Huyền thoại nữ chiến binh samurai đáng sợ nhất Nhật Bản

Tương truyền Tomoe Gozen chỉ huy 1.000 binh lính, bà không chỉ có sắc đẹp trời phú mà còn là một chiến binh samurai không biết sợ hãi và tàn bạo. 

Chú thích ảnh
Một bức họa mô tả Tomoe trong trận chiến Awazu. Ảnh: Wikimedia Commons

Tuy đa số những samurai (võ sĩ) khét tiếng nhất trong lịch sử Nhật Bản đều là nam giới, vẫn có những người phụ nữ vượt qua nhiều chuẩn mực xã hội và trở thành những nữ chiến binh chết chóc. Một ví dụ điển hình là Tomoe Gozen - nữ samurai khét tiếng vào khoảng thế kỷ 12

Câu chuyện về cuộc đời Tomoe Gozen vẫn còn nhiều bí ẩn, nhưng theo nhiều ghi chép lịch sử, bà xinh đẹp tuyệt trần lại tinh thông võ nghệ. Điều thực sự ấn tượng về huyền thoại Tomoe Gozen là bà không chỉ là một nữ samurai, mà còn là một chiến binh ưu tú và tàn bạo, khiến bao chiến binh khác phải khiếp sợ.

Nhật Bản thời Tomoe Gozen

Những samurai đầu tiên xuất hiện từ thế kỷ 8, nhưng phải đến thế kỷ 11 thì họ mới thực sự giành được quyền lực. Họ trở thành những chiến binh trung thành với các lãnh chúa (daimyo) lúc này vẫn liên tục xung đột để tranh giành quyền lực. Khoảng năm 1600, samurai mới được công nhận là một tầng lớp xã hội và được hưởng một số đặc quyền, bao gồm quyền được mang hai thanh kiếm bên mình.

Chú thích ảnh
Truyền thuyết kể rằng Tomoe Gozen vừa xinh đẹp vừa quả cảm, vừa trung thành, vừa tàn bạo. Ảnh: Wikimedia Commons

Đa số samurai đều là nam giới, bởi cũng như xã hội phương Tây lúc bấy giờ, phụ nữ trong xã hội Nhật Bản xưa đều được mặc định chỉ lấy chồng, sinh con và chăm lo gia đình trong khi người chồng ra chiến trường. Nhưng vợ của các samurai lại là ngoại lệ. Những người phụ nữ này vừa có học thức vừa đảm việc nhà, lại vừa có sức mạnh bảo vệ được gia đình. Một số người còn thường giấu những thanh gươm nhỏ trong lớp áo.

Từ trước khi samurai được công nhận trong xã hội thì đã có những người phụ nữ miệt mài tập luyện gươm đao để bảo vệ gia đình mình khỏi các thế lực xâm lăng. Họ được biết đến dưới cái tên Onna-bugeisha, có nghĩa là "nữ chiến binh"

Onna-bugeisha thường sử dụng những loại vũ khí như kaiken (gươm nhỏ thường chi dành cho samurai) và naginata (thanh kiếm với phần cán dài và lưỡi kiếm cong dài). Thanh kiếm naginata trở thành một biểu tượng gắn liền với onna-bugeisha, vừa là vũ khí vừa là dấu hiệu cho biết họ thuộc tầng lớp chiến binh. Những người con gái thuộc dòng dõi samurai thường mang một thanh naginata về nhà chồng, xem như của hồi môn.

Và trong số những nữ chiến binh này có Tomoe Gozen.

Chú thích ảnh
Bức họa vẽ Tomoe vung kiếm chém đầu quân địch ngay trên lưng ngựa. Ảnh: Wikimedia Commons

Nữ chiến binh sức địch nghìn quân

Tuy Tomoe Gozen là một trong số ít nữ chiến binh nổi tiếng nhất Nhật Bản, những câu chuyện về bà đa phần là dựa trên truyền thuyết chứ không phải sự thật lịch sử.

Cũng không chắc rằng đây là tên thật của bà vì lúc bấy giờ, việc dùng tên thật để gọi phụ nữ được xem là khiếm nhã. "Tomoe" có thể ám chỉ hoa văn của miếng giáp trên vai bà, và "Gozen” là một kính ngữ cổ dùng để tôn xưng những người phụ nữ có địa vị.

Một trong những nguồn thông tin chính về Tomoe là Heike monogatari (Truyện kể Heike) - một tư liệu lịch sử, tổng hợp những câu dân ca, truyện kể, và nhiều văn bản khác nhau để tạo nên một thiên sử thi hoành tráng vào khoảng năm 1240.

Truyện kể về cuộc chiến giữa hai dòng họ Taira, còn được biết dưới cái tên Heike, và dòng họ Minamoto. Tomoe khi đó là samurai dưới quyền Minamoto no Yoshinaka - một viên tướng thuộc nhà Minamoto.

Tương truyền rằng mẹ Tomoe từng là vú nuôi của viên tướng này, và Tomoe từ một người chị em nuôi đã trở thành một trong những tướng lĩnh trung thành nhất của ông. Tùy vào những tài liệu lịch sử khác nhau thì sau này bà còn trở thành vợ hoặc thê thiếp của Yoshinaka. Tomoe đã trực tiếp chỉ huy đến 1.000 binh lính trong đội quân của tướng Yoshinaka.

Chú thích ảnh
Tướng quân Minamoto no Yoshinaka, người mà Tomoe Gozen có thể là thiếp, là vợ, hoặc người hầu, nhưng cũng là người mà bà đã chiến đấu và bảo vệ. Ảnh: Wikimedia Commons

Thực chất thì Tomoe không hẳn là một onna-bugeisha mà là một onna-musha – từ dùng để chỉ những người phụ nữ trực tiếp ra chiến trường chứ không chỉ bảo vệ nhà cửa gia đình. Và bà không phải là người duy nhất, vì các bằng chứng khảo cổ cho thấy phụ nữ chiếm tỉ lệ không hề nhỏ trong quân đội Nhật Bản lúc bấy giờ.

Theo Truyện kể Heike: Tomoe cực kỳ xinh đẹp, với mái tóc đen dài và nước da trắng trẻo. Bà còn giỏi cưỡi ngựa, tất cả những con ngựa bất kham, hung dữ hoặc địa hình hiểm trở đều không làm bà nao núng.. Bà múa kiếm giương cung, sức địch nghìn quân, chọi cả quỷ thần.

Tuy được lấy tên đặt cho một thanh kiếm naginata, nhưng tương truyền rằng Tomoe thường hạ địch thủ bằng katana - loại kiếm dài, thẳng thường chỉ được samurai nam sử dụng.

Chiến công lịch sử

Tuy tướng Yoshinaka lập được nhiều chiến công trong Cuộc chiến Genpei (1180 - 1185) chống lại nhà Taira, nhưng vinh quang cộng với tài lãnh đạo kém của ông đã khiến ông bị chính gia tộc Minamoto quay lưng. Năm 1184, quân đội của ông bị tàn sát và khi tháo chạy khỏi thủ đô Kyoto, Yoshinaka chỉ còn 5, 6 chiến binh bên mình, trong số đó có Tomoe.

Trong đợt rút lui đô, Tomoe đã chạm trán với hai tướng quân địch lừng danh. Viên tướng đầu tiên, Hatakeyama Shigetada, bị Tomoe đánh bại liểng xiểng, đến nỗi phải tháo chạy để không bị ô uế thanh danh vì chết dưới tay một phụ nữ. Người thứ hai, Uchida Ieyoshi thì bị Tomoe chém đầu.

Chú thích ảnh
Tranh vẽ Tomoe Gozen chém rơi đầu tướng địch Uchida Ieyoshi trong trận Awazu năm 1184.  Ảnh: The Walters

Một phiên bản khác của câu chuyện này lại kể rằng khi Yoshinaka, Tomoe, và những chiến binh còn lại chuẩn bị tấn công quân đội của Minamoto no Yorimoto - anh họ của Yoshinaka trong Trận Awazu (1184), Yoshinaka đã hét lên bảo Tomoe hãy chạy ngay đi. Có lẽ ông muốn bà bỏ chạy để thực hiện lễ nghi tự sát danh dự, hoặc đơn giản là không muốn mình phải chết trước mắt một người phụ nữ.

Bất chấp mọi lý do, Tomoe đã từ chối bỏ chạy. Theo Truyện kể Heike, bà muốn giết được một "địch thủ xứng đáng" cuối cùng vì danh dự của Yoshinaka. Không rõ địch thủ xấu số này là ai, mỗi tư liệu kể một khác, nhưng tương truyền rằng khi một toán quân địch đến gần, Tomoe cưỡi ngựa xông thẳng đến, tóm lấy tên thủ lĩnh và chém đầu hắn ngay trên yên ngựa.

Chú thích ảnh
Tomoe dũng mãnh trên lưng ngựa.
Chú thích ảnh
Một onna-bugeisha tên là Ishi-jo sử dụng thanh kiếm naginata. Ảnh: Wikimedia Commons

Di sản văn hóa

Cũng như phần lớn cuộc đời Tomoe, câu chuyện về bà sau trận đánh cuối cùng vẫn là một ẩn số.

Có truyện kể rằng bà đã sống sót sau trận chiến, lúc 28 tuổi, và sau này trở thành một nhà sư cho đến khi qua đời ở tuổi 90. Còn theo Truyện kể Heike thì bà bị tướng Wada Yoshimori đánh bại và bị bắt làm thiếp của ông ta. Lại có một truyện khác kể rằng Tomoe đã giết sạch kẻ thù của tướng quân Yoshinaka để báo thù và mang thủ cấp của ông trầm mình xuống biển để không ai có thể mạo phạm.

Tuy thực hư số phận nữ samurai danh tiếng chưa rõ ràng nhưng lòng quả cảm và sự tàn bạo của bà đã khắc sâu dấu ấn trong nền văn hóa dân gian Nhật Bản. Một vở kịch Noh về Tomoe đã được xây dựng, và là một trong 18 vở kịch về chiến binh samurai trong tổng số 200 vở kịch Noh từ thế kỷ 15. Tên tuổi bà còn được vinh danh trong lễ hội Jidai được tổ chức vào ngày 22/10 hằng năm tại Kyoto.

Bà cũng góp mặt trong bộ ba tiểu thuyết giả tưởng mang tên "The Tomoe Gozen Saga" được viết bởi tiểu thuyết gia người Mỹ Jessica Amanda Salmonson, và cũng xuất hiện nhiều trong văn hóa đại chúng.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Cuộc đảo chính 'lãng xẹt' của Nữ hoàng ballet Anh
Cuộc đảo chính 'lãng xẹt' của Nữ hoàng ballet Anh

Suốt gần 40 năm là nữ hoàng của sân khấu ballet Anh và thế giới, nhưng Margot Fonteyn còn muốn hơn thế nữa, cô muốn trở thành Nữ hoàng của Panama.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN