Jonas Salk, vị cứu tinh của nhân dân Mỹ trong đại dịch bại liệt - Kỳ 1

Người dân đã vinh danh Jonas Salk sau khi ông phát triển thành công vaccine phòng bệnh bại liệt – căn bệnh ám ánh người Mỹ hơn bất cứ loại bệnh tật nào khác. Tuy vậy, công trình nghiên cứu và thành công của ông lại gây nhiều tranh cãi với chính các đồng nghiệp trong giới khoa học.

VỊ THÁNH BAN PHÉP MÀU

Ở tuổi 40, Jonas Salk trở thành nhà khoa học được yêu mến nhất nước Mỹ. Ông có lẽ còn là nhà khoa học được yêu mến nhất mà thế giới từng thấy. Albert Einstein có thể nổi tiếng hơn, nhưng rất ít người hiểu được những gì ông đã làm. Trong khi đó, mọi người dân Mỹ đều biết và hiểu những gì Jonas Salk đã làm với loại vaccine phòng bệnh bại liệt mang chính tên ông, và họ đều yêu quý ông vì điều đó.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Jonas Salk tiêm vaccine bại liệt thử nghiệm cho một bé gái vào năm 1954. Ảnh: Getty Images

Căn bệnh reo giắc nỗi khiếp sợ

Tại Mỹ vào đầu những năm 1950, một cuộc thăm dò dư luận cho thấy nỗi sợ hãi về bệnh bại liệt chỉ đứng sau nỗi sợ về sự chết chóc do vũ khí hạt nhân. Năm 1952, năm xảy ra đại dịch bại liệt làm chết hơn 3.000 người Mỹ, trong khi số người chết vì viêm phổi cao gấp 10 lần và số người chết vì ung thư cao gấp 70 lần. Tuy nhiên, người dân có đủ lý do để lo sợ bệnh bại liệt lan rộng. Vào thời điểm mà nguy cơ gây ra bởi nhiều bệnh truyền nhiễm chết người do vi khuẩn như giang mai, bệnh lao và viêm phổi, đã được giảm thiểu nhờ thuốc kháng sinh, thì hầu hết các bệnh nhiễm trùng do virus, chẳng hạn như bại liệt, vẫn không thể ngăn chặn. Tỷ lệ mắc bệnh bại liệt có xu hướng gia tăng trong những năm 1940 và mỗi mùa hè mới đến lại mang theo một trận dịch mà phần lớn nạn nhân là trẻ em và thanh thiếu niên.

Một y tá giấu tên làm việc tại Bệnh viện Thành phố Pittsburgh, nơi bác sĩ Salk có phòng thí nghiệm nghiên cứu, đã kể lại về thời kỳ đó. Cô nhớ những chiếc xe cấp cứu xếp hàng chờ bên ngoài khi có tới 17 ca bại liệt nhập viện mới hàng ngày. Các bác sĩ chỉ được tranh thủ chợp mắt chút ít trong khi chiến đấu với dịch bệnh và các y tá thì hầu như không thể về nhà. “Để rời khỏi bệnh viện, bạn phải đi qua một số phòng bệnh và nghe thấy tiếng một đứa trẻ khóc lóc đòi ai đó đọc thư cho mình, xin uống nước hoặc thắc mắc tại sao bé không thể cử động. Bạn sẽ không đủ tàn nhẫn để lướt qua. Đó là một bầu không khí đau buồn, kinh hoàng và bất lực”.

Chú thích ảnh
Năm 1951, dịch bại liệt lên tới đỉnh điểm ở Mỹ: gần 58.000 người mắc bệnh và trên 3.000 người chết. Trong ảnh, một bé gái bị di chứng của bệnh bại liệt. Ảnh: AP

Trong mùa cao điểm năm 1953, có 391 bệnh nhân bại liệt mới được đưa vào Bệnh viện Thành phố Pittsburgh, gần như tất cả đều là trẻ em và 323 người đã bị liệt. Cuốn sách “Polio: An American Story” (Bệnh bại liệt: câu chuyện của nước Mỹ - năm 2005), trích dẫn cuộc phỏng vấn với Peter, con trai cả của bác sĩ Jonas Salk, kể về cha mình: “Ông tới khu điều trị bại liệt. Mọi người đến gần ông nói trong nước mắt. ‘Làm ơn, bác sĩ Salk, làm ơn cứu con chúng tôi’. Có một nỗi buồn không bao giờ rời khỏi tâm trí ông ấy”.

Một số bệnh nhân bại liệt tự hồi phục hoàn toàn. Những người khác chỉ hồi phục được khả năng sử dụng một phần các chi bị tổn thương và phải sống dựa vào nẹp chân hoặc nạng suốt đời. Nặng nhất là các bệnh nhân bị virus tấn công vào khu vực hành tủy não, nơi điều khiển hoạt động hô hấp và nhai nuốt. Thường nạn nhân sẽ tử vong sau thời gian ngắn. Những ai còn sống sót – được gọi là những người bị “phổi sắt” - sẽ phải nằm im trong những chiếc phổi máy to lớn, những “cỗ quan tài” mà họ phải ở cùng cho tới hết phần đời còn lại. 

Chú thích ảnh
Hàng loạt bệnh nhân bại liệt phải nằm trong những chiếc máy "phổi sắt".

Vì lẽ đó, vaccine của Jonas Salk được ví như luồng ánh sáng trong đêm đen, còn ông được ca ngợi là thiên tài y học, được ví như vị thánh ban phép lạ cứu vớt những đứa trẻ đáng thương.

Jonas Salk sinh năm 1914 tại thành phố New York. Ngay từ thuở ấu thơ, cảnh khốn khó của con người đã ám ảnh cậu thiếu niên gốc Do thái. Nhiều năm sau này ông vẫn nhớ như in cảnh tượng đau buồn của những người lính cụt tay, cụt chân tại New York trong ngày Đình chiến vào năm 1918. Đại dịch cúm chết chóc cùng năm đó cũng in sâu vào ký ức của ông hình ảnh những chiếc xe ngựa lóc cóc chở quan tài qua các con phố. Hay hậu quả của trận dịch bại liệt năm 1916 ám ảnh Salk với hồi ức về những người bạn cùng trường phải vật lộn trong chiếc nẹp chân như những tù nhân bị kẹp trong thanh sắt. Thế giới chan đầy nước mắt, và vô số khổ nạn của con người đã tập hợp sức mạnh trong tâm hồn Salk, khiến cứu sống con người trở thành sứ mạng mà ông lựa chọn. Salk nhớ lại, thời học trung học ông từng nói: “Tôi không quan tâm đến khoa học. Tôi chỉ quan tâm đến những thứ thuộc về con người”.

Chứng kiến vô vàn đau khổ thôi thúc Jonas Salk phải làm một điều gì đó - một điều gì đó quyết định, một điều gì đó kỳ diệu - để giảm bớt những nỗi đau của con người.

Chú thích ảnh
Bác sĩ Jonas Salk trò chuyện với những em nhỏ bị bại liệt năm 1958. Ảnh: Getty Images

Virus đã chết hay virus sống?

Ngay từ năm thứ nhất tại trường Đại học và Cao đẳng Y tế Bệnh viện Bellevue (ngày nay được gọi là Trường Y Đại học New York), Salk đã được một Giáo sư hoá sinh mời làm trợ lý nghiên cứu và giảng dạy trong một dự án phát triển kỹ thuật cải tiến để tách vi khuẩn khỏi môi trường nuôi cấy chúng. Từ đó niềm đam mê trí tuệ và đạo đức của Salk gắn liền với câu hỏi liệu vaccine chống virus có thể được tạo ra từ virus đã bị giết (virus bất hoạt) hay chỉ vaccine được chế từ virus sống mới mang lại khả năng miễn dịch. 

Thời kỳ đó, vaccine từ virus sống là loại tiêu chuẩn: Ba loại vaccine ngừa virus khi đó - phòng bệnh đậu mùa, bệnh dại và sốt vàng da – đều sử dụng các virus sống đã giảm độc lực để tạo ra một bệnh nhiễm trùng nhẹ, kích hoạt miễn dịch để bảo vệ cơ thể chống lại bệnh nhiễm trùng nặng. Vaccine sống mang theo rủi ro, dù nhỏ, là gây ra sự lây nhiễm căn bệnh mà chúng được dùng để ngăn ngừa. Ngay cả ngày nay, một phiên bản virus sống của vaccine bại liệt được sử dụng ở các nước đang phát triển vẫn tiếp tục gây ra các đợt dịch bại liệt nhỏ, như đã xảy ra vào mùa hè năm 2018 ở Cộng hòa Dân chủ Congo.

Chú thích ảnh
Jonas Salk tại phòng thí nghiệm của ông ở Pittsburg vào ngày 7/10/1954. Ảnh: AP 

Nhưng Salk tin rằng vaccine sống không nhất thiết là nguyên tắc bất di bất dịch. Đã có các loại vaccine hiệu quả chống lại bệnh uốn ván và bệnh bạch hầu - cả hai bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn - sử dụng các độc tố vi sinh vật bất hoạt về mặt hóa học, nhưng lại kích thích phản ứng kháng thể. Và Jonas Salk muốn kiểm tra giả thuyết rằng người ta có thể tiêu diệt virus, phá hủy khả năng lây nhiễm của virus đó, trong khi vẫn giữ được khả năng kích thích sản xuất kháng thể của nó.

Dưới sự giám sát nghiên cứu của Tiến sĩ Thomas Francis, Jr., Chủ nhiệm khoa Virus học của trường, Jonas Salk, từ khi còn chưa tốt nghiệp, đã chứng minh được rằng những con chuột thí nghiệm được tiêm chủng vaccine từ virus cúm bị bất hoạt bằng tia cực tím vẫn tạo ra các kháng thể như vaccine từ virus cúm còn sống.

Sau đó, ông trải qua 2 năm thực tập tại Bệnh viện Mount Sinai với tư cách bác sĩ phẫu thuật, nhưng virus học mới là lĩnh vực mà Salk lựa chọn, khi những trận dịch cúm và bại liệt ở Mỹ đặt sứ mạng cao cả lên vai ông. 

Xem tiếp Kỳ 2: TỪ ĐẠI DỊCH CÚM ĐẾN CUỘC CHIẾN CHỐNG BẠI LIỆT 

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo New Atlantic)
Jonas Salk, vị cứu tinh của nhân dân Mỹ trong đại dịch bại liệt - Kỳ cuối
Jonas Salk, vị cứu tinh của nhân dân Mỹ trong đại dịch bại liệt - Kỳ cuối

Vinh quang thuộc về Jonas Salk. Ông giống như một đấng Cứu thế trong mắt người Mỹ. Bệnh bại liệt từng khiến từ 13.000 -20.000 đứa trẻ bị liệt mỗi giờ đây đã có vaccine ngăn ngừa. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN