Giấc mộng dìm New York trong biển lửa của Hitler

Đại úy Hans-Heinz Lindner dần mất bình tĩnh. Bình minh đang ló rạng sớm ngày 13/6/1942, những chiếc ô tô đầu tiên đã xuất hiện dọc khu cảng ở làng Amagansett, Long Island. Nhưng chiếc tàu ngầm U-202 Innsbruck của Đức Quốc xã đang bị mắc cạn.


Vật thể khổng lồ bằng thép màu xám nằm chình ình trên đáy cát ở vùng nước nông chỉ cách bờ không đầy 200 m, vô dụng như một chú cá voi dạt bờ. Chỉ vài giờ nữa thôi, bất cứ ai đi bộ ngang qua cũng có thể thấy chiếc tàu ngầm Đức đang nhô lên trên mặt biển Đại Tây Dương.

Tám điệp viên phá hoại được Đức dùng tàu ngầm bí mật đưa đến Mỹ năm 1942.


Tuy nhiên, Lindner vẫn gắng gượng cho các động cơ vận hành tối đa và đã đưa tàu lùi xa về phía biển trong một đợt thủy triều. Chiếc U-202 trốn sâu dưới làn nước trước khi bị phát hiện. Trong khoang tàu, các thủy thủ ăn mừng sự giải thoát vào phút chót của mình.

Việc Đức suýt mất đi một chiếc tàu ngầm trong lúc đang hoạt động dọc bờ biển phía Đông nước Mỹ chỉ là màn dạo đầu cho một trong những chiến dịch quân sự kỳ lạ nhất của Đức trong Chiến tranh thế giới thứ 2: Đưa một nhóm phá hoại xâm nhập đất Mỹ.


Đệ tam Quốc xã muốn tấn công nước Mỹ ngay trên sân nhà và các chiến lược gia của Đức đã vạch ra một loạt kế hoạch tốn kém nhằm vào trung tâm thành phố New York bằng đủ loại vũ khí từ siêu tên lửa, phi công cảm tử đến máy bay ném bom tầm xa và điệp viên.

Tuy nhiên, các điệp viên Đức được tàu ngầm đưa tới bờ biển Mỹ trong Chiến dịch Pastorius táo bạo hầu như không làm được gì cho sứ mệnh đầy tham vọng của họ. Dù quân đội Đức đã nỗ lực hết sức trong việc lựa chọn và huấn luyện 8 thành viên cho đội khủng bố nhưng chiến dịch phá hoại của Đức Quốc xã đã hoàn toàn thất bại.

Số thuốc nổ thu được tại bờ biển Long Island..


Trước chiến dịch, tất cả các thành viên đã từng đến Mỹ nhưng không ai có kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tình báo. Trong số các điệp viên được lựa chọn có 2 công dân Mỹ là Ernst Peter Burger và Herbert Haupt.


Tháng 4/1942, họ được gửi tới Gut Quenzsee, một thị trấn cách thủ đô Béclin 75 km về phía tây, để học một khóa tấn công phá hoại. Trong vòng 18 ngày, các chuyên gia quân sự đã nhồi nhét vào đầu họ cách sử dụng thuốc nổ, kíp nổ hẹn giờ, các loại súng và lựu đạn. Họ còn được học nhu thuật để rèn luyện sức khỏe.

Nhiệm vụ của các nhóm điệp viên phá hoại là tấn công các mục tiêu kinh tế của Mỹ, gồm các nhà máy điện ở thác Niagara, các nhà máy sản xuất nhôm tại các bang Illinois, Tennesse và New York; cho nổ tung những cây cầu dành cho tàu hỏa và đường hầm nhằm làm tê liệt các hoạt động công nghiệp thiết yếu đối với cuộc chiến của Mỹ và khiến dân chúng Mỹ mất tinh thần... Các nhà sử học đã gọi đây là kế hoạch phá hoại táo bạo nhất trong lịch sử.

Ngày 13/6/1942, chiếc tàu ngầm đầu tiên (U-202) đã đưa một nhóm 4 điệp viên đến Amagansett, bang New York, cách thành phố New York hơn 180 km về phía đông. Lúc cập bờ, nhóm này vẫn mặc quân phục để đề phòng nếu bị bắt thì sẽ được coi là tù binh chứ không phải là gián điệp. Nhóm thứ 2 do Edward John Kirling phụ trách, được tàu ngầm U-584 đưa đến bãi biển Ponte Vedra, bang Florida an toàn vào ngày 16/6/1942. Sau đó. nhóm này đã lên tàu tới thành phố Chicago, bang Illinois và thành phố Cincinnati, bang Ohio để thực hiện nhiệm vụ được giao.

Chiến dịch thất bại và sự tráo trở của Giám đốc FBI

Ngay sau khi đổ bộ, nhóm thứ nhất do Dasch phụ trách đã gặp một sự cố bất ngờ. George John Dasch, nhóm trưởng 39 tuổi nhanh chóng bị nhân viên bảo vệ bờ biển 21 tuổi, John Cullen phát hiện. Lúc đó, Dasch còn đang ướt như chuột. Hắn cùng đồng bọn đã giả vờ là ngư dân bị sóng dạt vào bờ.


Thấy vậy, Cullen đã đề nghị những người này nghỉ lại đêm ở trạm bảo vệ bờ biển gần đó nhưng đã bị từ chối với lý do Dasch đưa ra là: "Chúng tôi không có giấy phép đánh cá". Sau đó, Dasch nắm lấy cổ Cullen và đe dọa: "Tôi không muốn phải giết cậu đâu". Hắn nhét một nắm tiền vào tay Cullen và nói: "Quên việc này đi, cầm lấy tiền rồi tận hưởng nhé". Nhận ra rằng chỉ có làm theo lời kẻ lạ mặt này may ra mới sống sót nên Cullen đã quyết định nhận số tiền đó.

Mô hình máy bay ném bom tầm xa 4 động cơ Messerschmitt Me 264..

John Cullen không biết rằng 2 người trong nhóm đó đã náu mình trong làn sương mù, sẵn sàng chờ tín hiệu để tấn công. Những kẻ xâm nhập trước đó đã được lệnh thủ tiêu bất cứ ai bắt gặp. Nhưng Dasch đã để cho Cullen đi. Sau một hồi tranh cãi, Dasch cùng 3 thành viên khác đã thay thường phục và chôn giấu thuốc nổ cùng trang bị khác xuống dưới cát rồi lên tàu đi thành phố New York và thuê phòng khách sạn để nghỉ chân. Kinh phí cùng số vũ khí, trang bị mang đến Mỹ có thể đảm bảo cho nhóm hoạt động trong 2 năm liên tục.

Sau khi những kẻ lạ mặt biến mất trong sương mù, nhân viên bảo vệ bờ biển John Cullen đã chạy về trạm để gọi đồng đội. Trước khi bình minh ló rạng, họ đã đào thấy 4 thùng thuốc nổ cùng nhiều trang bị và một số quân phục Đức trước đó được chôn vội vã dưới lớp cát ướt.


Thông tin nhanh chóng được chuyển tới Giám đốc Cục điều tra liên bang (FBI) thời bấy giờ là J. Edgar Hoover. Ngay lập tức một cuộc tìm kiếm 4 người lạ mặt lớn nhất trong lịch sử của cơ quan này đã được tiến hành. Tuy nhiên báo giới Mỹ không hề được thông báo do FBI e ngại sẽ gây ra sự kích động trong dân chúng và mang tới nỗi xấu hổ lớn cho Hoover nếu thất bại trong việc lùng bắt những kẻ phá hoại.

Tại New York, nhóm 1 bắt tay vào chuẩn bị cho các hoạt động phá hoại mà không hề hay biết số vũ khí, trang bị chôn ở bờ biển đã bị thu giữ và FBI đang lặng lẽ săn lùng. Tuy nhiên, nhóm trưởng George John Dasch lại có những mưu đồ riêng.


Một ngày sau khi đổ bộ, hắn đã gọi Ernst Peter Burger, thành viên tin cẩn nhất trong nhóm, lên gác trên và nói: "Chúng ta cần nói chuyện. Và nếu chúng ta không nhất trí được với nhau thì sẽ chỉ có 1 người có thể bước ra khỏi phòng, người còn lại sẽ bay ra từ cửa sổ". Dasch đã tiết lộ sự thật với Burger rằng hắn căm ghét Đức Quốc xã và không có ý định hoàn thành nhiệm vụ được giao. Hắn muốn Burger ở bên lúc ra trình báo với FBI, Burger cười và đồng ý do cũng có ý định phản bội từ trước.

Phiên tòa quân sự xét xử các điệp viên phá hoại Đức.

Tuy vậy, 2 tên này chưa biết làm cách nào. Đến gặp các nhà chức trách địa phương thì chúng không dám vì trước đó được cấp trên cho biết rằng Đức Quốc xã đã cài được người vào nội bộ FBI.


Dasch quyết định liên lạc với văn phòng FBI tại New York bằng điện thoại nhiều lần nhưng đều bị bỏ ngoài tai. Tuy bất ngờ và ngạc nhiên nhưng không hề nản chí, Dasch dặn Burger để mắt tới các thành viên còn lại rồi đến thủ đô Oasinhtơn tự nộp mình vào ngày 19/6.


Ngay tại trụ sở chính của FBI, các nhân viên cũng không tin lời Dasch cho đến khi hắn ném 84.000 USD (tương đương hơn 1 triệu USD ở thời điểm hiện nay), toàn bộ số tiền được Đức đưa cho để tiến hành chiến dịch lên bàn của Phó giám đốc D.M. Ladd. Để lời nói của mình có thêm trọng lượng, Dasch đã đưa cho các nhân viên FBI xem chiếc khăn tay mà hắn đã dùng mực tàng hình viết tên mục tiêu cũng như đầu mối liên lạc của mình lên đó. Sau nhiều giờ thẩm vấn căng thẳng, Dasch đã khai không sót chi tiết nào về Chiến dịch Pastorius.


Hắn cũng khai thêm thông tin trọng yếu về nền sản xuất, các nhà máy và trang bị phục vụ chiến tranh của Đức. Trong hai tuần sau đó, FBI đã dựa vào những thông tin có được để tóm gọn 3 điệp viên trong khách sạn ở New York và 4 người đã đổ bộ lên Florida.

Đêm 27/6, Hoover đã hé lộ thông tin cho báo giới nhưng không hề đề cập đến sự phản bội của Dasch cũng như các chi tiết khác về vụ điều tra săn lùng. Sáng hôm sau, người dân trên khắp nước Mỹ kinh ngạc trước những tiêu đề báo như "Tàu ngầm Đức đưa gián điệp xâm nhập: 8 tên đã bị FBI tóm gọn".

Ngày 3/7, các nhân viên FBI đã chào Dasch bằng một nụ cười, còng hắn lại rồi tống vào chung buồng giam với các thành viên khác trong nhóm. Đây không phải là kết cục hắn mong đợi nhưng các nhân viên bắt giữ trấn an hắn đây chỉ là thủ tục và hắn sẽ nhận được lệnh ân xá của tổng thống Mỹ với án phạt không quá 6 tháng tù.

Thực tế thì ngược lại. Hoover đã "phản bội" Dasch và lập luận rằng Dasch "bị bắt" sau đồng bọn 2 ngày và việc bắt giữ nhóm điệp viên phá hoại Đức diễn ra tại New York chứ không phải Oasinhtơn. Điều đó có nghĩa là việc bắt giữ những tên tay chân đã dẫn tới tên cầm đầu chứ không phải ngược lại.


Câu chuyện về vụ việc mà Hoover kể cho Tổng thống Rooservelt hoàn toàn ăn nhập với đống thư từ và điện tín thúc giục Tổng thống tặng thưởng Huân chương danh dự của Quốc hội Mỹ cho J. Edgar Hoover. Trước đó, Giám đốc Hoover cũng đã cảnh báo Phó Giám đốc Ladd phải tảng lờ chi tiết 84.000 USD mà Dasch giao nộp.

Các luật sư biện hộ cho những kẻ bị bắt đã cố gắng để vụ này được xử ở một tòa án dân sự với lý do chưa gây ra thiệt hại gì nhưng đã bị Tòa án quân sự tối cao Mỹ cự tuyệt. Tám điệp viên phá hoại của Đức đã bị đưa ra xét xử kín tại một phiên tòa quân sự do 7 viên tướng phụ trách. Điều đó có nghĩa là không có bồi thẩm đoàn, không báo chí và không kháng cáo. Dasch được xét xử riêng do tính chất sự việc. Phán quyết được đưa ra đối với tất cả 8 điệp viên Đức là tử hình.

Ngày 8/8/1942, sự nghiệp ngắn ngủi của 6 trong số 8 điệp viên Đức đã chấm dứt trên ghế điện tại nhà tù Oasinhtơn. Án phạt dành cho Dasch và Ernst Peter Burger đã được Tổng thống Mỹ Franklin D.


Roosevelt điều chỉnh lại do họ tự ra khai báo và cung cấp thông tin về những người còn lại. Burger bị tuyên phạt án tù chung thân còn Dasch nhận án 30 năm khổ sai. Sau chiến thắng của quân Đồng minh tại châu Âu, nhiều tài liệu liên quan đến vụ việc này đã được công khai, bất chấp sự phản đối của J. Edgar Hoover. Đến năm 1948, Tổng thống Harry S. Truman đã ra lệnh ân xá và trục xuất Dasch cùng Burger về Đức.

Giấc mộng của Hitler

Tại nước Đức, bất chấp thất bại của chiến dịch phá hoại, Hitler vẫn nung nấu âm mưu chứng kiến New York chìm trong lửa. Theo cách nghĩ của hắn, đối thủ hùng mạnh của mình ở bên kia bờ Đại Tây Dương phải bị gạt ra khỏi cuộc chiến bằng vài cuộc tấn công được tính toán kỹ trên sân nhà. Kiến trúc sư được sủng ái của Hitler, Albert Speer sau này hồi tưởng lại rằng Hitler rất thích xem những bộ phim về đề tài "Luân Đôn bốc cháy", "các đoàn hộ tống phát nổ" và "biển lửa bao trùm Vácxava". Hitler say sưa với ý tưởng "New York sụp đổ trong biển lửa".

Với niềm đam mê tấn công New York của Hitler, không có gì ngạc nhiên khi các chiến lược gia của Đức Quốc xã đã vạch ra nhiều kế hoạch phục vụ ý tưởng đó, nhiều kế hoạch trong đó còn có trước khi chiến tranh nổ ra.


Ví dụ, năm 1937, trong một chuyến thăm các nhà máy của Công ty chế tạo máy bay Messerschmitt ở thành phố Augsburg, miền Nam nước Đức, Hitler đã được giới thiệu một mẫu máy bay ném bom tầm xa 4 động cơ Messerschmitt Me 264, được thiết kế đủ khả năng bay từ châu Âu tới bờ Đông nước Mỹ.

Hitler rất hài lòng với ý tưởng "Máy bay ném bom Amerika" mang theo lượng chất nổ có thể biến các thành phố của Mỹ thành tro bụi và những đống gạch vụn.


Nhưng điều ông ta không biết là nhà thiết kế chiếc Me 264, Willy Messerschmitt, thực ra đã đưa ra một mô hình không có khả năng cất cánh nhằm giành được một hợp đồng cung cấp dầu nhờn - và chẳng ai có thể nói xem liệu khi nào chiếc máy bay này sẵn sàng hoạt động.

Quân Mỹ nghiên cứu một quả tên lửa V-2 nguyên vẹn thu được vào tháng 4/1945.


Vào thời điểm có vẻ sắp thua cuộc, Đức Quốc xã bắt đầu đặt nhiều hy vọng vào việc phát triển cái được gọi là "vũ khí thần kỳ". Trung tâm nghiên cứu quân sự tại Peenemünde, một ngôi làng trên đảo Usedom trên biển Ban tích, nung nấu cả đống những ý tưởng như vậy.


Chính trung tâm này đã gần phóng thành công quả tên lửa V-2 đầu tiên năm 1942. Người ta hy vọng trung tâm này sẽ có thể phóng "tên lửa Amerika" A-9/A-10 tới đất Mỹ vào thời điểm cuối cuộc chiến. Đây là loại tên lửa có độ dài 25 mét, dài hơn tên lửa V-2 gần 10 mét.


Nặng gần 100 tấn, tên lửa sẽ được phóng tới độ cao 24 km trước khi bắt đầu hành trình vượt Đại Tây Dương vào đất Mỹ. Một nhóm nghiên cứu khác phụ trách giúp phi công lái quả tên lửa và phóng ra ngoài ngay trước khi tới mục tiêu - một sứ mệnh tự sát thực thụ.

Trên lý thuyết, ít nhất thì tài năng phá hoại của các kỹ sư Đức đúng là không có giới hạn. Họ vui đùa với ý tưởng đưa tàu ngầm kéo theo các khoang nổi chứa các tên lửa V-2 cải tiến tới bờ Đông nước Mỹ. Khi đã vào vị trí, các khoang nổi sẽ chìm xuống, làm cho tên lửa dựng đứng lên và sẵn sàng phóng đi.

Sự phát triển của công nghệ quân sự Đức Quốc xã chỉ có thể tiến hành bằng việc bóc lột sức lao động. Hàng ngàn người đã chết dưới các cơ sở sản xuất ngầm và các nhà máy bí mật. Nhưng cũng có nhiều người tình nguyện "hy sinh" cho thành công của "vũ khí Amerika", gồm cả việc lái tên lửa phóng từ máy bay cảm tử xuống trung tâm New York.

Rốt cục thì những kế hoạch tấn công của Đức Quốc xã chỉ có một điểm chung là không có cái nào được thực hiện thành công. Tháng 12/1941, tạp chí Life của Mỹ đã đăng tải một phác họa New York với tiêu đề mô tả các máy bay Đức quốc xã có thể đánh bom như thế nào.


Năm 1944, cũng chính tạp chí này đã trích dẫn lời Thị trưởng New York, Fiorello La Guardia nói rằng Đức có thể dùng tên lửa tấn công nước Mỹ. Nhưng cuối cùng, không có bất kỳ "máy bay ném bom Amerika" hay tên lửa Đức Quốc xã tầm xa nào xuất hiện trên bầu trời New York.

Hơn hết, các đợt ném bom của quân Đồng minh xuống các nhà máy Đức đã liên tục cản trở việc phát triển khả năng tấn công xuyên Đại Tây Dương và chiến tranh thế giới tiếp diễn khiến nó trở thành bất khả thi. Việc thiếu nguyên vật liệu, thiếu thời gian và có quá nhiều dự án mới đã không cho giấc mộng của Hitler có thể chứng kiến nước Mỹ chìm trong biển lửa trở thành hiện thực.

Về phía các điệp viên "gà mờ" tham gia Chiến dịch Pastorius, có vẻ như họ vẫn sẽ bị lộ cho dù Dasch và Burger không đào ngũ đi chăng nữa. Thật vậy, ngay từ đầu nhiệm vụ đã có vấn đề. Một trong số các điệp viên đã tìm cách né tránh nhiệm vụ sau khi mắc bệnh lậu ở Pari.


Trên đất Mỹ, Edward Kerling, nhóm trưởng nhóm đổ bộ lên Florida, thường xuyên bóng gió khoe khoang với một người bạn cũ về nhiệm vụ bí mật của mình. Herbert Haupt, một thành viên trong nhóm của Kerling, thậm chí còn đến thăm bố mình ở thành phố Chicago và nhờ ông mua cho một chiếc xe thể thao hiệu Pontiac màu đen và nói cần nó trong khi làm việc cho chính phủ Đức.

Quang Minh (Tổng hợp)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN