Bức tranh thế giới hiện đại đầy rẫy sự xung đột. Một mặt, tuổi thọ và chất lượng giáo dục được nâng lên, hàng trăm triệu người đã thoát nghèo trong vài thập kỷ gần đây; nhưng ở khía cạnh khác, nền kinh tế châu Âu tiếp tục u ám, thỏa thuận cắt giảm vũ khí hạt nhân Nga - Mỹ đình trệ, chủ nghĩa cực đoan gia tăng tại nhiều khu vực, các thỏa thuận về chống biến đổi khí hậu đạt được quá chậm chạp so với hậu quả của nó. Thực tiễn này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách cần rút ra bài học để đối phó với những bất ổn đó. Năm bài học về đối ngoại dưới đây, được rút ra dựa trên những chính sách mà các cường quốc đã triển khai, có thể giúp giải quyết những xung đột của hiện tại và tương lai.
1. Cạnh tranh giữa các cường quốc chưa chấm dứtKhi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, rất nhiều người tin rằng cuộc đối đầu giữa các quyền lực chính trị kiểu cũ cũng đã đến hồi kết. Phát biểu khi chạy đua vào Nhà Trắng, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton từng nói rằng “kỷ nguyên mới không có chỗ cho những tính toán thuần túy về sức mạnh chính trị”, thay vào đó, thế giới hướng tới sự hợp nhất của các thị trường tự do, chia sẻ các giá trị dân chủ và Internet, con người sẽ tập trung vào việc làm giàu và sống sung túc.
Nhưng những gì xảy ra trong 20 năm qua cho thấy rằng cuộc cạnh tranh này chưa bao giờ chấm dứt. Mỹ chưa bao giờ buông lơi quyền lực chính trị của mình, các Tổng thống Clinton, Bush và Obama đã tập trung mọi nguồn lực để duy trì vị thế siêu cường số 1 của Mỹ. Họ hiểu rằng khả năng lãnh đạo thế giới của Mỹ phụ thuộc vào vị thế trên, nhất là ưu thế cường quốc duy nhất ở Tây bán cầu. Vị thế siêu cường đã giúp Washington tự do “đi dạo vòng quanh thế giới và can dự vào rất nhiều điểm nóng”, những điều không thể làm nếu Mỹ suy yếu.
Tình hình tại Libya vẫn vô cùng bất ổn. |
Nhưng Mỹ không phải là nước duy nhất tìm kiếm thứ quyền lực chính trị này. Những chính sách ngày càng cứng rắn của Trung Quốc đối với các nước láng giềng cho thấy Bắc Kinh đang tìm cách thay đổi bàn cờ địa chính trị hình thành sau chiến tranh, thách thức thế lực của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Các cuộc xung đột quân sự (Cuộc chiến Gruzia 2008, xung đột ở Ukraine) tại khu vực quanh nước Nga và công cuộc Đông tiến của NATO đe dọa không gian sinh tồn của Moskva cũng cho thấy rằng Chiến tranh Lạnh đã kết thúc, nhưng hòa bình đúng nghĩa chưa được thực sự thiết lập ở khu vực này. Phản ứng của Nga đối với cuộc khủng hoảng tại Ukraine và các biện pháp trừng phạt của Phương Tây với nước này khiến người ta nhớ lại cuộc đối đầu Đông - Tây trong những thập niên 70-80 của thế kỷ trước.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, các cường quốc khu vực như Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Nhật Bản cũng đang xem xét lại những mối quan ngại địa chính trị truyền thống một cách nghiêm túc hơn. Do vậy, nếu ai đó nghĩ rằng cuộc cạnh tranh vị thế cường quốc là cái gì đó thuộc về quá khứ là hoàn toàn sai lầm.
2. Các vấn đề khu vực trở thành vấn đề toàn cầu Sau hai cuộc thế chiến, những người theo chủ nghĩa lạc quan cho rằng thế giới sẽ hòa hợp trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, các xã hội với những giá trị và lịch sử khác nhau sẽ hội nhập trên những nền tảng tương đồng về thể chế. Các khác biệt về chính trị sẽ được giải quyết trong khuôn khổ các thể chế quốc tế và những vấn đề chính trị lớn sẽ mang tính toàn cầu hơn (như cơ chế đầu tư và thương mại, tiêu chuẩn lao động, kiểm soát vũ khí hay quản trị kinh tế vĩ mô…). Và những vấn đề mang tính khu vực như quyền của người thiểu số, tranh chấp biên giới sẽ dần biến mất khỏi chương trình nghị sự toàn cầu.
Nhưng đáng ngạc nhiên là bản sắc và những vấn đề địa phương vẫn đang tiếp tục là những vấn đề nhức nhối trong đời sống chính trị thế giới. Khu vực Trung Đông vẫn diễn ra xung đột giữa người Israel và người Palestine. Người Catalan và người Kurd vẫn đòi ly khai... Cùng với những nỗ lực nhằm tạo ra một chính quyền tập trung tại Afghanistan và xây dựng những chính phủ hiệu quả tại Iraq, Libya là tình trạng ly khai và chia rẽ giáo phái sâu sắc. Hoạt động phản kháng lại sự can thiệp từ bên ngoài đang tạo cảm hứng cho chủ nghĩa khủng bố xuyên quốc gia sống dậy.
Dòng chảy quốc tế của 20 năm qua cho thấy rằng việc bỏ qua bản sắc địa phương, khu vực là một viễn kiến ngây thơ và nguy hiểm, và bất kỳ sáng kiến ngoại giao nào không tính tới bản sắc và các điều kiện bản địa đều thất bại.
(Còn tiếp)
Thái Nguyễn (theo Foreign Policy)