có lẽ đó là những giờ phút ngượng ngùng nhất trong đời của một vị sĩ quan Hunggari nay đã nghỉ hưu.

Trong phòng khách sạn, cảnh sát phát hiện ra cả một va li đầy những tờ bạc giả mệnh giá 1000 franc. Sau đó, cảnh sát còn tìm thấy cuốn nhật ký của Jankovich, trong đó chứa đựng những chi tiết nhạy cảm cho thấy Jankovich không phải là một kẻ tội phạm thông thường. Sứ mạng của ông mang tính chất chính trị nhiều hơn. Theo lệnh của cảnh sát trưởng Hunggari Imre Nadosy và Bộ trưởng Lương thực trước đây là Hoàng thân Lajos Windischgraetz, ông phải đưa những đồng tiền giả này vào lưu hành. Chiến dịch này được giữ gìn tuyệt mật, về mặt chính thức không ai được biết. Đó là sự báo thù của Hunggari đối với “nỗi nhục Trianon”.

Hiệp định hòa bình Trianon được ký kết năm 1920 tại Trianon, ngoại ô Pari nhằm chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ Nhất đối với Hunggari cũng như Hiệp ước Versailles đối với người Đức: Đó là một nền hòa bình bị áp đặt đầy tủi nhục, xúc phạm nghiêm trọng tới lòng tự hào dân tộc của họ. Hunggari bị mất đi hơn 2/3 lãnh thổ và hơn một nửa dân số cho Rumani, Tiệp Khắc, Nam Tư và Áo. Hậu quả là liên tục xảy ra bạo loạn trong nước, mà cuối cùng chính quyền chuyên chế của Miklos Horthy, một nhân vật bảo thủ cánh hữu đã nổi lên là người thắng cuộc. Chính phủ mới được sự hậu thuẫn của một bè đảng bảo thủ dân tộc gồm những nhà quý tộc và giới trung lưu công khai kêu gọi thiết lập lại nhà nước “Đại Hunggari”. Trong số những đại diện giàu ảnh hưởng nhất của tầng lớp này có Thủ tướng Istvan Bethlen và người tiền nhiệm Pal Teleki.

Cảnh bắt giữ cả một va li đầy tiền giả của Jankovich.


Đồng thời tại vùng Siebenbuergen, Xlôvakia, Galizia và những vùng trước đây thuộc Hunggari nay bị chia cắt, sát nhập vào những quốc gia khác, đã hình thành nhiều tổ chức công dân theo đuổi một mục tiêu là đòi xét lại Hiệp định hòa bình đã biến họ thành công dân những quốc gia xa lạ. Nhằm thu hút dư luận nước ngoài ủng hộ cho sự nghiệp của họ, họ đã đầu tư rất nhiều tiền vào việc tuyên truyền đòi xét lại hiệp định Trianon. Họ in truyền đơn, viết báo và đón khách nước ngoài bằng các khẩu hiệu dân tộc chủ nghĩa Đại Hunggari. Vì nhiều hoạt động như vậy nên các tổ chức này thường xuyên thiếu tiền và phải yêu cầu chính quyền Budapest tài trợ.

Được sự cổ vũ của Bethlenn và Teleki, năm 1923 Windischgraetz đã trở thành người kiếm tiền cho phong trào đòi khôi phục Đại Hunggari. Vị hoàng thân này đã từng trải qua nhiều cuộc phiêu lưu chính trị, trước tiên với tư cách là Bộ trưởng Lương thực trong nội các chiến tranh, sau đó là “chính khách tự do”. Ông đã tham gia nhiều hoạt động chính trị, trong đó có kế hoạch tìm cách đưa Hoàng đế Karl IV, vị hoàng đế cuối cùng của dòng họ Habsburger trở lại ngai vàng Hunggari vào năm 1920. Một kế hoạch bị đánh giá là non nớt và nghiệp dư. Giờ đây, ông trở thành người chủ mưu trong vụ tiền giả. Dưới sự chỉ đạo của ông, kế hoạch này đã hình thành.

Vũ Long (Tổng hợp theo báo chí Đức)

Đón đọc kỳ cuối: Chủ trương dại khờ, thi hành ngớ ngẩn

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN