Khủng bố bệnh than - nỗi ám ảnh kinh hoàng sau vụ 11/9

Khủng bố bệnh than - nỗi ám ảnh kinh hoàng sau vụ 11/9-Kỳ I: Nỗi kinh hoàng

Sau loạt vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2011 đánh sập hoàn toàn tòa tháp đôi biểu tượng cho sức mạnh kinh tế và phá hủy một phần Lầu Năm góc, biểu tượng quốc phòng của nước Mỹ, người dân xứ cờ hoa không lúc nào không bị ám ảnh bởi mối lo sợ về một vụ khủng bố tiếp theo. Nhưng ít người trong số họ vào thời điểm đó nghĩ rằng, cái đáng sợ lại hiện hữu dưới dạng một thứ vũ khí ít ngờ tới nhất: Vi khuẩn gây bệnh than.

Kỳ I: Nỗi kinh hoàng

Nỗi kinh hoàng mang tên bệnh than bắt đầu vào ngày 21/9/2001, khi trợ lý biên tập 31 tuổi của tờ New York Post (Bưu điện New York), Johanna C. Huden, nhận thấy một vết sưng đỏ trên ngón giữa của tay phải. Ban đầu, chỗ sưng, trông giống như một vết côn trùng đốt, không khiến cô bận tâm. Nhưng sau vài ngày, nó bắt đầu sưng to hơn và chuyển màu đen, lúc này Huden thấy hơi lo ngại vì nghĩ đó là một vết nhiễm trùng.

Nước Mỹ đứng trước một mối đe dọa mới và đầy bất ngờ.


Tại bệnh viện, các bác sĩ đã xử lý vết đen đó nhưng vết thương không dịu xuống dù Huden đã dùng thuốc kháng sinh theo đơn. Thậm chí, vết đau còn tệ hơn và cơ thể cô bắt đầu xuất hiện những triệu chứng y như bị cúm. Mặc dù vậy, Huden vẫn đi làm bình thường, với hy vọng thuốc kháng sinh sẽ sớm phát huy tác dụng. Nhưng mọi chuyện không theo ý cô. Tại tòa soạn, trong khi theo dõi tin tức cùng với sếp, Huden được biết một đồng nghiệp làm việc cho đài truyền hình NBC nhiễm bệnh than. Cô kinh hoàng khi biết rằng, những triệu chứng bệnh than đều giống với những gì mình đang trải qua. Ngay lập tức Huden phóng xe tới bệnh viện Mount Sinai vì lo sợ điều tồi tệ nhất.

Vết loét có lõi màu đen, một triệu chứng của bệnh than ở da.


Nữ phóng viên New York Post được kiểm tra, chụp X-quang và làm sinh thiết tế bào vùng thương tổn. Để chắc chắn, các bác sĩ đã cho cô dùng Cipro, loại thuốc được biết đến với tác dụng tiêu diệt vi khuẩn than và cho cô về nhà. Họ nghĩ, nguy cơ để cô bị nhiễm khuẩn than tại New York là cực kỳ nhỏ, nhưng cơ hội đã không đứng về phía Huden.

Sáng sớm hôm sau, Huden được đề nghị trở lại bệnh viện, nơi cô phải trải qua một cơn ác mộng. Các kết quả xét nghiệm lâm sàng cho thấy, Huden đã nhiễm bệnh, dù vẫn cần làm thêm các xét nghiệm khác. Chẩn đoán cuối cùng được đưa ra vài ngày sau đó, khi các kết quả xét nghiệm khác cho thấy Huden thực sự bị nhiễm bệnh than ở da. May mắn cho Huden, cuối cùng cô đã bình phục, nhưng nhiều người khác thì không may mắn như vậy. Chỉ trong vài tháng sau đó, bệnh than đã tấn công ít nhất 21 người và cướp đi 5 sinh mạng. Nguy hiểm hơn, việc nhiễm khuẩn than không phải là nhiễm bệnh thông thường mà là hậu quả của một âm mưu khủng bố. Mãi cho đến nay, người ta vẫn chưa xác minh được thủ phạm của cuộc khủng bố bệnh than xảy ra 10 năm trước và thứ vũ khí sinh học này vẫn là một mối đe dọa vô hình đối với các công dân Mỹ và thế giới.

Vi khuẩn bệnh than được phóng đại dưới kính hiển vi.


Theo Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh Mỹ (CDC), vi khuẩn bệnh than là một loại vi khuẩn tạo thành bào tử, vì vậy khi lây nhiễm, nó có thể phát triển thành một bệnh nghiêm trọng, đe dọa mạng sống. Có 4 dạng bệnh than, được chia theo 4 vùng khác nhau trên cơ thể mà vi khuẩn than có thể tấn công là: Da, bộ máy hô hấp, bộ máy tiêu hóa và vùng miệng - hầu. Trong 4 dạng này, dạng bệnh than ở da là phổ biến và ít nguy hiểm nhất, trong khi dạng có nguy cơ tử vong cao nhất là bệnh than đường hô hấp. Cả hai dạng này đều phổ biến trong nạn dịch năm 2001.

Bệnh than không phải lúc nào cũng gây tử vong. Trên thực tế, nó là bệnh có tỉ lệ chữa khỏi cao nếu được phát hiện sớm và điều trị với thuốc kháng sinh như penicillin hay Cipro. Tuy vậy, để phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu, ta phải biết các triệu chứng của nó. Bệnh than da thường bắt đầu với một vết tấy đỏ như bị côn trùng đốt, chỉ gây ngứa chứ không đau. Trong vài ngày, vết tấy có thể biến thành một vết loét lớn hơn, thường có một vùng đen ở giữa. Lõi đen này là do các tế bào da bị chết trong vùng nhiễm khuẩn tạo thành. Vết thương thường đi kèm với những triệu chứng như bị cúm. CDC cho biết, nếu bệnh than da không được điều trị, bệnh nhân có nguy cơ bị tử vong là 20%. Trong khi đó, bệnh than hô hấp thường gây ra những triệu chứng như bị cảm lạnh, bao gồm đau họng, sốt và đau cơ. Các triệu chứng thường nặng lên sau vài ngày, cùng với các vấn đề về hô hấp. Mặc dù ít gặp hơn nhưng bệnh than đường hô hấp có tỉ lệ tử vong cao: Gần 75% những người mắc dạng bệnh than này sẽ chết vì các biến chứng liên quan.

Cách lây nhiễm phổ biến nhất của bệnh than là khi tiếp xúc trực tiếp với động vật nhiễm bệnh, hít thở phải các bào tử bệnh than, hoặc ăn thực phẩm chưa nấu kỹ từ động vật nhiễm bệnh. Trong khi các mối tiếp xúc với động vật không phải là nguy cơ lớn với cộng đồng, thì việc vũ khí hóa bệnh than, như trong cuộc khủng hoảng năm 2001, thực sự là mối đe dọa vô cùng nguy hiểm với nước Mỹ và cả thế giới.

Bạch Đàn

Đón đọc kỳ tới: Những phong thư chết người

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN