Cuộc đối đầu giữa Al Qaeda và IS- Kỳ cuối

IS - Động lực mới của thánh chiến toàn cầu?

Một công cụ giúp IS trở thành “ngôi sao” và thu hút được hàng nghìn thanh niên (và một số ít phụ nữ) từ khắp nơi trên thế giới, trong đó có nhiều nước Phương Tây, gia nhập chính là mạng xã hội.

Tổ chức này đã rất biết cách sử dụng công cụ này để thực hiện chiến dịch tuyên truyền nhắm tới các “khách hàng” mục tiêu: những thanh niên Hồi giáo bất mãn, chưa trưởng thành về tâm lý.

IS hành quyết tù nhân tập thể.


Thủ lĩnh và các thành viên của IS thuộc thế hệ trẻ hơn so với các “đồng nghiệp” tại Al Qaeda (Baghdadi được cho là khoảng 43 tuổi, trong khi đó Zawahiri đã 63 tuổi). Đó là cả một khoảng cách về thế hệ.

Như Gabriel Weimann, Giáo sư về giao tiếp tại Đại học Haifa Israel, người đã nghiên cứu về cách các tên khủng bố sử dụng Internet, đã chỉ rõ: Al Qaeda tiếp tục phụ thuộc nhiều vào các nền tảng Internet cũ như các website, diễn đàn trực tuyến thay vì các nền tảng truyền thông xã hội hiện đại được giới trẻ ưa dùng như Twitter, Facebook, Instagram…

IS, trái lại, xuất hiện trong kỷ nguyên của điện thoại thông minh, của truyền hình trực tuyến và phương pháp quan hệ công chúng của IS thể hiện ưu thế này. Nhóm khủng bố non trẻ này đã tổ chức chiến dịch tuyên truyền bằng rất nhiều ngôn ngữ dựa trên nền tảng truyền thông xã hội, thậm chí chúng còn tấn công tin tặc vào các trang mạng nổi tiếng để truyền tải thông điệp.

Chúng còn khuyến khích các chiến binh mang theo điện thoại thông minh để có thể chia sẻ các chiến thắng trên chiến trường qua Twitter và Instagram. Những người ủng hộ IS cũng được cho là đứng đằng sau vụ tấn công tin tặc và tài khoản Twitter của Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ.

Một số chi nhánh của Al Qaeda, nhất là lực lượng Al Qaeda tại Bán đảo Arab (AQAP) - nhóm đứng đằng sau tạp chí trực tuyến Inspire - còn cập nhật thường xuyên các chương trình tuyên truyền trên mạng. Trong khi đó, nòng cốt của Al Qaeda vẫn đa số sử dụng những công nghệ cũ kỹ, ra đời từ năm 2001.

Còn băng hình tuyên truyền vẫn chiếu những cảnh các thủ lĩnh cấp cao của Al Qaeda thuyết giảng những bài dài về phong trào thánh chiến, với lời lẽ chủ yếu lấy từ kinh Koran.

Chúng không thể so với những đoạn phim được dàn dựng kỳ công của IS (như “Ngọn lửa chiến tranh”), sử dụng âm nhạc rất kích động, các cảnh bom nổ, các clip chiếu hình ảnh Tổng thống Mỹ Barack Obama hay George W.Bush hòa trộn trong ánh lửa.

Chúng còn thường xuyên dựng các cảnh chiến binh thánh chiến bắn súng đại liên giữa chiến trường, đồ họa, các hình ảnh đẫm máu về cái chết của kẻ thù và các đoạn băng tuyên truyền bằng tiếng Anh (có phụ đề bằng tiếng Arab) mô tả chi tiết về sự phát triển của IS. Đó chính là nhân tố tạo nên sức hút đối với những thanh niên 18 mộng mơ, thích phiêu lưu và hào quang chiến thắng.

Lý luận của thánh chiến truyền thống trái ngược với quan điểm của IS. Ngay cả những nhân vật có ảnh hưởng lớn như Abu Muhammad al-Maqdisi, vốn là thầy của Zarqawi, đã gọi IS, một di sản của Zarqawi, là “kẻ lạc lối”. Dù nói thế nào, thực tế là IS đang đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp thánh chiến lừng lẫy một thời của Al Qaeda và trở thành thế lực thống trị phong trào thánh chiến trên thế giới hiện nay.

Động lực của phong trào thánh chiến đang phụ thuộc vào IS. Không giống như Al Qaeda, chúng có vẻ là kẻ chiến thắng: xây dựng được thành trì ở Syria và Iraq, trừng phạt những người Shiite “bội giáo” và người Mỹ (ở cấp độ khu vực), đưa ra tầm nhìn về một Nhà nước Hồi giáo mà Al Qaeda không thể hiện thực hóa được.

Nhưng rất có thể ưu thế này sẽ không kéo dài lâu vì tương lai của IS gắn chặt với chiến trường Iraq và Syria. Tình hình trên thực địa sẽ phải xoay chuyển khi liên minh quốc tế do Mỹ dẫn đầu đang can dự sâu hơn vào khu vực. Khi đó, nền tảng quyền lực của IS sẽ bị xói mòn và giống như AQI, IS sẽ thấm thía rằng sự tàn bạo sẽ phản lại chúng hơn là chất men quyến rũ, khiến chúng trở nên dễ bị tổn thất khi người dân bất ngờ quay lưng chống đối.

Tuy nhiên, các chiến thắng của IS tới nay đã có tác động sâu sắc tới chiến lược chống khủng bố của Mỹ. Tin tốt đó là ít nhất tới nay IS không nhắm vào đất Mỹ. Trọng tâm của chúng vẫn là củng cố và mở rộng nhà nước. Những chiến binh ngoại quốc gia nhập IS đang say sưa với chiến trường khu vực, chứ chưa có âm mưu đưa chúng trở lại Phương Tây hoạt động.


Tin không vui là IS đã giành được thành công lớn hơn những gì mà Al Qaeda đã làm được. Sự hiện diện quân sự của chúng đang tàn phá Iraq và Syria, và đe dọa tới Jordan, Saudi Arabia và đặc biệt là Liban. Hơn 10.000 chiến binh ngoại quốc của IS đang tạo sự bất ổn cho khu vực, nhưng vẫn là không đáng kể so với các vấn đề an ninh mà Phương Tây phải đối mặt khi lực lượng này hồi hương.

Về hệ tư tưởng, chủ nghĩa giáo phái mà IS theo đuổi đang làm trầm trọng thêm cuộc đối đầu Sunni - Shiite. Do vậy, IS là một mối đe dọa lớn hơn nhiều với sự ổn định của khu vực Trung Đông so với Al Qaeda từng đặt ra. Thêm nữa, những người Hồi giáo trẻ tuổi Phương Tây còn tìm thấy ở IS một nguồn cảm hứng, những “con sói đơn độc” này không trực tiếp đứng trong hàng ngũ của IS nhưng vẫn có thể tự mình tiến hành các vụ tấn công khủng bố dưới danh nghĩa IS.

Nhìn từ một góc độ khác của cuộc đối đầu IS - Al Qaeda, Mỹ và đồng minh cần tận dụng mâu thuẫn này để làm suy yếu hai tổ chức khủng bố hàng đầu hiện nay. Cuộc đấu đá nội bộ này sẽ làm giảm sức hút của cuộc thánh chiến nếu những chiến binh biết rằng chúng đang tự giết chóc lẫn nhau thay vì chống lại chính quyền, chống lại người Mỹ, hay các kẻ thù khác.

Chiến lược sử dụng truyền thông xã hội của IS cũng có điểm yếu vì tổ chức này tuyển mộ cả những thành phần có trình độ thấp nhất. Nếu biết lợi dụng chính sự tàn bạo ngu ngốc của chúng, nhất là trong việc chống lại những người Hồi giáo Sunni, sẽ khiến IS mất uy tín.

Cuối cùng, thắng lợi quân sự vẫn là một yếu tố có tính quyết định. Với Al Qaeda, chiến dịch không kích bằng máy bay không người lái của Mỹ đã tiêu diệt được những thành viên chủ chốt của chúng ở Pakistan và khiến mạng lưới này khó kiểm soát được tổ chức của mình. Với IS, sự thất bại trên chiến trường sẽ đập tan sức hút mà chúng cố tạo ra với giới trẻ.

Mỹ và đồng minh cần hợp tác với các nước trong khu vực để đảm bảo sự hợp tác chặt chẽ trong lĩnh vực tình báo và an ninh. Tóm lại, cuộc nội chiến giữa IS và Al Qaeda sẽ làm suy yếu năng lực của chúng trong việc định hình tình hình địa chính trị khu vực, suy yếu ảnh hưởng của phong trào thánh chiến và làm mất uy tín của chủ nghĩa thánh chiến Hồi giáo nói chung.


Thái Nguyễn

Cuộc đối đầu giữa Al Qaeda và IS - Kỳ 4
Cuộc đối đầu giữa Al Qaeda và IS - Kỳ 4

Al-Qaeda không bao giờ quá quan tâm tới việc chiếm và giữ lãnh thổ để thành lập một nhà nước Hồi giáo hay chính phủ, mặc dù mạng lưới này có đặt ra một mục tiêu như vậy.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN