Câu chuyện liên quan đến việc Sa hoàng Alexander II chuyển nhượng Alaska cho Mỹ đến nay vẫn gây ra nhiều tranh cãi, một số chuyên gia thậm chí cho rằng Alaska theo tính giả thiết có thể được trả lại về Nga.Đây được đánh giá là một trong những thương vụ khiến Nga mất đi nhiều lợi ích về cả phương diện kinh tế và địa chính trị sau này.
Câu chuyện thật đằng sau sự chuyển đổi vùng đất mà Nga sở hữu tại Bắc Mỹ - Alaska - vẫn bị bủa vây bởi nhiều bí ẩn. |
Hiệp ước chuyển nhượng Alaska được ký kết 148 năm trước đây, vào ngày 30/3/1867 bởi các đại diện toàn quyền ở thời điểm đó là đại sứ Nga tại Mỹ Edward de Stoeckl và Bộ trưởng ngoại giao Mỹ William H. Seward.
Khu vực thuộc sở hữu của Nga tại Bắc Mỹ này có diện tích 586.412 dặm vuông (khoảng 1.519.000 km vuông) và được bán với giá 7,2 triệu USD bằng vàng (tương đương 114 triệu USD ngày nay) hoặc nói cách khác, nó chỉ tương đương 1 xu đổi lấy 0,2 ha.
Nếu nhìn qua đây chỉ là một hợp đồng bình thường như 60 năm trước đó Mỹ đã mua lại khu vực Louisiana (khoảng 2,14 triệu km vuông) từ tay Pháp với giá 68 triệu franc hoặc chưa đầy 3 xu để mua 0,4 ha.
Tuy nhiên Hiệp ước chuyển nhượng Alaska vẫn làm dấy lên tranh cãi giữa các chuyên gia phương Tây và Nga. Một vài nhà nghiên cứu Nga thậm chí còn đi xa hơn và khẳng định rằng Alaska không phải để bán mà là cho thuê trong 99 năm, dựa trên khoản tiền bỏ ra để mua quá nhỏ.
Hoàn cảnh của thương vụ cũng bị bao quanh bởi tranh cãi, một số nhà nghiên cứu chỉ ra rằng ngân khố Nga hoàn toàn không nhận được một đồng nào cho việc chuyển nhượng Alaska bởi con tàu Orkney vận chuyển số vàng đến Nga đã bị chìm ở biển Baltic.
Tuy nhiên câu hỏi vẫn được đặt ra là tại sao Sa hoàng Nga lại quyết định bán vùng lãnh thổ Nga dày công khai phá và phát triển trong 126 năm?
Những giả thiếtTheo một số nhận định, Nga quyết định bán Alaska bởi thứ nhất nước này đã có phần “thấm mệt” sau cuộc chiến tranh Crimea năm 1853-1856 và không mấy hào hứng với việc chống đỡ cho một lãnh thổ hải ngoại ở Bắc Mỹ. Thứ hai Nga lo ngại rằng Anh có thể chiếm giữ Alaska nếu xung đột xảy ra trong tương lai. Thứ ba Nga lo Mỹ có thể xâm chiếm Alaska và Nga sẽ mất "trắng" lãnh thổ hải ngoại này.
Tuy nhiên các nhà sử học Nga và Ivan Mironov (tác giả sách nghiên cứu về lịch sử Alaska) khẳng định rằng những điều trên không hề liên quan tới thực tế.
Ở thời điểm đó Nga có thể cân bằng hiệu quả lực lượng trước sự đe dọa của Anh bằng lợi thế địa lý với các nước thuộc địa của Anh đồng thời có sức mạnh hải quân được coi là ngang sức với Anh.
Về lo sợ Mỹ tấn công Alaska cũng không có cơ sở thuyết phục bởi Nga và Mỹ khi đó có mối quan hệ đặc biệt và có nhiều quan điểm chính trị, kinh tế chung.
Về giả thiết liên quan đến chiến tranh Crimea và Alaska trở thành gánh nặng càng không được ủng hộ. Ivan Mironov đã nghiên cứu và phân tích các kho tư liệu cổ của Nga và phát hiện rằng chính phủ Nga không tiêu tốn ngân khố quốc gia cho lãnh thổ hải ngoại ở Bắc Mỹ này và tất cả trách nhiệm tài chính đều do công ty Nga-Mỹ đảm nhiệm, thực thể liên doanh đầu tiên của Nga được thành lập năm 1799.
Công ty Nga-Mỹ được quyền thương mại độc quyền và trong hơn nửa thế kỷ, dưới sự bảo trợ của Nga, công ty này được khai phá lãnh thổ, thực hiện nghiên cứu khoa học và tạo mối quan hệ thân thiết với người dân bản địa, xây dựng trường học, nhà thờ…
Đặc biệt công ty này thậm chí đã đem lại lợi nhuận ổn định cho Đế quốc Nga với hàng tỉ ruble.
Sự phản bội và âm mưu trong lịch sửVậy căn nguyên của quyết định bán Alaska là gì? Các nhà sử học cho rằng đó là lòng tham.
Năm 1857, đại công tước Konstantin, em trai của Sa hoàng Alexander II đã là người mở đầu cho kế hoạch chuyển nhượng Alaska. Kể từ khi công ty Nga Mỹ được coi là vật cản chính trong kế hoạch, đại công tước Konstantin đã nỗ lực để huỷ hoại công ty này. Sau nhiều năm chịu áp lực công ty Nga Mỹ phải đối mặt với tổn thất tài chính lớn.
Chứng khế kho bạc về khoản tiền mua Alaska. |