GPS và “cuộc chiến không gian” đầu tiên - Kỳ cuối

"Chiến thắng Sa mạc - Cuộc chiến vì Kuwait" xuất bản năm 1991 nhận xét: "Chiến tranh Kuwait là cuộc chiến sử dụng GPS lần đầu tiên và nó đã thành công rực rỡ. Nó đã giúp cho tất cả các cuộc cơ động ban đêm quy mô lớn được thực hiện tốt mà trong quá khứ sẽ đòi hỏi nhiều cuộc trinh sát và người dẫn đường dọc theo các tuyến đường hành quân”.

“ĐỊNH VỊ” CHIẾN THẮNG

Mặc dù độ chính xác và tin cậy của GPS cách đây 25 năm kém hơn rất nhiều so với ngày nay, canh bạc của Liên minh đã được đền đáp. Trong cuộc chiến trên bộ ở Iraq, vốn chỉ kéo dài khoảng 100 giờ, máy định vị GPS đã giúp việc điều hướng trên bộ và hỗ trợ cho lực lượng pháo binh rất nhiều, vốn là một phần của cuộc oanh tạc quy mô lớn mà binh sĩ Iraq từng gọi là "cơn mưa thép". GPS đã bổ sung hoặc thậm chí thay thế la bàn trắc địa pháo. GPS cũng là trung tâm của các loại vũ khí pháo binh mới trong đó có Hệ thống Tên lửa Chiến lược Lục quân, vốn được “trình làng” trong Chiến tranh vùng Vịnh, có tầm bắn khoảng 270 km và sử dụng định hướng vệ tinh NAVSTAR để xác định các mục tiêu.

Một chiếc xe tăng của Iraq bị phá hủy trong “Trận 73 Easting” mang tính quyết định ngày 26/2/1991.

Định vị vệ tinh cũng đã chứng minh khả năng của nó trong việc giúp Quân đoàn VII và Quân đoàn dù XVIII của Lục quân Mỹ đề xướng ra hình thức cơ động thọc sườn - điều mà các nhà chỉ huy quân sự khác nhau gọi là "Kính mừng Maria” (Hail Mary) hay "Cú móc trái" (Left Hook). Chỉ với 3.000 thiết bị GPS, 40.000 xe tăng, phương tiện chiến đấu Bradley, pháo và kỵ binh, các đơn vị của Lục quân Mỹ đã tiến hơn 200 km trong hai ngày qua vùng sa mạc, vốn phần lớn chưa được thăm dò trước khi tấn công thọc sườn lực lượng Vệ bịnh Cộng hòa Iraq trong Trận 73 Easting mang tính quyết định ngày 26/2/1991. Tên của trận này cho thấy một cái nhìn sâu sắc về việc liên quân do Mỹ đứng đầu đã phụ thuộc như thế nào đối với sự hỗ trợ định vị tiên tiến chỉ nhằm tiếp cận đối phương. "73 Easting" (73 độ đông) là một tuyến đường ranh giới Bắc - Nam trên bản đồ ở giữa sa mạc, được xác định làm “vật chuẩn”, trái ngược với một thị trấn, đường bộ hoặc một số điểm tham chiếu vật lý thông thường khác.

Tạp chí Không quân xuất bản tháng 8/1991 bình luận: "GPS là một món quà trời cho giúp bộ binh vượt qua sa mạc, đặc biệt là trong những trận bão cát thường xuyên... Các kíp xe tăng và tất cả lái xe của những phương tiện tham chiến đã dựa rất nhiều vào hệ thống này. Xe tải Meal đã được trang bị máy định vị GPS để giúp lái xe tìm và cung cấp hậu cần cho các đơn vị tiền tuyến vốn phân tán rộng trong các cồn cát". Trong khi đó, Viện Hải quân Friedman Norman Press có bài viết "Chiến thắng Sa mạc - Cuộc chiến vì Kuwait" xuất bản năm 1991 nhận xét: "Chiến tranh Kuwait là cuộc chiến sử dụng GPS lần đầu tiên và nó đã thành công rực rỡ. Nó đã giúp cho tất cả các cuộc cơ động ban đêm quy mô lớn được thực hiện tốt mà trong quá khứ sẽ đòi hỏi nhiều cuộc trinh sát và người dẫn đường dọc theo các tuyến đường hành quân”.

Một thiết bị định vị GPS của quân đội Mỹ.

Tuy nhiên, Liên quân cũng đã đánh giá về điểm hạn chế lớn nhất của GPS trong Chiến tranh vùng Vịnh. Chẳng hạn theo ông Mastalir, phía Iraq đã cài đặt thiết bị gây nhiễu trên đỉnh của những cột mốc như các cung điện của Saddam Hussein để ngăn chặn việc chúng bị tấn công. Điều này đã giúp quân đội Mỹ sớm nhận ra rằng họ sẽ phải tiếp tục phát triển vũ khí dẫn đường bằng laser và vũ khí khác để tiêu diệt các mục tiêu khi GPS không hoạt động. Việc gây nhiễu đã cản trở khả năng hoạt động của các thiết bị thu dữ liệu từ vệ tinh bằng cách tăng tiếng ồn vào đường truyền tín hiệu.

Ở mức độ nào đó, vấn đề gây nhiễu có thể được chế áp bằng cách tăng cường độ tín hiệu và sử dụng anten vốn có khả năng phân biệt tốt hơn giữa tín hiệu và tiếng ồn. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, Lầu Năm Góc nhận ra sự nguy hiểm của việc dựa quá nhiều vào GPS. DARPA, vốn giúp thu nhỏ máy định vị GPS trong những năm 1980 và đã phát triển thêm để định hướng cho tên lửa, hiện đang đầu tư vào các thiết bị cảm biến quán tính và tự đo đạc có thể tiếp tục theo dõi chính xác vị trí của một máy thu khi dịch vụ vệ tinh không phải là một lựa chọn. Theo đó, Mỹ đang đầu tư 50 triệu USD cho chương trình ACES (Atomic Clocks with Enhanced Stability) để phát triển các đồng hồ nguyên tử có thể xách tay với kích thước chỉ bằng chiếc điện thoại di động. Mục đích của chương trình là tạo ra các đồng hồ thế hệ tiếp theo có độ ổn định hơn 1.000 lần so với các mẫu hiện tại và duy trì chính xác thời gian và thông tin điều hướng trong thiết bị ngay cả khi tín hiệu vệ tinh bị cắt đứt.

Nếu phiên bản trên của DARPA trở thành hiện thực, một ngày nào đó các đơn vị quân sự có thể được trang bị cả đồng hồ nguyên tử và máy định vị GPS để giúp họ tìm ra phương hướng vượt qua vùng lãnh thổ thù địch.

Công Thuận
GPS và cuộc “chiến không gian” đầu tiên của thế giới - Kỳ 1
GPS và cuộc “chiến không gian” đầu tiên của thế giới - Kỳ 1

Công nghệ định vị toàn cầu dựa trên vệ tinh (GPS) đã chứng tỏ khả năng ghê gớm của nó trong Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN